Ngày 28/7, Bộ Xây dựng đã có công văn 18/BXD-GĐ gửi Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh về việc thẩm tra điều chỉnh thiết kế công trình xây dựng và phân cấp sự cố.
Về thẩm quyền thẩm tra thiết kế xây dựng công trình: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 35 Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng, các công trình được quyết định đầu tư trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thì cấp công trình thuộc dự án được xác định theo Quyết định đầu tư. Do đó, việc xác định Cơ quan thực hiện việc thẩm tra thiết kế điều chỉnh theo các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 13/2013/TT-BXD trên cơ sở cấp công trình nêu trên.
Về thiết bị thí nghiệm tại phòng thí nghiệm tạm thời ở hiện trường: Phòng thí nghiệm tạm thời ở hiện trường có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ các phép thử ghi trong Quyết định công nhận của Bộ Xây dựng nếu đáp ứng đầy đủ về năng lực thiết bị và năng lực thí nghiệm viên. Phòng thí nghiệm tạm thời ở hiện trường chỉ được thực hiện các thí nghiệm theo đúng hợp đồng mà không được thực hiện các thí nghiệm nằm ngoài hợp đồng (do đơn vị khác mang đến). Sau khi hợp đồng kết thúc, phòng thí nghiệm tạm thời không được phép tiếp tục hoạt động và phải chuyển toàn bộ thiết bị, thí nghiệm viên về tại địa điểm được ghi trong Quyết định công nhận của Bộ Xây dựng.
Theo Điều 15 Quy chế công nhận và quản lý hoạt động phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được ban hành kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BXD ngày 01/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ không đánh giá công nhận phòng thí nghiệm tạm thời ở hiện trường. Các thiết bị đo lường đặt trong phòng thí nghiệm tạm thời ở hiện trường phải được cố định, kiểm định/hiệu chuẩn lại theo quy định của pháp luật trước khi tiến hành các thí nghiệm.
Về công tác báo cáo sự cố và tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng: Trong quá trình thực hiện giải quyết sự cố, trường hợp việc xác định mức độ thiệt hại có thay đổi dẫn đến thay đổi về cấp sự cố và thẩm quyền giải quyết sự cố thì chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo Bộ Xây dựng để có hướng dẫn với từng trường hợp cụ thể.
Giải quyết khiếm khuyết về chất lượng công trình xây dựng: Đối với những khiếm khuyết về chất lượng công trình xây dựng mà chưa dẫn đến sự cố công trình xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức khắc phục đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, Quy chuẩn xây dựng và Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình; tổ chức nghiệm thu việc khắc phục khiếm khuyết theo quy định. Trường hợp các bên không thống nhất về cách giải quyết hay kết quả xử lý thì thực hiện giải quyết theo hướng dẫn giải quyết tranh chấp chất lượng công trình xây dựng quy định tại Điều 29 Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
Nhật ký giám sát thi công xây dựng: Nhật ký giám sát thể hiện qua các ghi chép của đơn vị giám sát thi công xây dựng trong sổ nhật ký thi công xây dựng do nhà thầu thi công xây dựng lập. Nhà thầu giám sát bị xử phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở khi không thực hiện đúng các quy định tại Điều 18 Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 18/BXD-GĐ.
Tài liệu đính kèm bài viết | |
---|
Cong van 18 BXD-GD 28-7-2014.signed.pdf | Tải về |