Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 của ngành xây dựng

Thứ năm, 13/07/2017 16:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

A. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017

Ngành Xây dựng bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là về khả năng phục hồi tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó đoán định; ở trong nước, kinh tếvĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, môi trường kinh doanh được cải thiện, hoạt động phát triển doanh nghiệp khởi sắc, khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt...nhưng chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nhu cầu đầu tư cho phát triển lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp, một số mặthạn chế trong Ngành đã được chỉ ra từ những năm trước nhưng chậm được khắc phục... 

Trong tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức của cả nước và ngành Xây dựng, quán triệt quan điểm chỉ đạo, phương châm hành động của Chính phủ với chủ đề năm 2017 “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”;ngay từ đầu năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Xây dựng,tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn Ngànhđã tập trung, nỗ lực cố gắng thực hiện các chương trình, kế hoạch của Bộ đã ban hành để triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Sau đây là một số kết quả chủ yếu đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017:

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

1. Đã tổ chức quán triệt, ban hành đầy đủ, kịp thờicác chương trình, kế hoạch hành động của ngành Xây dựng thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các Nghị quyết chuyên đề,Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ,Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủliên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng năm 2017 ;tham mưu ban hành các văn bản, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 02 Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong Ngành đối với từng nhiệm vụ cụ thể. Các nhóm nhiệm vụ,giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm 2017gồm:

(i) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý trong các lĩnh vực của Ngành, nhất là trong các lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, quản lý đầu tư xây dựng, nhà ở và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

(ii) Tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong đó trọng tâm là công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hoạt động đầu tư xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị và nhà ở tại các địa phương, bảo đảm trật tự, nền nếp theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh xử lý ngay những bất cập trong đầu tư xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng.

(iii) Tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển;thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, trọng tâm là các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng ngành Xây dựng.

(iv) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quản lý hạ tầng kỹ thuật, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chi phí, suất vốn đầu tư xây dựng.

(v) Tiếp tục tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ các khó khăn về vốn đối với các chương trình hỗ trợ về nhà ở; bình ổn, phát triển thị trường vật liệu xây dựng.

(vi) Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Xây dựng, trọng tâm là công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đổi mới hoạt động, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập...

2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung, ngày càng chủ động, quyết liệt hơn. Kỷ luật, kỷ cương, tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức đã có những chuyển biến tích cực. Một số nhiệm vụ công tác đã có những thay đổi rõ rệt, các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và cơ bản không có nhiệm vụ quá hạn, tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao tại các đơn vị đã nhanh hơn, chất lượng văn bản tốt hơn; sự gắn kết và chủ động phối hợp giữa các đơn vị chức năng được tăng cường và có chất lượng hơn.

3. Công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan của Quốc hội, Trung ương của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời.

II. TÌNH HÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ ƯỚC THỰC HIỆN MỘT SỐ CHỈ TIÊU TRONG CÁC LĨNH VỰC CHỦ YẾU CỦA NGÀNH

Để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2017 đạt 6,7% theo Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ, ngành Xây dựng đã đặt ra một số chỉ tiêu phấn đấu trong các lĩnh vực chủ yếu của Ngành: giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành tăng khoảng 10,5% so với năm 2016; tổng sản lượng xi măng dự kiến khoảng 78-80 triệu tấn; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 84-85%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2 sàn/người.

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế của từng lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của ngành Xây dựng; đã xác định rõ và tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho năm 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, các lĩnh vực chủ yếu của ngành Xây dựng đều có tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó:

- Hoạt động xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 8,5% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung (khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2 điểm phần trăm) ;đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp vào GDP cả nước;

- Hoạt động kinh doanh bất động sản: tăng 3,86% (mức tăng cao nhất trong 05 năm gần đây, đóng góp 0,21 điểm phần trăm) ;

-Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: tăng 7,8% ;

- Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 37%, tăng 0,4% so với cuối năm 2016;

-Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 84,5%, tăng 1,0% so với cuối năm 2016, đạt 100% kế hoạch năm; Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 23%, giảm 0,5% so với 2016, đạt 100% kế hoạch năm; Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 85%, tương đương với cuối năm 2016;

- Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 41,57 triệu tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ năm 2016 và đạt 62% kế hoạch năm 2017;Tổng sản lượng gạch ốp lát ước đạt 277 triệu m2, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016; kính xây dựng ước đạt 16 triệu m2, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2016; sứ vệ sinh ước đạt 6,2 triệu sản phẩm, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016; gạch không nung ước đạt 3,2 tỷ viên (QTC), tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016;

- Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23 m2sàn/người, tăng 0,2 m2sàn/người so với cuối năm 2016.

III. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC CÔNG TÁC

1. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế

Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng tham mưu về hoàn thiện thể chế,trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Xây dựng đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiệnvà tác động của pháp luật, chính sách mới được ban hành; kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc,chủ động đề xuất xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luậtđảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn:

- Tập trung nghiên cứu, xây dựng 02 dự án Luật (Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Kiến trúc) đã được Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018 .Đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 06 văn bản, gồm: 02 Nghị định, 02 Quyết định, 02 Chỉ thị ; ban hành theo thẩm quyền 09 Thông tư.Tiếp tục hoàn thiện 06 văn bản, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (02 Nghị định, 04 Quyết định) và tập trung hoàn thiện các Thông tư nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật về xây dựng được ban hành kịp thời, đầy đủ và đồng bộ.

- Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng Luật Cấp nước để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

- Tiếp tục thực hiện việc rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh; rà soát các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ,đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo lộ trình.

- Tập trung rà soát toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, đô thị, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng liên quan đến dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 4để có cơ sở báo cáo, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về những ảnh hưởng, tác động của dự thảo Luật này đối với ngành Xây dựng;

- Đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và giá trong lĩnh vực xây dựng”; tập trung chỉ đạo nghiên cứu Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng đến 2020, tầm nhìn 2030” và Đề án “Đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh".

2. Công tác quản lý đầu tư xây dựng.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng đã được thực hiện nghiêm túc và đi vào nề nếp. Các khó khăn vướng mắc tại các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn đã giảm hẳn so với cùng kỳ, về cơ bản đã được Bộ Xây dựng xử lý kịp thời để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án.

Triển khai nghị quyết của Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các bộ, địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng theo Luật Xây dựng và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ, trong đó tập trung nghiên cứu, cải cách quy trình, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án, rút ngắn thời gian thực hiện cấp phép xây dựng, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương trong công tác thẩm định thiết kế, dự toán công trình xây dựng.

Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Xây dựng đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng, trong đó có nhiều nội dung đổi mới theo theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền hợp lý trong quản lý các hoạt động xây dựng, nhất là đối với 02 đầu tầu kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; phân định rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư , đồng thời cắt giảm các quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp.

2.1.Chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng ngày càng được nâng cao.

Công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng đã được các chủ thể có liên quan nghiêm túc thực hiện. Việc thẩm định dự án, thiết kế cơ sở được thực hiện tốt, đảm bảo thời gian và chất lượng, giúp Chủ đầu tư dự án thực hiện đúng các quy định về đầu tư xây dựng. Chất lượng thẩm định được nâng cao hơn, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 1,77 % tổng mức đầu tư; thông qua việc thẩm định thiết kế, dự toán đã cắt giảm chi phí khoảng 8,46 % so với dự toán; tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế chiếm khoảng 26,3 %, góp phần chống thất thoát, lãng phí đối với các dự án ngân sách nhà nước, kịp thời ngăn ngừa các rủi ro về chất lượng, an toàn công trình .

2.2. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng sự cố giảm so với cùng kỳ và không xảy ra sự cố nghiêm trọng

Tình hình chất lượng các công trình xây dựng về cơ bản được đảm bảo, chất lượng các công trình trọng điểm, có quy mô lớn được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả; sự cố công trình xây dựng, mất an toàn trong thi công xây dựng có xu hướng giảm, không xảy ra sự cố nghiêm trọng trong thi công xây dựng công trình. Các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng đã tổ chức kiểm tra 150 đợt đối với các công trình thuộc phạm vi quản lý ; tổ chức kiểm tra an toàn hồ đập 10 công trình ; kiểm tra các công trình dạng tháp tại một số địa phương ; xây dựng các tài liệu kỹ thuật, quy trình bảo trì, quy trình kiểm định cho các công trình tháp truyền thông; kịp thời kiểm tra, giải quyết một số sự cố công trình . Phối hợp với Bộ Công an xây dựng quy chế phối hợp thực hiện lồng ghép thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy với thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng; thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng và phòng cháy, chữa cháy.

Triển khai thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 15/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị, Bộ đã tổ chức tập huấn cho một số địa phương triển khai thực hiện quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng nhà chung cư và đang tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện giai đoạn 1. Theo báo cáo hiện nay trên cả nước có hơn 3 triệu m2 sàn nhà ở chung cư cũ được xây dựng trước năm 1991, tương đương khoảng 100 nghìn căn hộ, trong đó có hơn 200 khối nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tập trung chủ yếu tại TP.Hà Nội và TP.HCM. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế .

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã tổ chức kiểm tra 49 đợt đối với các công trình thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó có 11 công trình, gói thầu được nghiệm thu đưa vào sử dụng . Nhìn chung chất lượng các công trình trọng điểm được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu thiết kế, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, vận hành an toàn và phát huy hiệu quả.

2.3. Quy trình, thủ tục hành chính trong công tác quản lý cấp phép xây dựng được cải cách theo hướng minh bạch, đơn giản hóa thủ tục,rút ngắn thời gian thực hiện,tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các bộ, địa phương tập trung nghiên cứu, cải cách quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện cấp phép xây dựng. Đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng, theo đó đã quy định cụ thể các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng; là cơ sở pháp lý để các cơ quan cấp giấy phép xây dựng thực hiện được dễ dàng và nhanh gọn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng; góp phần minh bạch nội dung hồ sơ về cấp phép xây dựng; giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian và chi phí khi cấp phép xây dựng cho người dân và các chủ đầu tư xây dựng công trình.

Tại các địa phương, cùng với việc thực hiện rà soát, cải cách quy trình, thủ tục hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cấp giấy phép xây dựng tiếp tục được đẩy mạnh. Các thủ tục hành chính trong công tác cấp phép xây dựng đã được công khai minh bạch, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan nên việc chấp hành các quy định của pháp luật đã được thiết lập và đi vào nề nếp .

2.4.Công tác quản lý năng lực hoạt động xây dựng được quan tâm, bảo đảm công khai, minh bạch năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng

Tính đến hết tháng 6 năm 2017, Bộ Xây dựng và 34/63 Sở Xây dựng đã tổ chức xét, cấp chứng chỉ năng lực cho 1.210 tổ chức (trong đó 477 hạng I, 191 hạng II và 542 hạng III), cấp chứng chỉ hành nghề cho 2.391 cá nhân hoạt động xây dựng (trong đó 1.540 hạng I, 533 hạng II và 318 hạng III), cấp 66 giấy phép cho nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam (trong đó Bộ Xây dựng cấp 48 giấy phép, Sở Xây dựng cấp 18 giấy phép).

2.5.Hệ thống các công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ngày càng đồng bộ, đầy đủ, theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường,hội nhập quốc tế, tiệm cận xu hướng phát triển công nghệ và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý đầu tư xây dựng.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và giá trong lĩnh vực xây dựng”. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật, xây dựng suất vốn đầu tư năm 2016; trong 6 tháng đầu năm, đã công bố 03 tập định mức về chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, định mức dự toán xây dựng công trìnhphần xây dựng vàlắp đặt ; ban hành Thông tư số 01/2017/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí khảo sát xây dựng, Thông tư số 05/2017/TT-BXD hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và đô thị, Thông tư số 07/2017/TT-BXD hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tiếp tục rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá xây dựng, thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng trên phạm vi cả nước. Đến nay, đã có 62/63 địa phương đã thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng trên địa bàn. Nhìn chung mặt bằng giá cả xây dựng 6 tháng đầu năm 2017 ổn định, dao động trong khoảng từ 1%-5% , biến động của các yếu tố đầu vào trong dự toán xây dựng công trình theo xu hướng tăng nhẹ . Tuy nhiên từ tháng 4/2017, giá cát có xu hướng tăng đột biến với biên độ từ 50-200% so với tháng 3/2017, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tiến độ của nhiều công trình xây dựng.

3.Công tác quy hoạchvàphát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật

3.1.Tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn,quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật;tổ chức triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ đã tổ chức lập, thẩm định, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 đồ án và 02 nhiệm vụ quy hoạch ; tổ chức thẩm định nhiệm vụ 02 đồ án quy hoạch chung khu chức năng đặc thù , 04 đồ án quy hoạch vùng ; hoàn thành việc tổ chức lập, thẩm địnhtrình Thủ tướng Chính phủ đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Tờ trình số 20/TTr-BXD ngày 23/3/2017). Tổ chức nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch cho một số vùng liên tỉnh, khu chức năng đặc thù; tiếp tục hoàn thiện 08 thiết kế đô thị mẫu đặc trưng theo vùng, miền.

Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 676/QĐ-TTg ngày 18/5/2017, trong đó Bộ xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện đề án, nghiên cứu, cụthể hóa các tiêu chí xây dựng điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất; hướng dẫn các địa phương triển khai đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; nghiên cứu, lập thí điểm quy hoạch xây dựng cho 08 huyện điển hình thuộc 06 vùng toàn quốc.

Tham gia ý kiến về các đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị tại các đô thị trên cả nước, các công trình kiến trúc trọng điểm, các dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn và có yêu cầu đặc biệt tại các địa phương ; tiếp tục xây dựng điều chỉnh định hướng kiến trúc Việt Nam đến năm 2030. Tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch xây dựng đô thị theo Nghị quyết 36a/NQ-CP về công khai quy hoạch đô thị trên toàn quốc và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị toàn quốc.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được phê duyệt ; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành, tập trung hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và các thành phố trực thuộc trung ương .

3.2. Tập trung rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, nhất là tại các thành phố lớn, đề xuất giải pháp chấn chỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 05/12/2016, Bộ Xây dựng đã tổ chức kiểm tra, rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, cấp phép xây dựng tại các địa phương ; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, UBND TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là việc quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng các khu đô thị mới, chung cư cao tầng, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủkết quả thực hiện trong tháng7/2017.

3.3. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị; tăng cường quản lý, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch.

Tập trung nghiên cứu Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, Chiến lược phát triển đô thị quốc gia, xây dựng Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2020-2030, xây dựng Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam, dự kiến hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11/2017.

Công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã có nhiều chuyển biến rõ nét, từng bước đảm bảo sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Đến nay đã có 51/63 địa phương triển khai thực hiện lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh ; các đô thị đã tập trung xây dựng chương trình phát triển đô thị, trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ đã cho ý kiến thống nhất về chương trình phát triển đô thị 06 tỉnh .

Một số địa phương đã hình thành các khu vực phát triển đô thị để thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; chủ động áp dụng cơ chế cho phép chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án được duyệt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư cũng như tạo điều kiện tiếp cận đất đai, nhà ở cho người dân ; hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các dự án mới theo quy định, từng bước tạo sự thống nhất trong quy trình triển khai các dự án đầu tư phát triển đô thị ;ban hành các quy định quản lý về phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Việc quản lý đô thị theo các quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt đã góp phần định hình rõ nét các khu chức năng trong đô thị, tạo nên nhiều khu đô thị mới khang trang, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội.

3.4. Công tác nâng cấp, nâng loại đô thị tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các đô thị.

Thực hiện Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị,Bộ đã xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết,hướng dẫn các địa phương lập đề án, tổ chức thẩm định, công nhận loại đô thị. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ đã phối hợp với các địa phương công nhận phân loại đô thị cho 08 đô thị . Tính đến hết tháng 6/2017toàn quốc có 805 đô thị, gồm: 02 đô thị đặc biệt, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 43 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 633 đô thị loại V.

3.5. Các chương trình, dự án phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Việc đầu tư nâng cao chất lượng,đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tiếp tục được quan tâm.Các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật đô thị đều đảm bảo và vượt theo kế hoạch đề ra:

- Tổng công suất thiết kế các nhà máy nước đô thị toàn quốc đạt khoảng 8,5 triệu m3/ngđ (tăng 0,5 triệu m3/ngđ so với cuối năm 2016). Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt khoảng 84,5% (tăng 1% so với cuối năm 2016); Tỷ lệ thất thoát thất thu khoảng 23% (giảm 0,5% so với cuối năm 2016).

-Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đô thị đạt khoảng 85%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải nông thôn đạt khoảng 40%-50%.

Các chương trình dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị , hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được tập trung thực hiện, góp phần nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng đời sống của người dân đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại cáctỉnh miền núi, ven biển, những địa bàn còn khó khăn.

4. Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản

4.1. Nghiên cứu, bổ sung, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp huy động các nguồn lựccho công tác phát triển nhà ở; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trọng điểm.

Tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương . Tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp về vốn cho các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở. Tổ chức hội nghị tổng kết toàn quốc việc thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, đề xuất các giải pháp, nguồn vốn để thực hiện giai đoạn 2. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải pháp giải quyết các tồn tại, bố trí vốn để thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục kiến nghị các giải pháp để triển khai phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân hàng chính sách xã hội (2.000 tỷ đồng) để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội.

Nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài chínhhình thành một số định chế tài chính như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ tín thác bất động sản... để huy động các nguồn lực cho bất động sản; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, thông thoáng cho chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá bán thấp.

Tập trung triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm đạt nhiều kết quả tích cực, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện cải thiện chỗ ở, cụ thể:

- Chương trình nhà ở cho người có công với cách mạng:Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã hoàn thành hỗ trợ 24.935 hộ; tổng cộng từ đầu chương trình đến nay đã hoàn thành hỗ trợ được 116.967 hộ (61.080hộ xây mới và 55.887hộ sửa chữa, cải tạo), đang tiếp tục hỗ trợ cho khoảng 6.782 hộ.Về cơ bản đã hoàn thành chương trình giai đoạn 1 và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2.

- Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung: các địa phương đã hỗ trợ được 12.946/25.137hộ nghèo, đạt 52% so với kế hoạch. Vốn ngân sách trung ương đã cấp 233/334 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 69,7%), đến tháng 12/2016 đã giải ngân được 168,405 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72% so với nguồn vốn trung ương đã cấp; số còn lại chưa cấp là 101 tỷ đồng (30,3%).

- Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015: các địa phương cơ bản hoàn thành việc phê duyệt đề án và hoàn tất các điều kiện để triển khai. Đến nay, đã có15.958 hộ dân được hỗ trợ vay vốn, tương đương 406 tỷ đồng được giải ngân; trong đó 6 tháng đầu năm 2017 có khoảng 1.153 hộ dân được hỗ trợ vay vốn với số đã giải ngân 28,8 tỷ đồng. Năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện phân giao chỉ tiêu cho chi nhánh các tỉnh, thành phố tổng số tiền 1.295 tỷ đồng. Hiện Bộ đang đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai hỗ trợ các hộ dân vay vốn xây dựng nhà ở.

- Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, học sinh, sinh viên: cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 184 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 72.000 căn hộ; các địa phương đang tiếp tục triển khai 195dự án, vớiquymô xâydựngkhoảng165.000 cănhộ.Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có thêm 05 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành, với quy mô khoảng 1.225 căn; 04 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng với quy mô khoảng 2.220 căn hộ.Chương trình nhà ở sinh viên đã hoàn thành 89/95 dự án, 06 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, giải quyết chỗ ở cho khoảng gần 220.000 sinh viên (trong 6 tháng năm 2017 hoàn thành 01 dự án, giải quyết cho chỗ ở cho 20.000 sinh viên). Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân khoảng 83%.

Tính đến hết tháng 6 năm 2017, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23 m2sàn/người, tăng 0,2 m2 sàn so với năm 2016,trong 6 tháng đầu năm 2017 đã hoàn thành thêm khoảng 0,06 triệu mnhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,76 triệu m2.

Đánh giá chung: trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện có kết quả chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng (đã tổ chức thành công hội nghị toàn quốc sơ kết giai đoạn 1 và triển khai thực hiện giai đoạn 2 (2017-2020); đã đề xuất kịp thời các giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung; quản lý có hiệu quả quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ. Tuy nhiên, tình hình triển khai công tác cải tạo chung cư cũ tại các đô thị lớn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng tiến độ đã đề ra.

4.2.Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản; chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường.Bộ tiếp tục triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thực hiện, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển thị trường bất động sản, đảm bảo yêu cầu tăng cường vai trò quản lý của nhà nước để kiểm soát thị trường phát triển ổn định, lành mạnh; tập trung nghiên cứu xây dựng "Đề án đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh".

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; phối hợp với các địa phương rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hàng hóa các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố:(i) giá cả, số lượng giao dịch, tính thanh khoản ổn định, không có nhiều biến động , (ii) tồn kho tiếp tục giảm ,(iii) cơ cấu hàng hóa tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu đa dạng của thị trường; (iv) tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng.Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển nhưĐà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc(Kiên Giang) phát triển mạnh đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

4.3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, tổng hợp cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên phạm vi toàn quốc.

Bộ đã yêu cầu các địa phương và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn ; thành lập 03 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thực hiện các dự án bất động sản cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại một số địa phương trọng điểmvà dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các địa phương.

Tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống phần mềm thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện việc xây dựng phần mềm và chuyển giao, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

Đánh giá chung về tình hình quản lý thị trường BĐS: trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Xây dựng đã tập trung tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phát triển thị trường bất động sản ổn định và lành mạnh; kịp thời đề xuất xử lý tình trạng tăng giá đất nền trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường.

5. Công tác quản lý vật liệu xây dựng

Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng và vật liệu xây dựng chủ yếu đang được Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ; các quy hoạch sản phẩm vật liệu xây dựng khác được tổ chức rà soát theo hướng loại bỏ các quy hoạch sản phẩm không mang tính thiết yếu và có thể tự điều tiết bởi thị trường (như quy hoạch kính phẳng xây dựng,...); tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương nghiên cứu, lập và phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của địa phương.Xây dựng kế hoạch để triển khai "Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng,xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, bổ sung danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được để hạn chế nhập siêu, giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách xuất khẩu, thuế, khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Tình hình thị trường vật liệu xây dựng được theo dõi, cập nhật thường xuyên để kịp thời đưa ra những giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng tồn kho; phối hợp với bộ, ngành, doanh nghiệpđể có những điều chỉnh kịp thời, đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy xi măng hoạt động ổn định và sử dụng hợp lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án xây dựng; tổ chức các đoàn công tác tại các tỉnh, thành phố về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực xi măng; kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng tro, xỉ tại các doanh nghiệp xi măng; phối hợp với bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung kịp thời các danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được nhằm kiềm chế nhập siêu, kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được…

Đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc Chương trình 567, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng đất sét nung và xây dựng lộ trình cụ thể xóa bỏ lò gạch thủ công. Kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức trong việc sản xuất, sử dụng amiăng, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường, y tế và quy chuẩn Việt Nam.

Thị trường vật liệu xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2017 nhìn chung vẫn ổn định. Các quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng tiếp tục được triển khai nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường:

- Tổng sản lượng xi măng, clanhke tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt khoảng 41,57 triệu tấn, đạt 61,96% kế hoạch năm, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 31,77 triệu tấn (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2016), xuất khẩu khoảng 9,8 triệu tấn (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016). Tồn kho tháng 6 năm 2017 khoảng 3,02 triệu tấn, chủ yếu là clanhke.

- Tổng sản lượng gạch ốp lát cả nước sản xuất ước đạt 277 triệu m2, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016; kính xây dựng ước đạt 16 triệu m2, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2016; sứ vệ sinh ước đạt 6,2 triệu sản phẩm, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016; gạch không nung ước đạt 3,2 tỷ viên (QTC), tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2017 giá cát xây dựng có hiện tượng tăng đột biến với biên độ từ 50-200% so với giá cát tại thời điểm tháng 3/2017 . Nguyên nhân do lệch pha cung cầu , một số đơn vị, đầu mối cung cấp tại một số địa phương đầu cơ tích trữ, các chủ dự án và chính quyền địa phương còn bị động trong việc cân đối nguồn cung, việc sử dụng nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên còn hạn chế.

6. Công tác cải cách hành chính

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.

Ngay từ đầu năm 2017, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2017,chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định nhằm giải quyết vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường.

Tiếp tục rà soát, cải cách quy trình, thủ tục hành chính về cấp giấy phép xây dựng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng, giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng. Chú trọng công tác kiểm soát việc ban hành mới các thủ tục hành chính thông qua việcthực hiện đánh giá tác động thủ tục hành chính,ban hành danh mục thủ tục hành chính được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích.Thường xuyên tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống của nhân dân thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.

Công tác cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thường xuyên, liên tục theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị hành chính thuộc Bộ theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 62/2013/NĐ-CP đã trình Chính phủ.

Công tác cải cách tài chính công đượcthực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu quả; đã xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hành động về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 và giai đoạn 2016 -2020. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; đẩy mạnh sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước;ban hành tiêu chuẩn, định mức xe ô tô phục vụ công tác chung và xe chuyên dùng; thực hiện giao tài sản nhà nước cho 37 đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.

Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử, Bộ đã xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng , đã hoàn thành xây dựng phần mềm, cấp giấy phép xây dựng , triển khai xây dựng cổng thông tin công khai quy hoạch đô thị toàn quốc , xây dựng hệ thống và đang vận hành thử nghiệm đối với việc cấp phép thầu cho nhà thầu nước ngoài , đã vận hành hệ thống đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng .

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ đã tập trung triển khai chương trình công tác của Chính phủ, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết và các văn bản chỉ đạo điều hành đảm bảo chất lượng, cơ bản đáp ứng tiến độ. Cụ thể các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: 228nhiệm vụ; đã hoàn thành:175 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 77%; đang thực hiện trong hạn: 53 nhiệm vụ, tỷ lệ 23%.

7. Công tác quản lý phát triển doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp

7.1. Tình hình chung:

Trong 6 tháng đầu năm 2017, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chính sách tiền tệ thuận lợi, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhu cầu bất động sản cao và tiếp tục tăng lên ở tất cả các phân khúc, thu nhập của người dân ngày càng tăng, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt,vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,5% so với cùng kỳ … đã thúc đẩy các hoạt độngsản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Xây dựng, nhất là các lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng…

Số lượng doanh nghiệp xây dựng thành lập mới tăng nhanh, nhất là khối doanh nghiệp bất động sản. Trong 6 tháng đầu năm 2017, có 8.200 doanh nghiệp xây dựng mới được thành lập, chiếm 13,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 10,7%; 2.300 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chiếm 3,7%, tăng 68,3% .

Một số kết quả cụ thể đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017:

Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành theo giá hiện hành đạt 506,6 nghìn tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016), là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây ; bao gồm:khu vực nhà nước đạt 37,3 nghìn tỷ đồng (tăng 5,2%), chiếm 7,4%; khu vực ngoài nhà nước 443,2 nghìn tỷ đồng (tăng 12%), chiếm 87,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 26,2 nghìn tỷ đồng (tăng 3,7%), chiếm 5,2%. Trong tổng giá trị sản xuất: công trình nhà ở đạt 213,2 nghìn tỷ đồng (tăng 16,6%); công trình nhà không để ở đạt 83,4 nghìn tỷ đồng (tăng 11,9%); công trình kỹ thuật dân dụng đạt 150,5 nghìn tỷ đồng (tăng 3,3%), hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 59,5 nghìn tỷ đồng (tăng 11,5%).

Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 392,1 nghìn tỷ đồng (tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016). Trong tổng giá trị sản xuất: công trình nhà ở đạt 163,6 nghìn tỷ đồng (tăng 13,8%); công trình nhà không để ở đạt 64,3 nghìn tỷ đồng (tăng 8,8%); công trình kỹ thuật dân dụng đạt 116,5 nghìn tỷ đồng (tăng 1,1%), hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 47,6 nghìn tỷ đồng (tăng 10,5%).

Giá trị tăng thêm trong các hoạt động xây dựng: theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 73.708 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm tỷ trọng 5,4% GDP cả nước.

7.2. Tình hình sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Bộ:

Tổng giá trị sản xuất kinh doanh của 16 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng ước đạt 61.962 tỷ đồng , đạt 47,9% kế hoạch năm và bằng 98,6% so với cùng kỳ năm 2016; tổng giá trị đầu tư ước đạt 5.975 tỷ đồng, bằng 27,1% kế hoạch năm; doanh thuước đạt 53.889 tỷ đồng, bằng 47,4 % kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.052 tỷ đồng, bằng 52,2 % kế hoạch năm; nộp ngân sách đạt 3.721 tỷ đồng, đạt 71,1% kế hoạch năm 2017; tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt trung bình5,66%.

Nhìn chung hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Bộ đáp ứng các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của năm 2017. Một số đơn vị hoàn thành tốt kế hoạch như VIGLACERA, VICEM, IDICO, LILAMA; một số dự án được khởi công mới và tiếp tục đầu tư ; một số dự án hoàn thành, đưa vào khai thác hiệu quả ; tình hình tài chính hầu hết các Công ty mẹ lành mạnh, ổn định. Tuy nhiên bên cạnh một số doanh nghiệp duy trì được sự ổn định, hiệu quả thì còn một số doanh nghiệp đang khó khăn, cần tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu và thay đổi phương thức quản trị, nhân sự.

Đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, Bộ đã ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 02/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2016-2020, hiện đang đôn đốc các đơn vị xây dựng phương án tái cơ cấu cụ thể.

Tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa 04 Tổng công ty, gồm: Sông Đà, HUD, IDICO và VICEM. Hiện Bộ đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, IDICO sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đang trình phương án cổ phần hóa Tổng công ty HUD; thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp Tổng công ty VICEM.Tiếp tục thực hiệnquyết toán vốn nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần đối với các Tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa.Đã tổ chức đấu giá thành công 120 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ Tổng công ty VIGLACERA, thu về doanh nghiệp 1.941 tỷ đồng.Chấp thuận chủ trương phát hành, thỏa thuận cho 10 Tổng công ty thực hiện thoái, tăng, giảm vốn tại 32 công ty con, công ty liên kết ; thực hiện thoái vốn thành công tại 05 đơn vị với giá trị thoái 624,83 tỷ đồng, thu về 632,64 tỷ đồng.

7.3. Tình hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ:

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ tiếp tục sắp xếp, kiện toàn hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Hiện Bộ có 39 đơn vị sự nghiệp công lập , giảm 3 đơn vị so với cuối năm 2016 do thực hiện việc giải thể, sáp nhập; trong đó: 05 đơn vị thực hiện cơ chế tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên , 01 đơn vị thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ (Trường Cao đẳng nghề LILAMA2), các đơn vị còn lại thực hiện cơ chế tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên.

Các đơn vị khối đào tạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo nhu cầu của xã hội; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên môn, công nhân kỹ thuật ngành Xây dựng.Trong 6 tháng đầu năm 2017, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã tổ chức được 111 lớp với số lượng 4.766 học viên ; riêng lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn các cấp theo Đề án 1961 đã hoàn thiện các bộ đề cương, tổ chức được 16 khóa đào tạo tại 14 tỉnh, thành phố cho các đối tượng của Đề án với 630 học viên;các trường đào tạo khác thuộc Bộ đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo 4.052 chỉ tiêu học sinh, sinh viên theo các cấp học .

Các Viện nghiên cứu khoa học đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án, đề tài khoa học công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước và sự phát triển ngành Xây dựng như: Soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật; biên soạn tiêu chuẩn, quy chuẩn; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá; lập các đồ án quy hoạch ; triển khai các chương trình, dự án khoa học công nghệ trọng điểm ... Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, để thực hiện cơ chế tự chủ. Trong 6 tháng đầu năm 2017 giá trị sản xuất kinh doanh của các Viện đạt 333,2 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch .

Các đơn vị thuộc khối y tế đã thực hiện tốt chức năng quản lý, theo dõi công tác y tế, y học lao động trong các đơn vị trực thuộc Bộ; tham giađầy đủ các chương trình y tế quốc gia thuộc ngành Xây dựng; kết quả khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Xây dựng và cộng đồng trong 6 tháng đầu năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch ;chủ động mở các lớp tập huấn về chuyên môn y tế, y học lao động tại các công trình trọng điểm; bổ túc nghiệp vụ quản lý sức khoẻ đối với cán bộ y tế tại các đơn vị thuộc Bộ; thực hiện tốt việc điều dưỡng cho cán bộ công nhân viên trong Ngành;tổ chức các hoạt động dịch vụ bảo đảm lấy thu bù chi để tăng thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên (từ 1 đến 1,5 lần so với lương cơ bản);trích khấu hao tài sản cố định tạo nguồn quỹ đầu tư mua sắm, tăng cường cơ sở vật chất.

Các đơn vị thông tin, báo chí đã thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, cơ chế chính sách quản lý nhà nước, thông tin về các hoạt động của ngành Xây dựng.Trung tâm Thông tin chú trọng việc đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

8.Công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ đã triển khai 52/90 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và đột xuất (đạt 56,6% kế hoạch năm 2017) ,ban hành 93 kết luận thanh tra . Qua thanh tra đã phát hiện một số vi phạm và kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 5.899 tỷ đồng . Công tác thanh tra đã giúp các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng nâng cao nhận thức, thực hiện theo quy định của pháp luật xây dựng, chấn chỉnh và khắc phục một số tồn tại.Đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần ngăn chặn có hiệu quả các hành vi sai phạm trong hoạt động xây dựng.

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo đối với các vụ việc mới phát sinh, các vụ việc phức tạp, kéo dàitiếp tục được tập trung giải quyết, góp phần ổn định an ninh trật tự, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã tiếp 134 người/70 lượt (06 đoàn đông người), tiếp nhận 249 lượt đơn thư ; thành lập đoàn thanh tra, tổ chức đối thoại, giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp theo đúng quy định của pháp luật.Tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2017 tại 05 đơn vị trực thuộc Bộ; hướng dẫn và xây dựng báo cáo tổng hợp việc kê khai tài sản thu nhập đối với các đơn vị, thực hiện đầy đủ việc báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác phòng, chống tham nhũng.

9. Công tác khoa học công nghệ

Tiếp tục tổ chức thực hiện và hoàn thành quy hoạch hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 . Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, công trình ngầm, nhà công nghiệp, nhà ở và công trình công cộng; nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật; sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2017, số lượng tiêu chuẩn đã chuyển Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định và công bố 29 tiêu chuẩn; số lượng tiêu chuẩn đã hoàn thành dự thảo, thành lập hội đồng thẩm định khoảng 50 tiêu chuẩn.

Bộ đã phê duyệt đề án nâng cao năng suất, chất lượng ngành sản xuất vật liệu xây dựng và ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Triển khai hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế về tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng; giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam liên quan đến quản lý chất thải rắn.

Tiếp tụcthực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng, trong đó trọng tâm là nghiên cứu chiến lược, chính sách vĩ mô phục vụ quản lý nhà nước; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề lớn của Ngành và các vấn đề bức thiết của xã hội như:nghiên cứu xây dựng thực nghiệm công trình trên biển đảo; phát triển vật liệu xây dựng sử dụng tro, xỉ, thạch cao đã qua xử lý từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải khác; phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung cho công trình xây dựng đến 2020; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ, vật liệu tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo trong các công trình xây dựng và thúc đẩy phát triển công trình xanh.

10. Công tác hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế

Tiếp tục thực hiện vai trò điều phối các Ủy ban liên chính phủ (UBLCP) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch phân ban với các nước Cuba, Angieri,đôn đốc các bộ, ban, ngành trong việc thực hiện nội dung biên bản của các kỳ họp, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp để đảm bảo xuất khẩu gạo cho Cuba năm 2017, góp ý kiến cho phương án xử lý nợ của Chính phủ Cuba đối với Chính phủ Việt Nam; xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn phân ban Việt Nam đi Angieri dự Kỳ họp lần thứ 11 UBLCP Việt Nam - Angieri.

Chủ động mở rộng phạm vi hợp tác song phương và đa phương theo hướng nâng cao hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng của ngành Xây dựng.Rà soát, đánh giá tình hình triển khai hợp tác song phương với 22 nước và tổ chức quốc tế,tổ chức thành công Đối thoại APEC 2017 về đô thị hóa bền vững,ký kếtbiên bản hợp tác trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng với Bộ Môi trường, Năng lượng và Biển Pháp.Quản lý thực hiện và điều phối hiệu quả các chương trình, dự án ODA của Bộ Xây dựng.

11. Tình hình thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước

Công tác quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quan tâm, đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD ngày 05/4/2017 về việc đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư năm 2017; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2017; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân đối với các công trình quan trọng, cấp bách (nhất là các dự án Nhà Quốc hội, Đại học Quốc Gia);tập trung quyết toán vốn đầu tư đối với các công trình, dự án hoàn thành, thực hiện điều phối 22 chương trình, dự án ODA, gồm 16 dự án hỗ trợ kỹ thuật và 06 dự án đầu tư.

Các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã được Bộ giao cho các ban quản lý dự án chuyên nghiệp để thực hiện quản lý theo quy định của Luật Xây dựng. Tổng số vốn bố trí cho các dự án trong kế hoạch năm 2017 là 483,43 tỷ đồngtập trung vào việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường, viện nghiên cứu và bệnh viện, không có dự án khởi công mới. Nhìn chung các dự án đang triển khai theo tiến độ, kế hoạch, một số dự án được đẩy nhanh tiến độ so với kế hoạch được duyệt ban đầu.Đến thời điểm 20/6/2017, tổng số vốn giải ngân là 225,074 tỷ đồng đạt 46,56% so với kế hoạch, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước .

IV. MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp, tập trung chủ yếu ở công trình có quy mô nhỏ.Tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn chậm. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã được cải thiện nhưng chưa bền vững, một số dự án khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng; việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm túc.

2. Chất lượng công tác quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn xa, thông tin phân tích và dự báo còn thiếu tin cậy, khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện còn thấp.Công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị cònhạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ, không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển kinh tế và dân số. Năng lực quản lý đô thị các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn lực cho phát triển tại các đô thị còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả.

3.Tình trạng mất cân đối cung cầu bất động sản vẫn diễn ra trong một số phân khúc sản phẩm, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu rất nhiều so với yêu cầu. Việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội còn chậm so với kế hoạch.Lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn khá lớn.Tiến độ thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn chậm.

4. Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại một số địa phương triển khai chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện tượng giá cát tăng đột biến đã tác động tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí các công trình xây dựng.

5. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại một số Tổng công ty thuộc Bộ còn chậm so với kế hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên đó là:

- Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình xây dựng thấp, vi phạm trật tự xây dựng là do thiếu vai trò, trách nhiệm quản lý, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;do ý thức của người dân chưa cao; do hạn chế về năng lực hoặc thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu.

- Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong triển khai công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Việc tổ chức thực hiện quản lý phát triển đô thị tại nhiều nơi còn chưa nghiêm;nhiều địa phương còn biểu hiện dễ dãi trong việc điều chỉnh quy hoạch, rà soát và cấp phép đầu tư các dự án bất động sản.

- Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá được xây dựng đã khá lâu,công tác sửa đổi, bổ sung đã được quan tâm nhưng chưa theo kịp với trình độ phát triển của khoa học công nghệ và cơ chế thị trường. Do khối lượng rất lớn, nguồn lực hạn chế nên việc rà soát, sửa đổi, bổ sung còn chậm.

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội còn thấp, một số chính sách hỗ trợ nhà ở đang thực hiện nhưng thiếu nguồn vốn để triển khai tiếp;sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác bố trí nguồn vốn cho các chương trình hỗ trợ nhà ở còn chậm,thiếu nhất quán; cơ chế khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; hệ thống thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa đảm bảo công khai, minh bạch; nguồn lực phát triển bất động sản chưa đa dạng, chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

- Thị trường vật liệu xây không nung chưa phát triển mạnh do chất lượng chưa cao, chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, quy trình kỹ thuật sử dụng chưa hoàn thiện, nhiều chủ đầu tư vẫn có thói quen sử dụng vật liệu xây truyền thống.

- Việc thực hiện cổ phần hóa chậm do nguyên nhân khách quan doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, nên việc cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn vướng mắc, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chính, do chưa quyết liệt, chủ động.

B. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2017

1.Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế

- LậpChương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019, đề xuất các nội dung của Bộ trong Chương trình công tác của Chính phủ năm 2018;hoàn thiện hồsơ đề nghị xây dựng Luật Cấp nước (có thể điều chỉnh tên thành Luật Sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch).

- Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung hoàn thành chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo thời hạn, chất lượng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Kiến trúc và Luật Quản lý phát triển đô thị.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và tác động của luật pháp, chính sách mới được ban hành, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung.

2. Công tác quản lý đầu tư xây dựng

- Rà soát, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm phát hiện các bất cập, vướng mắc để kịp thời nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế,

- Tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng theohướngđơn giản hóa hồ sơ, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, điện tử hóa hồ sơ, lồng ghép quy trình thực hiện.Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra việc sắp xếp lại các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định.

- Nghiên cứu, đề xuất thành lập đoàn công tác liên ngành thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng và kiểm tra, xác nhận công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng; nghiệm thu công trình xây dựng đồng thời với nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

- Thực hiện đánh giá bước 2 về kiểm định chi tiết các công trình có dấu hiệu nguy hiểm theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị.

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định 310/QĐ-TTg ngày 27/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu nhà nước nhằm kiện toàn tổ chức, hoạt động của Hội đồng nghiệm thu nhà nước và tăng cường hiệu quả, hiệu lực kiểm soát nhà nước đối với chất lượng các công trình trọng điểm.

- Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động xây dựng, tiếp tục thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn các đập, hồ chứa thuộc danh mục công trình được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra, nghiệm thu đưa vào sử dụng.

- Nghiên cứu, xây dựng chương trình rà soát, đánh giá lại mức độ an toàn đối với các công trình xây dựng tại các vùng chịu ảnh hưởng mạnh của bão, lũ, các công trình dạng tháp và nhà ở cho người dân, nhằm ứng phó kịp thời và hiệu quả đối với tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

- Tiếp tục rà soát, hệ thống hóa, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; triển khai thực hiện các Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá trong lĩnh vực xây dựng” “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng” sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Tập trung công tác quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt tăng cường công tác giám sát đánh giá đầu tư các dự án do Bộ quản lý, kịp thời xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; đôn đốc các chủ đầu tư công tác giải ngân, thanh toán và đẩy nhanh công tác quyết toán dự án hoàn thành.

3. Về quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, khu chức năng đặc thù; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp vùng.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn. Tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, kiến trúc.

- Tiếp tục kiểm tra, rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, nhất là tại các thành phố lớn, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017.

- Rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung bảo vệ môi trường trong các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực xây dựng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

-Rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội- môi trường trong quá trình đô thị hóa. Tổ chức lập thí điểm quy hoạch xây dựng vùng huyện theo đề án “Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện” tại 08 huyện điển hình trên 06 vùng toàn quốc.

- Nghiên cứu các mô hình kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, nhà ở ứng phó với biến đổi khí hậu; các mẫu kiến trúc nhà ở, công trình công cộng khu vực nông thôn phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đặc điểm của từng địa phương.

- Nghiên cứu, xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và các công cụ để quản lý, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất điều chỉnh các định hướng, chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2020-2030.

- Tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án cấp quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật; đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các địa phương trong việc huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng.

- Xây dựng kế hoạch hành động triển khai đề ánPhát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020; xúc tiến hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á xây dựng dự án đầu tư tại một số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu.

-Tổ chức nghiên cứu, rà soát trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các quy hoạch cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn các vùng kinh tế trọng điểm, vùng lưu vực sông. Hướng dẫn các địa phương chủ động trong việc cấp nước, giải quyết thoát nước và chống ngập ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến dịch vụ tiện ích đô thị; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, dịch vụ nghĩa trang và hỏa táng, giá nước sạch.

4. Về quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản

- Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh” trong quý IV/2017. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về nhà ở, thị trường bất động sản trên phạm vi toàn quốc.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân,Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 03/4/2017của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ xuống cấp, gây nguy hiểm, quá hạn sử dụng tại các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

- Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện việc kiểm tra, thanh tra các dự án bất động sản có quy mô lớn, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương.

- Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách, mô hình hợp lý để huy động các nguồn lực thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê và nhà ở thương mại giá thấp tại một số đô thị lớn; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội.

- Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn về việc bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai có hiệu quả các Chương trình nhà ở trọng điểm.

- Tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá bán thấp.

5. Về quản lý phát triển vật liệu xây dựng

- Hoàn thiện lập Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035; Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để trình Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục kiểm tra, rà soát các quy hoạch xi măng, quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng; nghiên cứu và có dự báo kịp thời đối với cung cầu xi măng của cả nước trên cơ sở điều chỉnh hợp lý để đảm bảo cân đối cung cầu.

- Sơ kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; thực hiện đúng lộ trình xóa bỏ lò gạch, lò vôi thủ công tại các địa phương;

- Triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thị trường vật liệu xây dựng; thực hiện đồng bộ các biện pháp bình ổn thị trường;tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình đề án phát triển vật liệu xây dựng, nhất là xi măng và các vật liệu xây dựng chủ yếu, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường.

6. Về quản lý, phát triển doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ

- Phê duyệt và thực hiện theo lộ trình phương án sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phầnthuộc Bộ giai đoạn 2016-2020.Tổ chức đấu giá, phát hành cổ phần, đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển doanh nghiệp sang công ty cổ phần các Tổng công ty: Sông Đà, IDICO trong quý III-IV/2017, HUD trong Quý IV/2017; phê duyệt giá trị doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa VICEM trong quý IV/2017. Quyết toán, bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với các Tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa.Tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại các Tổng công ty - CTCP theo lộ trình; xem xét, thỏa thuận cho các Tổng công ty thực hiện thoái, tăng, giảm vốn tại các công ty con, công ty liên kết theo phương án được duyệt.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tài chính, tài sản, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các đơn vị sự nghiệp.Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập như:phân cấp mua sắm tài sản cho các đơn vị dự toán; xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ công, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; phê duyệt phương án sử dụng tài sản vào mục đích sản xuất kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết; giao cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công. Lập phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thành công ty cổ phần.

7. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo

- Xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; tiếp tục triển khai, hoàn thành Kế hoạch thanh tra năm 2017 theo đúng tiến độ; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại các địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các hành vi tham nhũng, các vi phạm gây thất thoát, lãng phí, các vi phạm về chất lượng công trình và trật tự xây dựng tại khu vực đô thị.

- Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế tối đa tồn đọng, kéo dài, nhất là khiếu nại trong lĩnh vực nhà, đất. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hành chính và công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. Thực hiện kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2017.

8. Về cải cách thủ tục hành chính, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế

- Đẩy mạnh cải cách, rà soát, kiểm soát các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.

- Tập trung thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến trong các lĩnh vựchoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

- Tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, công chức, viên chức ngành Xây dựng. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo các cấp bậc nghề nghiệp, ưu tiên đầu tư hình thành mạng lưới các trường đào tạo nghề chất lượng cao, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

- Phối hợp với phía Cuba tổ chức kỳ họp thứ 35 UBLCP Việt Nam-Cuba, dự kiến vào quý IV/2017 tại Hà Nội; tổ chứckỳ họp thứ 11 UBLCP Việt Nam-Angieri, dự kiến vào tháng 11/2017 tại An-gie.Tích cực vận động tài trợ ODA và vốn vay ưu đãi cho các dự án, chương trình thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Bộ và của nhà tài trợ; tổ chức đối thoại chính sách, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, bài học thực tiễn đối với các đối tác nước ngoài nhằm tăng cường hiểu biết, thừa nhận lẫn nhau và hài hoà hoá thủ tục, chính sách của các bên.

Trên đây là Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 của ngành Xây dựng./.

 


Bộ Xây dựng

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)