Công ty cổ phần Sông Đà 7 là một trong những đơn vị đảm nhận khối lượng lớn công việc thi công trên công trình thuỷ điện Sơn La. Đơn vị hiện đang thi công 3/6 tổ máy; 1/4 bê tông đập tràn xả lũ; đúc toàn bộ cấu kiện bê tông đúc sẵn cho công trình; sản xuất và vận chuyển trên 90% khối lượng đá dăm và cát nhân tạo cho bê tông đầm lăn...
Mặc dù khối lượng công việc lớn như vậy và phải thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa, nắng thất thường, lũ sông Đà dâng cao, nhưng gần 1.500 kỹ sư, công nhân lao động của Công ty đã vượt qua mọi khó khăn, bám sát tiến độ, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đến nay, Công ty cổ phần Sông Đà 7 đã hoàn thành tổng giá trị sản xuất, kinh doanh trên 1.000 tỷ đồng; hoàn thành thi công côn hút tổ máy số 4; đang thi công tổ máy số 5 đạt cao trình 110 mét và tổ máy số 6 đạt 115,9 mét; sản xuất đá dăm và cát nghiền trên 1 triệu m3...
Hiện tại Công ty đang tập trung thi công để đảm bảo bàn giao mặt bằng cao trình 186,1 mét để phục vụ thử khô khe van vào cuối tháng 9 tới. Đây cũng là mục tiêu công ty phấn đấu hoàn thành, lập thành tích chào mừng Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mùng 2/9.
Anh Nguyễn Văn Hải, công nhân Công ty cổ phần Sông Đà 7 phấn khởi cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng thực hiện theo đúng chỉ tiêu, tiến độ của nhà máy thuỷ điện Sơn La. Chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm, 3 ca, 4 kíp với tinh thần tích cực, hăng say và thực hiện nghiêm túc nội quy làm việc do công ty đề ra”.
Đối với xí nghiệp Sông Đà 5.08 thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 5, sau khi hoàn thành đổ 1,9 triệu m3 bê tông đầm lăn tại khối L3 đập chính, hàng trăm kỹ sư, công nhân tiếp tục duy trì làm việc 3 ca, bốn kíp để bảo dưỡng tổng thể khối lượng bê tông đã đổ. Mọi người đều, hăng say làm việc, góp sức cùng với các đơn vị thi công trên toàn công trường, đảm bảo tiến độ ngăn sông đợt 3 vào cuối tháng 11 này.
Ông Vương Thanh Tùng, Giám đốc xí nghiệp Sông Đà 5.08 cho biết, để đạt được mục tiêu này, công nhân trong đơn vị rất nỗ lực, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và dự trù tốt các loại vật tư, thiết bị; phát huy được tính sáng tạo của từng người, từng phân xưởng sản xuất về lĩnh vực chuyên môn cũng như kết hợp với kinh nghiệm của những người đi trước.
Đến thời điểm này, tại khu vực bờ trái và lòng sông, các đơn vị tham gia thi công đã đổ bê tông cửa nhận nước của cả 6 tổ máy và đạt cao độ trung bình 175m, riêng tổ máy số 1 đạt cao độ 185m; lắp đặt thiết bị sửa chữa, khe van lưới chắn rác, gầu vớt rác 6 tổ máy. Khu vực nhà máy, hoàn thành đổ bê tông và lắp đặt thiết bị khuỷu hút tổ máy số 1 đến số 5 đạt cao độ 93m; tiếp tục lắp đặt buồng xoắn, bộ van và các chi tiết. Công tác phòng, chống lũ được các đơn vị, xí nghiệp kiểm tra gắt gao; lắp đặt hệ thống bơm thoát nước hố móng công suất 2.000m3 trên giờ, 6 máy bơm chìm loại 150m3 trên giờ trong lòng nhà máy; cử lực lượng trực 24/24 giờ tại các địa điểm có nguy cơ sạt trượt.
Ông Vũ Tiến Lăng, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Sông Đà cho biết, để động viên, khích lệ tinh thần lao động, sản xuất của gần 13.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường thuỷ điện Sơn La, Tổng Công ty và Tổng liên đoàn Lao đông Việt Nam đẩy mạnh phong trào thi đua liên kết. Trong dịp này, gần 250 triệu đồng tiền thưởng được trao cho 36 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Cả đại công trường đang quyết tâm vì mục tiêu cao nhất là phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm tới và hoàn thành nhà máy thuỷ điện Sơn La vào năm 2012. Tiến độ này sẽ về trước kế hoạch 2 năm và như vậy sẽ làm lợi cho nhà nước hơn 12.000 tỷ đồng.
Ông Vũ Tiến Lăng cho biết: “Trên công trường chúng tôi đã phát động các phong trào thi đua làm việc 24/24 giờ. Ở đây trên 80% lao động là thanh niên, họ miệt mài làm việc ngày đêm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2009, phấn đấu phát điện tổ máy số 1 vào năm 2010”.
Công trình nhà máy thuỷ điện Sơn La gồm 6 tổ máy, với công suất lắp máy 2.400 MW. Đây là công trình thuỷ điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Khi hoàn thành, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp gần 9,5 tỷ KW giờ điện, đáp ứng phần quan trọng điện năng cho cả nước. Với ý nghĩa ấy, những người thợ trên công trường thuỷ điện Sơn La đang từng ngày vượt qua những khắc nghiệt của nắng gió miền Tây Bắc, đắp đập, ngăn dòng, sớm đưa dòng điện phục vụ đất nước./.
Theo VOVNews