1. Về triển khai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng
1.1 Về xử lý chuyển tiếp việc tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng đã được cấp giấy chứng nhận hợp quy theo QCVN 16:2014/BXD: Đối với trường hợp sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng đã được chứng nhận phù hợp QCVN 16:2014/BXD theo phương thức 7, mà do một số lý do đến nay doanh nghiệp vẫn chưa kịp thực hiện công bố hợp quy, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn tiếp tục tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa đó vì giấy chứng nhận hợp quy không có quy định thời gian hết hiệu lực và có giá trị theo lô hàng cụ thể.
1.2 Về tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu được chứng nhận theo phương thức 5: Kể từ ngày 01/7/2018, khi Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực thi hành, đối với hồ sơ công bố hợp quy hàng hóa vật liệu xây dựng được chứng nhận theo phương thức 5 có hiệu lực 3 năm, đánh giá quá trình sản xuất tại nơi sản xuất ở nước ngoài, do doanh nghiệp trong nước nhập khẩu thì hồ sơ công bố hợp quy ngoài thành phần được quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ và khoản 2 Điều 5 Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29/9/2017 của Bộ Xây dựng, doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp thêm: Bản sao Hợp đồng, danh mục hàng hóa (nếu có), bản sao (có xác nhận của người nhập khẩu) vận đơn, hóa đơn, tờ khai hàng hóa nhập khẩu; giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có), ảnh hoặc bản mô tả hàng hóa có các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa và nhãn phụ (nếu nhãn chính chưa đủ nội dung theo quy định); chứng nhận lưu hành tự do CFS (nếu có). (Qui định tại điểm 2, khoản 3, Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP).
1.3 Về hướng dẫn cụ thể đối với phương thức 1 và phương thức 5 được nêu tại điểm 3.1.21 khoản 3.1 Phần 3, QCVN 16:2017/BXD: Tại điểm 3.1.2 khoản 3.1 Phần 3, QCVN 16:2017/BXD về phương thức 1 và phương thức 5 có quy định cơ sở sản xuất đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001. Do tổ chức chứng nhận hợp quy là tổ chức được chỉ định chứng nhận đặc thù đối với hoạt động chứng nhận sản phẩm hàng hóa mà không phải là tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý. Bằng chứng chứng minh cơ sở sản xuất đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 là cơ sở đó phải có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng được một tổ chức chứng nhận hệ thống cấp. Do đó, các tổ chức chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng chỉ cấp giấy chứng nhận hợp quy cho các cơ sở sản xuất có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001.
Hiện nay tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn ISO 9001 là TCVN ISO 9001 (được nêu rõ trong tiêu chuẩn TCVN ISO 9001).
1.4. Một số khó khăn vướng mắc khác trong triển khai thực hiện QCVN về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng
1.4.1. Về quản lý chứng nhận hợp quy trên địa bàn
- Để phối hợp trong công tác quản lý chứng nhận hợp quy giữa Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng nói chung và Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh nói riêng, phù hợp với quy định tại Điều 7 Thông tư số 10/2017/TT-BXD về trách nhiệm của các cơ quan và tổ chức liên quan đến hoạt động chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy, Bộ Xây dựng sẽ gửi Quyết định chỉ định đến Sở Xây dựng địa phương nơi tổ chức chứng nhận được chỉ định đăng ký hoạt động. Mặt khác, ngoài việc đăng tải danh sách các tổ chức được chỉ định chứng nhận hợp quy như hiện nay, Bộ sẽ đăng tải cụ thể nội dung Quyết định chỉ định của từng tổ chức để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu có thể tham khảo, lựa chọn thực hiện, tránh gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp khi thực hiện thử nghiệm/chứng nhận tại các tổ chức chứng nhận hợp quy nhưng không nằm trong phạm vi, năng lực được Bộ chỉ định.
- Hiện nay số lượng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa được quy định trong QCVN 16:2017/BXD rất lớn và có mặt hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 21 tổ chức được Bộ Xây dựng chỉ định chứng nhận hợp quy toàn bộ sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo các phương thức 1, 5 và 7. Đối với phương thức 1 và 7 thử nghiệm mẫu điển hình và thử nghiệm đánh giá lô sản phẩm hàng hóa, việc thử nghiệm, đánh giá có thể thực hiện tại nơi đăng ký của tổ chức được chỉ định chứng nhận hợp quy. Đối với phương thức 5, thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất (phương thức này có thể áp dụng tại doanh nghiệp sản xuất trong nước và cả nước ngoài). Do đó, một tổ chức chứng nhận hợp quy có thể tổ chức đoàn đánh giá quá trình và giám sát quá trình sản xuất tại nơi sản xuất. Việc thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường có thể tiến hành tại phòng thí nghiệm của tổ chức chứng nhận hợp quy. Mặt khác, đối với quá trình đánh giá cho doanh nghiệp sản xuất ở nước ngoài, việc thành lập chi nhánh hoạt động tại nước đó nhằm mục đích tiến hành đánh giá hợp quy là rất khó khăn. Do đó, việc thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất cần chứng nhận hợp quy là không bắt buộc.
1.4.2. Về năng lực hoạt động để được công nhận
- Một tổ chức được chỉ định là tổ chức chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng khi:
(1) Tổ chức đó phải có chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ chứng nhận sản phẩm (Chương V, Nghị định số 107/2016/NĐ-CP);
(2) Tổ chức đó phải đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đối với sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng phù hợp với quy định tại QCVN 16:2017/BXD (Điều 6, Thông tư số 10/2017/TT-BXD), cụ thể: a) Tổ chức đó phải có phòng thí nghiệm LAS-XD có khả năng thực hiện các chỉ tiêu thí nghiệm được nêu trong QCVN 16:2017/BXD (vì các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng đã được đăng ký và chỉ định (1 thủ tục) theo quy định tại Nghị định số 62/2016/NĐ-CP); b) Tổ chức đó phải có phòng thí nghiệm có chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định tại Chương II, Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, có khả năng thực hiện các chỉ tiêu thí nghiệm được nêu trong QCVN 16:2017/BXD.
- Trường hợp phòng thí nghiệm của Tổ chức đó chỉ có khả năng thử nghiệm 1 phần các chỉ tiêu thí nghiệm cho sản phẩm hàng hóa đăng ký chỉ định chứng nhận hợp quy và muốn liên kết với 1 phòng thí nghiệm khác để thử nghiệm, tổ chức đó khi đăng ký chỉ định phải ghi rõ phòng thí nghiệm liên kết (phòng thí nghiệm cụ thể, có năng lực phù hợp, có bằng chứng liên kết) để Bộ Xây dựng xem xét.
1.4.3. Yêu cầu kỹ thuật đối với một số sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng viện dẫn trong QCVN 16:2017/BXD
Hiện nay các tiêu chuẩn Quốc gia được nêu trong QCVN 16:2017/BXD đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, công bố đầy đủ. Các đơn vị cần cập nhật tiêu chuẩn mới có thể liên hệ trực tiếp (hoặc online) với Trung tâm Thông tin Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ (Số 8 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) để lấy thông tin.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chuẩn ban hành năm 2017 được viện dẫn trong QCVN 16:2017/BXD mặc dù đã có Quyết định ban hành của Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng chưa có trên cổng thông tin của Trung tâm Thông tin Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, gây khó khăn, lúng túng cho việc triển khai thực hiện QCVN 16:2017/BXD. Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến với Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về việc đăng tải thông tin về các tiêu chuẩn mới ban hành để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu dễ dàng tiếp cận.
1.4.4. Quy định về trách nhiệm báo cáo của tổ chức chứng nhận hợp quy
Các tổ chức chứng nhận hợp quy thực chất là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý nhà nước, giúp kiểm soát chất lượng và xây dựng hàng rào kỹ thuật thương mại, do đó việc quy định chế độ báo cáo định kỳ (hàng quý, 06 tháng và năm) là vấn đề cần thiết nhằm giúp các Sở Xây dựng kịp thời tổ chức quản lý chất lượng vật liệu xây dựng trên địa bàn và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện công bố hợp quy theo quy định. Bộ Xây dựng sẽ xem xét hình thức văn bản để quy định vấn đề này.
2. Về hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
2.1 Về việc đăng ký hoạt động: Thực hiện quy định tại Điều 8, Điều 45, Điều 46 Luật Doanh nghiệp, Điều 33 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ, khi triển khai thực hiện Nghị định số 62/2017/NĐ-CP, Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra việc đăng ký hoạt động chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh tại địa điểm hoạt động phòng thí nghiệm. Đồng thời, Bộ sẽ rà soát lại các tổ chức đã được cấp Quyết định công nhận năng lực (theo các văn bản QPPL cũ) chưa thực hiện việc đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của các phòng thí nghiệm đặt khác tỉnh, thành hoặc không cùng địa điểm đăng ký kinh doanh để đề nghị tiến hành các thủ tục cần thiết cho phù hợp với quy định.
2.2 Về danh sách các cơ sở được phép đào tạo: Bộ Xây dựng đã công bố danh sách các cơ sở đào tạo đã được Bộ chấp thuận và nội dung ngành được đào tạo về quản lý phòng thí nghiệm và thí nghiệm viên trên cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ http://www.moc.gov.vn/. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có thể truy cập để lấy thông tin.
2.3 Về danh sách các tổ chức được phép hoạt động trong lĩnh vực kiểm định phương tiện đo: Việc quản lý các tổ chức kiểm định phương tiện đo thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay danh sách các tổ chức đã đăng ký lĩnh vực hoạt động kiểm định phương tiện đo với Bộ Khoa học và Công nghệ được công bố trên trang web của Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại địa chỉ http://tcvn.gov.vn/ . Tất cả các tổ chức, cá nhân đều có thể truy cập để lấy thông tin. Vì danh sách các tổ chức đã đăng ký lĩnh vực hoạt động kiểm định phương tiện đo có sự biến động liên tục, do đó để thông tin được cập nhật và chính xác, Bộ Xây dựng sẽ không đăng tải lại danh sách lên cổng thông tin điện tử của Bộ.
2.4 Về việc đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Quyết định công nhận hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng: Các Quyết định đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Quyết định công nhận hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được Bộ Xây dựng ban hành và gửi đến Sở Xây dựng nơi phòng thí nghiệm đăng ký hoạt động để phối hợp quản lý, kèm theo đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Đề nghị các Sở Xây dựng các tỉnh/thành phố thường xuyên truy cập vào cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng để cập nhật, phối hợp quản lý hoạt động các phòng thí nghiệm trên địa bàn, đặc biệt là các trạm thí nghiệm hiện trường của các tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng thuộc địa bàn khác đang hoạt động trên địa bàn tỉnh/thành phố.
2.5 Về Trạm thí nghiệm hiện trường và thử nghiệm tại hiện trường: Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 06/2017/TT-BXD đã nêu rõ “Trạm thí nghiệm hiện trường là một thực thể của phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, do tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng thành lập để phục vụ hoạt động thí nghiệm cho dự án/công trình xây dựng cụ thể... Trạm thí nghiệm hiện trường được bố trí nhân lực, thiết bị, dụng cụ đáp ứng các yêu cầu về không gian và điều kiện thí nghiệm như phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, tương ứng với các phép thử được thực hiện”. Do đó, trạm thí nghiệm hiện trường có thể được thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu nằm trong danh mục của Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng để phục vụ, đáp ứng tiến độ thi công công trình. Trong khi đó, tại mục “Thử nghiệm tại hiện trường” của Giấy chứng nhận chỉ bao gồm các các chỉ tiêu được tiến hành ngoài hiện trường với các thiết bị cầm tay hoặc các thiết bị được đặt trực tiếp ngoài hiện trường. Phòng thí nghiệm không cần thiết phải thành lập 1 trạm thí nghiệm hiện trường trong trường hợp chỉ tiến hành thử nghiệm các chỉ tiêu tại mục “Thử nghiệm tại hiện trường”.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 386/BXD-KHCN.