Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng giao thông

Thứ ba, 21/10/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là nhiệm vụ chính, mục tiêu xuyên suốt của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban, quán triệt trong phiên họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo, ngày 20/10 tại Trụ sở Chính phủ.

 Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải được thành lập theo Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 12/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải GTVT đã kiện toàn nhân sự bước đầu, thành lập bộ phận điều phối Văn phòng Ban chỉ đạo, đồng thời có báo cáo tổng quan về tình hình thực hiện 12 dự án trọng điểm ngành giao thông về mức đầu tư, khối lượng thực hiện, tiến độ và khả năng hoàn thành.

Kết luận về việc ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ yêu cầu các cơ chế, định hướng, hoạt động của Ban chỉ đạo phải đảm bảo nhiệm vụ chính, mục tiêu xuyên suốt là chỉ đạo, giúp các Bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư các công trình giao thông, giảm tối đa việc đầu tư từ ngân sách. Trước mắt, ban hành sớm các quy hoạch chiến lược, trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư ngoài quốc doanh, thực hiện thí điểm các hình thức đầu tư mới như mô hình hợp tác Nhà nước-Tư nhân PPP, xây dựng-chuyển giao BT.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, để hoạt động của Ban chỉ đạo hiệu quả nhưng không làm thay Bộ GTVT, Ban sẽ có những kế hoạch cụ thể, phương án tháo gỡ những vướng mắc chính ở các công trình giao thông lớn hiện nay. Trước hết là xây dựng Đề án phương thức và kế hoạch thu hút, bố trí, tạo nguồn vốn; Đề án hoàn thiện về tổ chức và quản lý thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm; Tiến hành rà soát cụ thể kế hoạch và tiến độ thực hiện đối với từng dự án để có biện pháp giải quyết tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo kế hoạch thực hiện đã đề ra.

Phó Thủ tướng cũng giao Ban Chỉ đạo thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra các công trình giao thông trọng điểm, sau đó tiến hành tổng kết, xây dựng cơ chế quản lý xây dựng cơ bản của ngành có tính đến đặc thù áp dụng đối với các dự án, công trình trọng điểm. Trong thời gian đó, Văn phòng Ban chỉ đạo cần nâng cao vai trò điều phối, liên lạc giữa các Bộ, ngành hữu quan để thống nhất giải quyết nhanh các vấn đề tồn tại, chủ động làm việc với các nhà tài trợ xử lý các vấn đề ở các dự án ODA.

Các dự án trọng điểm ngành GTVT gồm 12 dự án: Đường bộ Đường Hồ Chí Minh và các dự án đường cao tốc; đường sắt đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt Yên Viên-Hạ Long-Cái Lân, các tuyến đường sắt nội đô thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và đường sắt Đông -Tây: Hà Nội-Hải Phòng-Lào Cai; hàng không Nhà ga T2 Nội Bài, Cảng hàng không Long Thành và Cảng hàng không Phú Quốc mới; đường biển cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, cảng cửa ngõ Cái Mép - Thị Vải và luồng vào cảng Cần Thơ.

Tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 61.348 triệu USD chưa kể các dự án đường sắt nội đô

Thời gian thực hiện từ 2004-2012, trong đó chủ yếu từ 2008-2012.

Khối lượng giải ngân đến nay mới đạt 23.998 tỷ VND.

 

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)