Ảnh minh họa
Giúp người dân ổn định cuộc sống sau bão, lũ
* Trong tháng 11/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản hỗ trợ các địa phương, người dân khắc phục hậu quả bão lũ. Cụ thể, ngày 05/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum.
Nghị quyết nêu rõ: Hỗ trợ các hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 như sau:
Đối với nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn: Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ.
Đối với nhà bị hư hỏng nặng: Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ.
* Văn bản 378/TB-VPCP ngày 17/11/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 nêu rõ: Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan trong thời gian tới phải tập trung khắc phục, sớm thông tuyến giao thông, bao gồm cả quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã,... để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ, cũng như bảo đảm giao thông đi lại cho người dân. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo khắc phục nhanh các tuyến quốc lộ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khắc phục các tuyến đường do địa phương quản lý.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích, nhất là tại các khu vực sạt lở ở tỉnh Quảng Nam và các ngư dân còn mất liên lạc của tỉnh Bình Định; hỗ trợ điều trị, chăm sóc những người bị thương; kịp thời làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là gia đình có người bị tử nạn, mất tích, sập đổ nhà.
Đồng thời, tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân, không được để người dân không có chỗ ở, thiếu đói, bệnh tật. Cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương huy động lực lượng quân đội, công an, đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa, bằng mọi biện pháp tiếp cận hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là ở các khu vực bị chia cắt do đường giao thông bị sạt lở.
* Tại Quyết định 1823/QĐ-TTg ngày 17/11/2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.303,465 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Hà Tĩnh 3.000 tấn gạo, Nghệ An 303,465 tấn gạo và Bình Định 1.000 tấn gạo để hỗ trợ cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.
* Tại Quyết định 1815/QĐ-TTg ngày 15/11/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm cấp 80 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 3 địa phương gồm: Quảng Nam 20 tỷ đồng (để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Tây Giang), Thừa Thiên-Huế 20 tỷ đồng (để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Phong Điền), Quảng Trị 40 tỷ đồng (để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Hướng Hóa và huyện Đắk Krông).
* Ngày 24/11/2020, tại Quyết định 1913/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả bão số 5, 6, 7, 8, 9 và mưa lũ tháng 10 năm 2020 tại miền Trung và Tây Nguyên.
Cụ thể, tạm cấp bổ sung 670 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 09 địa phương (Nghệ An 50 tỷ đồng, Hà Tĩnh 50 tỷ đồng, Quảng Bình 50 tỷ đồng, Quảng Trị 70 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 50 tỷ đồng, Quảng Nam 130 tỷ đồng, Quảng Ngãi 150 tỷ đồng, Bình Định 70 tỷ đồng, Kon Tum 50 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả do bão số 5, 6, 7, 8, 9 và mưa lũ tháng 10 năm 2020
* Ngày 26/11/2020, tại Quyết định 1930/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả do mưa đá, dông lốc và mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc 8 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, trích 61,876 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để hỗ trợ cho 04 địa phương khắc phục thiệt hại về nhà ở do mưa đá, dông lốc gây ra (tỉnh Bắc Kạn 13,436 tỷ đồng, Lạng Sơn 2,16 tỷ đồng, Lai Châu 38,19 tỷ đồng, Lào Cai 8 tỷ đồng).
Tạm cấp bổ sung 320 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 09 địa phương (tỉnh Hà Giang 75 tỷ đồng; Điện Biên 45 tỷ đồng; Phú Thọ, Lai Châu mỗi tỉnh 40 tỷ đồng; Cao Bằng, Tuyên Quang mỗi tỉnh 30 tỷ đồng; Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai mỗi tỉnh 20 tỷ đồng) để khắc phục thiệt hại do mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất 8 tháng đầu năm 2020 gây ra.
Tăng cường quản lý nhà nước hoạt động đấu giá tài sản
Ngày 02/11/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo người có tài sản bán đấu giá trong việc xây dựng, phê duyệt phương án đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, giám sát quá trình tổ chức đấu giá, tham dự cuộc đấu giá, giao tài sản cho người trúng đấu giá, hủy hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy kết quả đấu giá theo đúng quy định của pháp luật.
Gỡ vướng trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị
Ngày 05/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Chính sách phát triển nghề công chứng
Nghị quyết 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng đã được Chính phủ ban hành đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển nghề công chứng gồm: 1- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho hoạt động công chứng phát triển ổn định, bền vững; 2- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Chính phủ điện tử và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; 3- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng bảo đảm ổn định, bền vững gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện; 4- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động công chứng, phát huy vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
Tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh
Ngày 02/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tổ chức khoa dược vẫn phải tổ chức bộ phận dược lâm sàng để thực hiện các hoạt động dược lâm sàng phục vụ người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh nội trú.
Quy định mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Ngày 05/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Chế độ, chính sách đối với phạm nhân
Ngày 09/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự; trong đó quy định cụ thể chế độ ăn, mặc, tư trang, chăm sóc y tế đối với phạm nhân; chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam.
Quy định mới về tuổi nghỉ hưu
Ngày 18/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy
Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Trong đó, Nghị định quy định rõ về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với: cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới.
Quy định mới về sử dụng pháo hoa
Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo hoa, trong đó quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Theo Nghị định, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Thủ tướng phê duyệt Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1
Ngày 11/11/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1777/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quôc tế (ICAO), là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự án được thực hiện từ năm 2020 - 2025 với tổng mức đầu tư là 109.111,742 tỷ đồng, tương đương 4.664,89 triệu USD.
Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 12/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33/2020/QĐ-TTg về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 – 2025, trong đó quy định tiêu chí xác định xã khu vực I, II, III và tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn.
Thủ tướng chốt phương án nghỉ Tết âm lịch 7 ngày, lễ Quốc khánh 4 ngày
Theo văn bản 9895/VPCP-KGVX ngày 26/11/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu từ ngày 10/2/2021 đến hết ngày 16/2/2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 2/9/2021 đến hết ngày 5/9/2021.