Từ ngày 19/5/2022, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sẽ tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV.
Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên
Một trong những chỉ đạo, điều hành nổi bật trong tuần là tăng mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) từ 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV.
Đây là nội dung tại Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, có hiệu lực từ ngày 19/5/2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế quyết liệt thực hiện mua vaccine cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi
Tại văn bản 1728/VPCP-KGVX, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ động, quyết liệt thực hiện việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1674/VPCP-KGVX ngày 17/3/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Gia hạn thanh tra mua sắm kit xét nghiệm, vaccine COVID-19
Tại Công văn số 1782/VPCP-V.I, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc gia hạn thời gian thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế.
Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển
Thông báo số 79/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nêu rõ, thống nhất quan điểm đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển và việc đầu tư này phải tập trung, không dàn trải, làm việc nào dứt điểm việc đó. Phương châm là "đã nói phải làm", thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo.
Các bộ, ngành, địa phương đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính, cụ thể: (i) Xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ cải cách hành chính; (ii) Tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, (iii) Đầu tư nguồn lực về tài chính, con người, (iv) Lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, người dân, cầu thị để đẩy mạnh cải cách hành chính.
Phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030: Giảm bội chi, tăng dự trữ quốc gia
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030.
Trong đó, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước; quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia. Cụ thể, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước để đạt được chỉ tiêu bội chi ngân sách trong Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021 - 2025 bình quân khoảng 3,7% GDP; đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP. Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Giai đoạn 2021 - 2030, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước để sẵn sàng ứng phó nhanh, hiệu quả trong các tình huống đột xuất, cấp bách và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi nội dung phim vi phạm quy định cấm
Theo Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3/3022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, cơ quan cấp phép nhập khẩu phim thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.
Nhân rộng các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 là 70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 65% cộng đồng (thôn bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.
Bên cạnh đó, 40% người lao động trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”,“Cộng đồng học tập”, 60% cán bộ, công chức, nhân viên trong “Đơn vị học tập” trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu “Công dân học tập”.
Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình là bổ sung, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình học tập trong xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng các mô hình học tập...
Điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới
Tại Công văn số 1808/VPCP-KTTH ngày 23/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành giá xăng dầu; bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.