Dự án thủy điện mang tên Xuân Mãi

Thứ sáu, 19/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tôi đã nhiều lần lỡ hẹn chuyến đi tới thuỷ điện Đắc Mi 4 cùng với KS Nguyễn Tiến Cầm, Chủ tịch HĐQT TCty Đầu tư và Phát triển đô thị KCN Việt Nam IDICO. Cũng chỉ biết mang máng là thuỷ điện Đắc Mi 4 nằm ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Lần này, theo đường Hồ Chí Minh từ Kon Tum xuống Đà Nẵng, tôi có dịp ghé lại công trường.


Trên dòng Đắc Mi có một hệ thống thủy điện

Khởi công từ tháng 4/2007, tháng 1 năm nay công trường đã chặn dòng Đắc Mi đợt 1. Hàng núi công việc phải làm, nhưng đâu ra đấy, để đến hôm nay, trên một mặt bằng trải dài 12km đã hình thành nền móng của một tổ hợp 2 nhà máy, thuỷ điện Đắc Mi 4A công suất 144MW, và Đắc Mi 4B 46MW với tổng sản lượng điện hàng năm là 768 triệu 400 ngàn KW/h.

Từ đường Hồ Chí Minh, chúng tôi qua cầu Đắc Mĩ xuống công trường xây dựng đập thuỷ điện Nhà máy Đắc Mi 4A. Đang là mùa mưa Tây Nguyên, nhưng ở vùng núi Phước Sơn Quảng Nam này, mùa mưa chưa đến. Theo đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum, đến lối rẽ vào đỉnh Ngọc Linh cao nhất Tây Nguyên, tôi được biết các sông suối ở phía tây Ngọc Linh đổ xuống, tạo ra hệ thống sông Sê-san và cũng là nơi có nhiều công trình thuỷ điện như Ialy, Sê-san, Sê-san 3A, Sê-san 4… Còn sông suối từ đỉnh Ngọc Linh đổ xuống phía đông, tạo ra hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn trên đất Quảng Nam. Trên tuyến sông này, cũng có hàng chục điểm có thể xây dựng nhà máy thuỷ điện.

KS Đỗ Xuân Yến, Phó Trưởng BQL DA thuỷ điện Đắc Mi 4, kể: Nhà máy lấy nước từ dòng Đắc Mi - phần thượng lưu của sông Cái - một tên gọi khác ở phía thượng lưu của sông Vu Gia, nhưng nước đổ ra qua tua-bin, lại chảy về sông ngọn Thu Bồn. Thật khen cho con mắt tinh tường của người khảo sát thiết kế điện, khi chấm một chấm đỏ trên địa bàn xã Phước Hoà, huyện Phước Sơn. Bởi vì chỉ cần đắp một đập dâng cao 90m ở đây, đào một đường hầm dẫn nước dài hơn 3km sang bên kia núi, là đã có một cột nước cao 157m. Từ cửa xả nước của nhà máy bậc trên, đào một kênh dẫn dòng nối với sông ngọn Thu Bồn, đắp một đập nhỏ chắn ngang, với chênh lệch cột nước là 39m, sẽ có nhà máy thứ 2. Giá thành 1KW/h của nhà máy 2 sẽ rẻ hơn nhiều so với nhà máy 1. Nói thì dễ, nhưng làm lại khó. Nguyên vị trí cửa đường hầm nhận nước nhà máy 4A đã phải thay đổi đến 3 lần. Đất Phước Sơn sông ngắn, lại dốc, lũ về rất nhanh, chỉ khoảng 1 giờ là hết. Nếu không tính toán kỹ, có khi mất “cả chì lẫn chài” vì nước - KS Đỗ Xuân Yên tâm sự như vậy. Anh cho biết thêm: Mùa lũ tháng 11 năm ngoái, cơn lũ lịch sử mấy chục năm qua ở vùng này, nước về ngập cả cầu Đắc Mĩ.

Nắng to, hơi nóng từ vách đá, mặt bê tông phả lên, không làm giảm nhịp độ thi công của những người thợ. Chúng tôi đếm có tới 16 máy khoan các loại đang hoạt động ở đây. KS Trần Thịnh, Đội trưởng Đội khoan thuộc Xí nghiệp Sông Đà 10.1 nói: Gia cố móng đập là công việc rất quan trọng, đảm bảo chất lượng toàn bộ con đập sau này. Cho nên anh em lúc nào  cũng đặt chất lượng lên hàng đầu và làm 3 ca liên tục. Đập thuỷ điện Đắc Mi là đập bê tông đầm lăn. Công trường đặt kế hoạch trong năm nay đổ được khoảng 50 - 60 nghìn m3 và sang năm dốc toàn lực cho đắp đập. KS Phạm Văn Toán, Trưởng BQL DA thuỷ điện Đắc Mi 4 bộc bạch: Cái lo nhất trên công trường hiện nay là vốn, dù đã ký thoả thuận vẫn có ngân hàng không cho vay. TCty đã dốc vào công trường xấp xỉ 600 tỷ đồng, thực hiện cơ chế tài chính rất linh hoạt để giúp các nhà thầu hoạt động. Chính trong hoàn cảnh đó, chúng tôi phát động phong trào thi đua, với khẩu hiệu: Năng suất - chất lượng - an toàn. TCty đã quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu phát điện tổ máy số 1 Nhà máy 4A trước thời hạn 6 tháng.

Đang đi, chợt điện thoại reo, từ đầu dây bên kia, KS Nguyễn Tiến Cầm cho biết, anh đang ở Bình Phước, kiểm tra tiến độ xây dựng nhà máy xi măng. KS Cầm hẹn tôi gặp nhau ngày khởi công Nhà máy thuỷ điện Đắc Mi 4C vào cuối năm nay. Tôi biết Nguyễn Tiến Cầm từ hồi ở Hòa Bình, thân nhau kể từ khi cùng anh đi khảo sát việc xây dựng thủy điện Yaly 1989. Tôi vẫn nói đùa với Nguyễn Tiến Cầm rằng số anh là “số trâu trắng”, ở đâu cũng “xanh cỏ thì đến”, chưa kịp “đỏ ngói” lại đi. Làm giám đốc đầu tiên ở công trường xây dựng thủy điện Yaly, nhà máy chưa xong thì anh lại được điều vào làm thủy điện Cần Đơn. Thế rồi Nguyễn Tiến Cầm được điều về làm Chủ tịch HĐQT TCty Đầu tư và Phát triển đô thị - KCN Việt Nam. Máu làm thủy điện còn sôi sục, anh khởi xướng để TCty làm thủy điện Srok Phu Miêng ở tỉnh Bình Phước công suất 51MW, sản lượng điện hàng năm là hơn 227 triệu KW/h. Có một kỷ niệm đáng nhớ ở Srok Phu Miêng: Khi lắp đặt tổ máy số 1, do lỗi của nhà chế tạo bánh xe công tác nhỉnh hơn thiết kế ban đầu một chút. Nhiều người lo lắng, nhà thầu chế tạo cũng lúng túng. Từ kinh nghiệm bản thân, Giám đốc Cty lắp máy Nguyễn Cao Hà đề nghị phương án dùng máy mài chỉnh lại cho khít. Phương án đã được KS Nguyễn Tiến Cầm ủng hộ và tổ máy số 1 rồi số 2 thủy điện Srok Phu Miêng phát điện an toàn, nay đã vượt công suất thiết kế 5%.

Srok Phu Miêng vừa xong, TCty Đầu tư và Phát triển đô thị - KCN Việt Nam đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các công trình xây dựng thủy điện, mà dự án thủy điện Đắc Mi 4 chỉ là một. Cũng hiếm có nơi nào ở Quảng Nam, một xã như Phước Hoà này có tới 3 công trình thuỷ điện.

Ở vùng Phước Sơn, có một đỉnh núi cao trên 3.000m cây cối tốt tươi quanh năm. Người ở công trường ngày ngày cứ ngước nhìn lên đỉnh núi mà đoán thời tiết. Hôm nào gió Tây Nam nổi, phía Tây công trường trời mưa. Hôm nào gió Đông Nam nổi, phía Đông công trường mưa. Bà con ở đây gọi đỉnh núi đó là đỉnh “Xuân Mãi”. Không hiểu sao, tôi cứ muốn gọi tên Dự án thuỷ điện Đắc Mi 4 này là “Dự án Xuân Mãi”.


Theo Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)