Giá nhà đất trở lại giá trị thực
Sau hơn một năm giảm giá liên tục, giá nhà, đất ở trên địa bàn TP.HCM dường như đã được trả về giá trị thực của nó, ngoại trừ khu vực các quận nội thành. Tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn, giá đất đã có một sự sụt giảm ghê gớm nếu so với thời đỉnh điểm. Trên địa bàn huyện Nhà Bè - nơi đang được giới nhà đất kháo nhau sẽ hình thành một loạt các khu đô thị mới hoành tráng của GS, Vạn Phát Hưng... thế nhưng thông tin hỗ trợ này vẫn không thể kích giá lên được.
Các dự án hạng trung như Thái Sơn, Sadeco trước đây giá trên 24 triệu đồng/m2 thì nay ì ạch ở mức từ 8 đến 12 triệu/m2 mà vẫn không bán được. Chất lượng cao hơn một ít, dự án làng đại học từ 30 triệu thời đỉnh điểm nay chỉ còn từ 12 đến 16 triệu đồng/m2.
Nếu đi xa khu trung tâm khu đô thị mới Nam Sài Gòn non chục kilômét về hướng Nhà Bè giá đất ở trong các dự án có hạ tầng hoàn chỉnh xê xích từ 6 đến 8 triệu đồng/m2. Tình hình thị trường BĐS ở các quận thuộc khu phía Đông Sài Gòn như quận 9, Thủ Đức giá đất dự án hiện nay hầu hết đã xuống dưới 10 triệu đồng/m2. Nền biệt thự 10x20, 8x20... của nhiều dự án trên địa bàn phường Phước Long B, quận 9 được chào giá từ 6,7 đến 7 triệu đồng/m2. Đối với nền nhà phố thì chỉ cao hơn từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/m2.
Thời gian cao điểm sốt của thị trường nhà đất, đất dự án trên địa bàn các phường như Phước Long B, Phú Hữu (quận 9) hầu như không có giá dưới 20 triệu đồng/m2. Chỉ một năm liên tục giảm giá, giá nhà đất trên địa bàn các quận mới chưa hội đủ điều kiện phát triển đã mất tương đương 70% giá trị.
Nếu tính từ giữa năm 2006, giá đất dự án chưa bao giờ lại thấp như hiện nay. Trong khi đó, giá đất dự án tại các khu vực cận trung tâm như Him Lam - Kênh Tẻ (Nam Sài Gòn), An Phú - An Khánh, Huy Hoàng, Văn Minh (Quận 2) sau một thời gian dài giảm giá thì đến thời điểm hiện nay đã đứng thấp từ 22 đến 35 triệu đồng/m2.
Thị trường chuyển nhượng lại căn hộ chung cư có thể vào ở liền giá cả cũng đã giảm đáng kinh ngạc. Căn hộ chung cư Vạn Đô (quận 4, chỉ cách khu trung tâm TP.HCM vài phút đi xe máy) một thời được hét với giá 30 triệu đồng/m2 thì nay được chào bán từ 18 đến 20 triệu đồng/m2, chỉ còn khoảng 70% giá trị.
Căn hộ chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2, giao dịch quanh mức 15 -16 triệu đồng/m2 giảm khoảng 10 triệu so với lúc cao điểm. Thị trường BĐS TP.HCM trong mấy ngày qua bàn tán xôn xao chuyện Hoàng Anh Gia Lai giảm giá bán căn hộ trong một số dự án mới đến 40% so với giá trước đây. Thế nhưng theo giới phân tích, cho dù đã giảm 40% giá trị thì giá chào bán của Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn quá cao so với mặt bằng giá căn hộ trên thị trường hiện nay.
Chỉ chờ sức mua
Điều kiện khách quan của nền kinh tế gần như là thiên thời, địa lợi cho khả năng hồi phục của thị trường BĐS. Thị trường BĐS đã hội đủ các điều kiện để hồi phục sau 1 năm đóng băng.
Đối với những người có vốn nhàn rỗi, trong hoàn cảnh hiện nay đầu tư vào BĐS là kênh đầu tư khả thi nhất. Trong hoàn cảnh TTCK trồi sụt ở đáy, giá vàng đang biến động ở mức cao, lãi suất ngân hàng không đáng kể thì hiển nhiên BĐS là chọn lựa của số đông để bảo toàn đồng vốn của mình.
Một điều kiện thuận lợi khác cũng được các chuyên gia đề cập, đó là sự bình ổn các nguyên, vật liệu cơ bản trong ngành xây dựng như sắt thép, ximăng, gạch... đã giảm giá đáng kể. Sự giảm giá của các vật liệu xây dựng chủ chốt đã giúp cho chủ đầu tư các dự án có điều kiện giảm giá sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận khách hàng.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Dương đồng tình với quan điểm trên, cho biết: "Tôi theo dõi rất sát diễn biến của thị trường, đúng là trong những tháng đầu năm 2009, thị trường BĐS đã có những diễn biến rất mới. Ngay chính Cty của tôi một ngày cũng nhận được từ 30 - 40 lượt người đến hỏi thăm về tình hình thị trường, trong đó chỉ có từ 1 đến 2 vụ mua bán thành công.
Theo khảo sát của tôi, những người đầu tư vào BĐS trong đầu năm 2009 chủ yếu là người mới, chưa có quá trình đầu tư lâu dài. Vì vậy, thành thật mà nói là rất khó có thể tiên liệu được năm 2009 thị trường sẽ diễn biến ra sao? Liệu niềm tin của các nhà đầu tư thứ cấp có quay trở lại không sau một năm 2008 đã bị thua đậm.
Xét trên toàn cục, thị trường BĐS hiện nay là kênh đầu tư khả thi nhất, đặc biệt là những người có vốn nhàn rỗi gửi ngân hàng. Hiện tại lãi suất ngân hàng đã xuống mức thấp, rút tiền đầu tư vào BĐS dường như là giải pháp tối ưu".
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) - bày tỏ: "Hy vọng thị trường BĐS sẽ hồi phục sớm hơn so với dự báo. Hiện nay trong các kênh đầu tư chính của tiền nhàn rỗi thì BĐS vẫn là lựa chọn hợp lý nhất, bởi CK còn tệ hại hơn cả BĐS".
Theo NGỌC HUÂN - Lao Động