1. Về việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trong hoạt động đầu tư xây dựng:
Việc thiết kế phải tuân theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành có hiệu lực. Trong trường hợp này, số liệu động đất là trị số đỉnh gia tốc nền phải lấy đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “QCVN 02:2009/BXD số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng”.
Theo Điều 23, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 thì tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng (trừ toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn cụ thể trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật).
Chủ đầu tư xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở hoặc hệ thống tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài cho các hoạt động xây dựng do mình quản lý theo Thông tư số 18/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 của Bộ Xây dựng quy định việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng.
2. Về việc áp dụng cấp độ dẻo thấp (DCL) trong thiết kế kháng chấn công trình:
Theo hướng dẫn của TCVN 9386:2012 Thiết kế công trình chịu động đất (TCVN 9386:2012) với động đất mạnh (ag>0,08g) phải tính toán và cấu tạo kháng chấn. Tiêu chuẩn này khuyến cáo sử dụng cấp độ dẻo trung bình hoặc cấp độ dẻo cao và cũng không cấm sử dụng cấp độ dẻo thấp để thiết kế kháng chấn cho công trình. Do đó, nếu lựa chọn thiết kế kháng chấn sử dụng cấp độ dẻo thấp thì đơn vị tư vấn thiết kế phải chịu trách nhiệm với phương án của mình sao cho việc thiết kế an toàn và hợp lý.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1333/BXD-KHCN.