Cách đây 11 năm, nhà gare Louvain (Bỉ) là công trình quan trọng được thiết kế sử dụng khoảng 150.000 m2 đá của Việt Nam, trong đó chủ yếu là đá xanh Thanh Hóa. Dự kiến công trình thi công trong vòng 2 năm, nhưng Bỉ đã mất 4 năm mới hoàn thành công trình do nguồn đá của Việt Nam không đạt chất lượng. Đây chỉ là một trong nhiều “câu chuyện” về chất lượng đá ốp lát của Việt Nam…
Chất lượng đá tự nhiên cao, chất lượng đá thương phẩm thấp!
Trong những năm gần đây, sản xuất, chế tác đá ốp lát đã dần trở thành ngành công nghiệp quan trọng. Từ sản lượng 0,2 triệu m2 năm 1990 tăng lên 1,52 triệu m2 năm 2000 và đến năm 2008 đạt 6,5 triệu m2. Tốc độ tăng trưởng ngành đá liên tục đạt 38%/năm, sản phẩm đá Việt Nam đã có mặt tại 85 quốc gia trên thế giới, doanh thu tính đến tháng 10-2008 đạt trên 80 triệu USD. Trữ lượng đá xây dựng của Việt Nam cũng khá lớn, với 325 mỏ, trữ lượng tìm kiếm ước khoảng 37 tỷ tấn. Tuy đá Việt Nam có chất lượng tốt, nhưng đá ốp lát xây dựng đang gặp trở ngại lớn về thị trường vì chất lượng đá không đảm bảo… do quá trình khai thác và chế tác sử dụng công nghệ, thiết bị quá lạc hậu.
Theo T.S Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, thời gian qua, các doanh nghiệp khai thác đá vẫn hoạt động theo kiểu ăn xổi, chộp giật, chưa có đầu tư nhiều về công nghệ trong khai thác cũng như chế tác. Hiện chúng ta chưa có khảo sát cụ thể về trữ lượng, chất lượng và tiềm năng khai thác đá ốp lát, trong khi công tác quy hoạch và quản lý còn có nhiều chồng chéo và bất cập. Ông Huynh cho rằng, hiện các mỏ đá chịu sự điều chỉnh bởi Luật khoáng sản và do Bộ Tài nguyên Môi trường quản lý; công nghiệp khai thác đá thì Bộ Xây dựng quản lý, nhưng sản xuất bột đá trắng lại do Bộ Công thương quản lý. Do đó việc phân cấp quản lý mỏ, doanh nghiệp khai thác, đấu thầu công nghệ mỏ thường thiếu sự phối hợp chặt chẽ dẫn đến hiện tượng, các DN khai thác manh mún, mạnh ai nấy làm.
Bà Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc công ty Vinastone, (một trong số ít doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đá ốp lát cao cấp, doanh thu năm 2008 đạt tới 22 triệu USD) cho biết: Thế mạnh đá ốp lát xây dựng Việt Nam là đá xanh và đá trắng, màu đá đẹp và tự nhiên. Tuy nhiên do khai thác kiểu nổ mìn đánh chân vẫn là phổ biến, khiến chất lượng đá không đảm bảo, đá bị om, vỡ và biến dạng. Bên cạnh đó, màu sắc của đá vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng do không có công nghệ chống thấm, sau một thời gian dễ bị biến sắc và suy giảm chất lượng, nhất là đá trắng muối.
Bà Bình cho biết thêm, hiện việc khai thác còn thô sơ, thiếu máy móc và công nghệ tiên tiến. Công nghệ cắt bằng dây kim cương mỏ đá từ trên xuống thay bằng nổ mìn đánh chân như hiện nay chưa được nhiều doanh nghiệp sử dụng do chi phí đầu tư lớn. Do vậy, đá khai thác đạt tiêu chuẩn chất lượng chỉ chiếm khoảng 20% sản lượng. Nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng đá ốp lát nói riêng, đá xây dựng nói chung, bên cạnh sự tự thân của mỗi DN trong việc đầu tư công nghệ, máy móc, cải tiến quá trình khai thác và chế biến sản phẩm thì việc sớm ra đời hiệp hội ngành đá cũng là việc nên làm trong thời gian tới.
Rất cần một hiệp hội ngành nghề
Trên thực tế, ở nước ta không phải đến khi Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình) được xây dựng năm 1875, nghề đá mới được biết đến, mà nghề đá đã xuất hiện từ lâu đời… Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây nghề đá mới có tốc độ phát triển nhanh. Hiện cả nước có trên 350 doanh nghiệp khai thác đá xây dựng, phân bố chủ yếu tại những vùng có mỏ đá lớn, như: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đông Nam Bộ, với số lượng lao động gần 1 vạn người.
T.S Trần Văn Huynh cho biết: Tuy tốc độ phát triển như vậy nhưng ngành đá vẫn là ngành chưa được quy hoạch. DN thì nhiều nhưng không mạnh, tình trạng tai nạn lao động còn phổ biến do khai thác thủ công, công việc nặng nhọc. Ông Huynh đề xuất, “cần sớm thành lập Hiệp hội đá xây dựng Việt Nam để tập hợp lực lượng hỗ trợ cho nhau tổ chức khai thác chế biến với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, nâng cao trình độ kỹ thuật để có được sản phẩm tốt, đủ sức cạnh tranh trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài”.
Ông Trần Hòa, Giám đốc Sở xây dựng Thanh Hóa hy vọng: “Hiệp hội sẽ bảo vệ được quyền lợi của hội viên, chống tình trạng ép giá khi xuất khẩu, tạo được thương hiệu tốt trên thị trường”. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Bình cảnh báo: Hiệp hội ra đời là ngọn cờ chung cho DN, nhưng mỗi DN phải tự thân vận động, cải thiện chất lượng sản phẩm và nâng cao uy tín. Có như vậy, ngành khai thác và chế tác đá mới có thể cạnh tranh có hiệu quả ngay trên sân nhà trước khi nói đến việc vươn ra thị trường nước ngoài.
Theo Hà Nội mới