Thủ tướng chỉ đạo ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước tại ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ có Công điện chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh ven biển: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt, trong trường hợp cần thiết chủ động huy động các lực lượng quân đội, công an nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi diễn biến và dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và xâm nhập mặn; kịp thời thông tin, cảnh báo cho các địa phương, cơ quan liên quan và người dân vùng ảnh hưởng để phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn…
Bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống
Bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống và một phần cho xuất khẩu; nâng cao thu nhập cho người dân để bảo đảm tiếp cận được lương thực chất lượng, an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực người dân Việt Nam.
Đó là mục tiêu chung của Nghị quyết 34/NQ-CP về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành.
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết là sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, hàng năm sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu.
Nông dân sản xuất lúa ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn có lãi bình quân trên 35% so với giá thành sản xuất. Thu nhập của người dân nông thôn cao hơn 2 lần năm 2020. Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu thông, phân phối để tăng cơ hội tiếp cận lương thực cho người dân...
Điều kiện hoạt động của trung tâm, doanh nghiệp Dịch vụ việc làm
Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2021/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Theo quy định, Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải đảm bảo các điều kiện sau: - Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm; - Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; - Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); - Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành; - Có ít nhất 15 người làm việc là viên chức; - Cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.
Quản lý trong cơ sở giáo dục
Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập (cơ sở giáo dục).
Nghị định trên quy định về: Quản lý các hoạt động giáo dục; thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục.
Quy định mới về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Chính phủ ban hành Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Nghị định này quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (biện pháp bảo đảm) và xử lý tài sản.
Quy hoạch hệ thống giáo dục chuyên biệt: Đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người khuyết tật
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng cho tất cả người khuyết tật; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030.
Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công các vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Mục tiêu cụ thể là chủ động phòng, khống chế các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi; các bệnh ở cá tra nuôi đảm bảo diện tích bị bệnh thấp hơn 8% tổng diện tích nuôi. Chủ động phòng bệnh, khống chế một số bệnh nguy hiểm ở tôm hùm, bảo đảm số tôm hùm nuôi bị bệnh thấp hơn 15% tổng diện tích nuôi; ở ngao/nghêu, tu hài, hàu, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi…
Đến 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD
Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD; trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020.
Đó là một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 thu hút đầu tư mới 50-60 cơ cở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
55 DN được tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020
Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2020 cho 19 doanh nghiệp và tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020 cho 36 doanh nghiệp.
Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2020 được trao cho 19 doanh nghiệp gồm: 13 doanh nghiệp sản xuất lớn; 2 doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa; 3 doanh nghiệp dịch vụ lớn và 1 doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa.
Trong 36 doanh nghiệp nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, có 11 doanh nghiệp sản xuất lớn; 16 doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa; 2 doanh nghiệp dịch vụ lớn; 7 doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa.
Năm 2021, tích hợp, cung cấp 55 dịch vụ công trên Cổng DVC Quốc gia
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021.
Trong danh mục dịch vụ công trực tuyến cần sớm được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2021, 11 dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ công thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư như: Cấp, cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân; Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Khai báo tạm vắng…
Bên cạnh đó, danh mục mới ban hành có 44 dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo đánh giá Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, đó là các dịch vụ như: Gia hạn tạm trú, cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam; Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; Cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng; Đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; Đăng ký tuyển sinh đầu cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); …
Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý thú y các cấp
Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được kiện toàn, tăng cường năng lực; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Đó là mục tiêu chung của Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là hệ thống giám sát dịch bệnh động vật từ trung ương đến cơ sở được củng cố, tăng cường năng lực và hoạt động có hiệu quả nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích dịch tễ, dự báo và cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật; ít nhất 3.000 cơ sở, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được xây dựng và công nhận an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Năng lực quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phầm có nguồn gốc động vật từ trung ương đến địa phương được tăng cường; giảm thiểu tối đa số vụ ngộ độc nghiêm trọng do thực phẩm có nguồn gốc động vật…
Xây dựng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia đồng bộ, hiện đại
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia bảo đảm tính hiện đại, tự động, có mật độ trạm ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống các trạm nền cơ bản để thu thập thông tin, dữ liệu nhằm giám sát, đánh giá điều kiện tự nhiên về khí tượng thủy văn của quốc gia, làm cơ sở kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng các trạm chuyên phục vụ dự báo, cảnh báo và các trạm chuyên dùng khác.
Tăng dày mật độ trạm khí tượng thủy văn tự động bảo đảm các yêu cầu phục vụ dự báo số, dự báo điểm. Ưu tiên phát triển mới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm còn trống số liệu, vùng chịu tác động mạnh do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.