Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có công văn 385/BXD-HĐXD ngày 10/12/2019 có ý kiến như sau:
Về sự phù hợp của dự án với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tể - xã hội, quy hoạch phát triên ngành, quy hoạch xây dựng
Tại văn bản số 576/TTg-KTN ngày 12/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận thành lập mới Khu công nghiệp Vàm Cống với quy mô diện tích khoảng 200ha.
Ngày 24/10/2019, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2035. Theo đó, Khu công nghiệp Vàm Cống là khu công nghiệp - logistic xanh - cửa ngõ phía Nam thành phố.
Tại văn bản số 4750/UBND-KT ngày 30/10/2019, UBND thành phố Long Xuyên đã đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Vàm Cống với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của địa phương.
Nhà đầu tư cần bổ sung quy hoạch xây dựng theo quy định để đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý cho dự án.
Về hồ sơ Đề xuất dự án
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư năm 2014 thì Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vàm Cống là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tưởng Chính phủ. Hồ sơ đề xuất dự án đầu tư do Công ty cổ phần Tập đoàn T&T lập cần đảm bảo nội dung theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư năm 2014.
Phương án thiết kế sơ bộ gửi kèm gồm các bản vẽ: sơ đồ vị trí dự án, tổng mặt bằng dự án, ranh giới xây dựng và quy hoạch chia lô, các bản vẽ mặt bằng tổng thể và mặt cắt của hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm: san nền, giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước mưa, thoát nước thải và trạm xử lý nước thải, thông tin liên lạc. Đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang cần rà soát, kiểm tra để đảm bảo phương án thiết kế sơ bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về quy mô, công suất phù hợp theo khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực, đồng thời đảm bảo đáp ứng theo các quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.
Ngoài ra, cần rà soát bổ sung các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của dự án.
Một số ý kiến khác
-Theo nhiệm vụ quy hoạch (Quyết định số 889/QĐ-UBND ngày 21/3/2017 của UBND tỉnh An Giang) thì các ngành nghề chủ yếu dự kiến phát triển trong khu công nghiệp là tăng hàm lượng công nghệ cao cho lĩnh vực chế biến mũi nhọn (gạo, thủy sản, da giày, hoa quả,...); đẩy mạnh công nghiệp sạch (điện tư, thông tin). Khu công nghiệp được xây dựng với tiêu chí có hành lang xanh cách ly với khu vực lân cận. Do đó, Nhà đầu tư cần nghiên cứu thêm các giải pháp xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường khu công nghiệp nói riêng và môi trường khu vực nói chung.
-Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì dự án thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở quyết định chủ trương đầu tư dự án. Vì vậy, đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang hướng dẫn Nhà đầu tư liên hệ với cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường để được hướng dẫn thực hiện.
-Việc đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp là dự án kinh doanh bất động sản, Nhà đầu tư cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh bất động sản. Đồng thời đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật để được nhà nước giao đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.
-Dự án dự kiến thu hút khoảng 17.640 người đến làm việc, vì vậy Nhà đầu tư cần phải báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư phương án giải quyết nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về khu công nghiệp và khu kinh tế.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 385/BXD-HĐXD