I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
Công tác chỉ đạo, điều hành được đổi mới và tăng cường theo đúng quan điểm chỉ đạo và phương châm hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 là “Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, cụ thể:
1. Đã tổ chức quán triệt, triển khai và ban hành đầy đủ, kịp thời, chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016-2020 và các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.
Trong các chương trình, kế hoạch hành động, đã xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực của Ngành cho toàn nhiệm kỳ và từng năm; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong Ngành đối với từng nhiệm vụ cụ thể .
2. Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch hành động của Ngành, đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, của Bộ trong năm 2016 và tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, bao gồm:
(i) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, công cụ quản lý; (ii) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, đổi mới, điều chỉnh, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chi phí, suất vốn đầu tư xây dựng; (iii) Đổi mới, tăng cường quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; (iv) Tiếp tục tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; (v) Tăng cường phân cấp quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; (vi) Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành Xây dựng, trọng tâm là công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ngành, đẩy mạnh việc đổi mới hoạt động, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập...
3. Tăng cường hiệu lực công tác quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới phương thức làm việc của Lãnh đạo Bộ, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ; nâng cao vai trò trách nhiệm và năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức
Đã sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc của cơ quan Bộ, Quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng và một số quy chế khác cho phù hợp với quy định của pháp luật, đặc điểm, yêu cầu của tình hình mới. Tổ chức phân công nhiệm vụ rõ ràng, quy định rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện từng công việc cụ thể đối với tập thể Lãnh đạo Bộ, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng và các chỉ đạo, kết luận của Bộ trưởng đối với từng cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện kết nối liên thông và trao đổi văn bản hành chính, cập nhật thông tin dữ liệu, báo cáo qua môi trường mạng với các cơ quan của Chính phủ và các địa phương.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ luôn đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu. Tổ chức giao ban Bộ định kỳ hàng tháng và đột xuất để kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao; chấn chỉnh kịp thời các trường hợp xử lý công việc bị chậm tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng.
4. Tăng cường phối hợp công tác với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan của Quốc hội, Trung ương Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành
Lãnh đạo Bộ và các cơ quan chuyên môn thường xuyên đi công tác, trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ động nắm bắt tình hình, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về xây dựng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ngành.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH
- Giá trị sản xuất ngành Xây dựng năm 2016 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 1.089,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2015 đạt 104% kế hoạch năm ; tính theo giá so sánh năm 2010 đạt khoảng 862,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2015. Theo giá so sánh năm 2010, giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng năm 2016 đạt khoảng 189,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 6,19% GDP cả nước (năm 2015 chiếm 5,97% GDP).
- Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 36,6%, tăng 0,9% so với năm 2015, đạt 99,5% kế hoạch năm; Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%, tăng 3% so với năm 2015, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35%, tăng 2% so với năm 2015, đều đạt kế hoạch năm; Quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99%, tăng 1% so với năm 2015, thấp hơn kế hoạch đề ra là 100%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 83,5%, tăng 2,0% so với 2015, đạt 102% kế hoạch năm; Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 85%, tương đương với 2015, đạt kế hoạch năm; Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 23,5%, giảm 1,5% so với 2015, đạt 102% kế hoạch năm.
- Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,8 m2 sàn/người, tăng 0,8 m2 sàn/người so với 2015, đạt 101% kế hoạch năm.
- Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 75,21 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2015, đạt 102% kế hoạch năm.
III. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MỘT SỐ LĨNH VỰC CÔNG TÁC CHỦ YẾU
1. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng được tập trung chỉ đạo thực hiện, trọng tâm là tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành các luật Xây dựng chuyên ngành và một số luật liên quan, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư - xây dựng.
Trong năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 01 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Nghị định, 06 Quyết định, 02 Chỉ thị; Bộ ban hành theo thẩm quyền 30 Thông tư về các lĩnh quản lý nhà nước của Bộ (có danh mục kèm theo).
Hiện nay, Bộ đang tiếp tục hoàn thiện 11 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: 03 dự thảo Nghị định, 06 Quyết định, đề án, 02 Chỉ thị (có danh mục kèm theo).
Đồng thời, Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh; trình Chính phủ ban hành đầy đủ quy định về điều kiện kinh doanh đối với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc ngành Xây dựng (theo quy định của Luật Đầu tư). Đề xuất sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng.
Đến nay, về cơ bản các văn bản hướng dẫn thi hành các luật về đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đã từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng.
2. Công tác quản lý đầu tư, xây dựng
2.1. Công tác quản lý đầu tư xây dựng được đổi mới và tăng cường theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành, đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán, kiểm tra công tác nghiệm thu của các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả tích cực. Nhìn chung, chất lượng thẩm định được nâng cao hơn, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 0,97% tổng mức đầu tư; thông qua việc thẩm định thiết kế, dự toán đã cắt giảm chi phí khoảng 5,87% so với dự toán; tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế chiếm khoảng 36%, góp phần phòng ngừa được nhiều rủi ro về chất lượng công trình .
2.2. Chất lượng các công trình xây dựng trong cả nước về cơ bản được đảm bảo , chất lượng các công trình trọng điểm, có quy mô lớn được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả .
Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn các đập, hồ chứa thuộc danh mục công trình được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, nghiệm thu đưa vào sử dụng ; kiểm tra, xử lý các vụ việc, sự cố về chất lượng công trình xây dựng .
Công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng có chuyển biến tích cực. Bộ đã tổ chức rà soát, kiểm tra các tổ chức đang hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trên cả nước ; kiểm tra công tác quản lý an toàn trong thi công các công trình xây dựng ; rà soát, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình. Tỷ lệ tai nạn lao động trong thi công xây dựng đã giảm đáng kể, chiếm khoảng 21% tổng số vụ tai nạn lao động của tất cả các ngành nghề (năm 2014 chiếm khoảng 33%; năm 2015 chiếm 35%).
2.3. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, các công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ngày càng đồng bộ, đầy đủ, góp phần tạo lập thị trường xây dựng cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch, hạn chế tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Đã chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới, bổ sung, điều chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, chi phí, suất vốn đầu tư xây dựng theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Đến nay, Bộ đã công bố 12.685 định mức trong hoạt động xây dựng. Riêng trong năm 2016, đã công bố 1.900 định mức vật tư xây dựng, hoàn thành xây dựng 411 suất vốn đầu tư xây dựng công trình, 185 giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu và suất chi phí xây dựng năm 2015 phù hợp với mặt bằng giá thị trường; thỏa thuận để các Bộ, ngành, địa phương công bố các định mức chuyên ngành, đặc thù theo yêu cầu quản lý .
Công tác lập và công bố chỉ số giá xây dựng được triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Trong đó, Bộ Xây dựng đã tổng hợp, lập và công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia theo từng quý; 61/63 địa phương đã thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng trên địa bàn , hầu hết đã công bố đơn giá nhân công xây dựng, tạo công cụ hữu hiệu cho việc lập và điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán, giá gói thầu và điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng. Mặt bằng giá cả xây dựng năm 2016 nhìn chung ổn định, dao động trong khoảng từ 1%-5% , biến động của các yếu tố đầu vào trong dự toán xây dựng công trình theo xu hướng giảm , tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí xây dựng.
2.4. Công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép theo quy định của Luật Xây dựng từng bước đi vào nề nếp .
Chỉ tiêu về cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục có liên quan có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ tiêu đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam và xếp thứ 3 trong các nước ASEAN (theo đánh giá của WB) . Công tác quản lý năng lực hoạt động xây dựng được quan tâm, bảo đảm tính công khai, minh bạch năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng .
3. Công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật
3.1. Công tác tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được quan tâm và có nhiều đổi mới. Chất lượng đồ án quy hoạch ngày càng được cải thiện; tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng lên đáng kể.
Trong năm 2016, Bộ Xây dựng đã tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04 nhiệm vụ và 05 đồ án quy hoạch xây dựng , 02 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật ; đã tổ chức thẩm định 04 nhiệm vụ và 01 đồ án quy hoạch xây dựng .
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng đối với 16 vùng liên tỉnh, 16 khu kinh tế ven biển, 16 khu kinh tế cửa khẩu, 03 khu công nghệ cao, 10 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật vùng liên tỉnh. Tỷ lệ lập quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 75% (năm 2015 là 72%), quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35% (năm 2015 là 33%), quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99% (năm 2015 là 98%); có 53/63 địa phương đã lập, phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn, 23/63 địa phương đã phê duyệt quy hoạch cấp nước; 12/63 địa phương đã phê duyệt quy hoạch thoát nước.
Bộ Xây dựng đã tập trung hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; tham gia ý kiến đối với các đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, các quy hoạch đô thị quan trọng, các công trình kiến trúc trọng điểm, các dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn và có yêu cầu đặc biệt tại các địa phương.
3.2. Công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và kế hoạch tiếp tục đạt được kết quả tích cực, từng bước đảm bảo sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững.
Thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, các địa phương đã tích cực rà soát, bổ sung các quy hoạch, xây dựng chương trình phát triển đô thị, thành lập khu vực phát triển đô thị, làm cơ sở thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật ; rà soát, phân loại, điều chỉnh các dự án đầu tư phát triển đô thị; tăng cường kiểm soát các dự án từ khâu quy hoạch, chấp thuận đầu tư cho đến kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện ; đồng thời quan tâm quản lý phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị .
Việc quản lý thực hiện theo các quy hoạch được phê duyệt đã góp phần định hình rõ nét các khu chức năng trong đô thị, tạo nên nhiều khu đô thị mới khang trang, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và trên cả nước.
3.3. Các chương trình, dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật được tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực; công tác nâng cấp, phân loại đô thị có nhiều đổi mới.
Các chương trình, dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị , hạ tầng kỹ thuật được tập trung thực hiện, đã góp phần nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng đời sống của người dân đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh miền núi, ven biển, là những địa bàn trước đây còn nhiều khó khăn.
Công tác nâng cấp, nâng loại đô thị có nhiều đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các đô thị. Năm 2016, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các địa phương triển khai việc nâng loại và công nhận loại đô thị đối với 15 đô thị (bao gồm: 02 đô thị loại I, 02 đô thị loại II, 01 đô thị loại III và 10 đô thị loại IV).
Tính đến tháng 12/2016, cả nước có 802 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 633 đô thị loại V; Các chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đều có chuyển biến tích cực so với năm 2015 .
Đã cơ bản hoàn thành tổng kết Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị và dự kiến đưa các nội dung cần bổ sung, điều chỉnh vào Luật Quản lý phát triển đô thị (đã đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018).
4. Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản
4.1. Công tác phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở xã hội theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, nhất là các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị.
Trong năm 2016, Bộ đã tích cực, chủ động đề xuất và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội các giải pháp về vốn cho phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 theo quy định của pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP) và vốn cho các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tham mưu tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội; đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Giải trình trước Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 1, đề xuất các giải pháp, nhất là về nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả giai đoạn 2.
Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án phát triển nhà ở của địa phương theo đúng quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Kiểm soát chặt chẽ việc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở và việc dành quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội.
Tập trung triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm đạt nhiều kết quả tích cực, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện cải thiện chỗ ở, cụ thể:
- Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng: đến tháng 11/2016, đã hoàn thành hỗ trợ cho 91.302 hộ ; đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho khoảng 6.800 hộ.
- Chương trình tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2): đã hoàn thành đầu tư xây dựng 178/179 cụm, tuyến dân cư và bờ bao (đạt 99%); đã bố trí cho 52.220 hộ khu vực ngập lũ vào ở (đạt 93,4%); hiện đang kiến nghị bổ sung thêm khoảng 130 dự án thuộc các khu vực sạt lở để triển khai trong giai đoạn 2016-2020.
- Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: tính đến nay, số vốn ngân sách nhà nước cấp là 233 tỷ đồng, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho 12.600 hộ thuộc đối tượng chính sách, đạt 50,4% so với kế hoạch.
- Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn (Chương trình 167): theo đề án của các địa phương có 268.000 hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ đã đăng ký vay vốn. Tính đến tháng 11/2016, đã có 10.167 hộ dân được hỗ trợ vay vốn, với dư nợ khoảng 254 tỷ đồng, chiếm 64,5% vốn vay ưu đãi làm nhà ở theo chỉ tiêu Ngân hàng chính sách giao cho 57 địa phương.
- Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề: đến nay đã có 88/95 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng gần 200.000 sinh viên; 07 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 82%.
- Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp: đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án, với quy mô khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu m2, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỷ đồng . Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng .
Tính đến hết tháng 12/2016, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,8 m2 sàn/người (tăng 0,8 m2 sàn/người so với năm 2015); năm 2016, cả nước phát triển thêm khoảng 0,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,3 triệu m2.
4.2. Việc tái cấu trúc thị trường bất động sản được triển khai đồng bộ, quyết liệt; thị trường bất động sản tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định.
Bộ đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, tổng hợp, đánh giá tình hình thị trường bất động sản, kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh trong ngắn hạn. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng hệ thống công cụ để điều tiết, kiểm soát, bình ổn thị trường bất động sản trong dài hạn; triển khai xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.
Kiên trì thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án bất động sản theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Trong năm 2016, thị trường bất động sản tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố: (i) giá cả ổn định ; (ii) thanh khoản duy trì ở mức khá cả về số lượng và giá trị giao dịch ; (iii) Cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và xã hội , hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường ; (iv) tồn kho bất động sản giảm mạnh , tính đến 20/11/2016 đã giảm 75,23% so với quý I/2013; (v) tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng khá, tính đến 30/9/2016 đạt dư nợ 426.181 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2015; (vi) tốc độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng tăng mạnh, tính đến hết tháng 11/2016 đã giải ngân 28.979 tỷ đồng (đạt 96,6%), dư nợ là 24.193 tỷ đồng, đối với 51 dự án và khoảng 56.000 hộ gia đình, cá nhân.
Các chủ thể tham gia thị trường bất động sản ngày càng mở rộng và phát triển theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Nhiều doanh nghiệp đã định hình và từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trong từng lĩnh vực hoạt động, loại hình, phân khúc sản phẩm, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang phát triển các dự án nhà ở xã hội .
Việc rà soát, phân loại các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở tiếp tục được triển khai thực hiện; theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 9/2016 có 4.146 dự án phát triển đô thị, nhà ở đã được quy hoạch và cấp phép đầu tư . Qua rà soát, bước đầu đã phân loại 3.208 dự án (chiếm 77,37%) được tiếp tục triển khai ; 396 dự án (chiếm 9,55%) tạm dừng triển khai ; 542 dự án khác (chiếm 13,07%) các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu báo cáo bổ sung.
5. Lĩnh vực quản lý phát triển vật liệu xây dựng
Tăng cường quản lý phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy hoạch, bám sát nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, duy trì sự ổn định thị trường xi măng và các vật liệu xây dựng chủ yếu, tiếp tục đẩy mạnh phát triển vật liệu xây không nung.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về quản lý vật liệu xây dựng, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh để quản lý, kiểm soát phát triển vật liệu xây dựng; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và quản lý thực hiện các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chủ yếu . Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức lập và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng .
Sản xuất, tiêu thụ xi măng và các loại vật liệu xây dựng chủ yếu (gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vôi công nghiệp) đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu, duy trì bình ổn về thị trường và giá cả:
- Tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ năm 2016 ước đạt khoảng 75,21 triệu tấn, đạt 102% kế hoạch, tăng 3,5% so với năm 2015; trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 59,92 triệu tấn (tăng 6,2% so với năm 2015), xuất khẩu khoảng 15,29 triệu tấn (giảm 5,9% so với năm 2015). Cả nước hiện có 78 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay vận hành với tổng công suất là 86,16 triệu tấn.
- Tổng sản lượng gạch ốp lát cả nước sản xuất ước đạt 520 triệu m2, tăng 18% so với năm 2015; kính xây dựng ước đạt 167 triệu m2, tăng 32% so với năm 2015; sứ xây dựng ước đạt 12,93 triệu sản phẩm, tăng 6% so với năm 2015. Cả nước có 10 cơ sở sản xuất vôi công nghiệp (gồm 16 lò nung) với công suất 1.558.000 tấn/năm ; 720 lò vôi thủ công với công suất 2.140.000 tấn/năm .
Chương trình phát triển vật liệu xây không nung được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường . Bộ đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng”.
6. Công tác cải cách hành chính
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Bộ đã ban hành kế hoạch kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết chuyên đề, chương trình tổng thể của Chính phủ về cải cách hành chính, phân cấp quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử .
Thực hiện triệt để phân cấp quản lý nhà nước trong công tác cấp giấy phép xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế xây dựng thông qua việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, được các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao .
Rà soát, chuẩn hóa, công bố công khai các thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ , theo đó số lượng TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng theo các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và sau khi thực hiện việc chuẩn hóa đã giảm đi đáng kể, từ 93 thủ tục xuống còn 46 thủ tục . Trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; Bộ ban hành 02 Thông tư bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và các luật quản lý xây dựng chuyên ngành.
Chủ động đề xuất cải cách TTHC về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng theo hướng: mở rộng đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng , rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng công trình từ 30 ngày xuống còn 20 ngày, đơn giản hóa điều kiện và hồ sơ cấp giấy phép xây dựng .
Công tác cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thường xuyên, liên tục theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 62/2013/NĐ-CP, trong đó đã bổ sung, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, khắc phục tình trạng bỏ sót hoặc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ đối với các Bộ, ngành khác; trình Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, Danh mục các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Xây dựng quản lý; ban hành Thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Xây dựng.
Công tác cải cách tài chính công được thực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu quả. Bộ đã thực hiện cơ chế giao khoán biên chế và kinh phí đối với tất cả các cơ quan hành chính; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, thông qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, tiết kiệm chi phí hoạt động thường xuyên, tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp, tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về chi phí thường xuyên và đầu tư.
Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử, trong đó trọng tâm là: (i) đầu tư cải tạo, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở dữ liệu thông tin để hiện đại hóa công sở cơ quan Bộ Xây dựng; (ii) hoàn thành việc kết nối hệ thống văn bản quản lý điều hành với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương; (iii) hoàn thành việc xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với một số TTHC ngành Xây dựng ; (iv) xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê ngành Xây dựng, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, hệ thống công khai thông tin quy hoạch trên phạm vi toàn quốc; (v) áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO trong hoạt động của cơ quan Bộ.
Tăng cường quản lý, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng. Cụ thể:
(i) Văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: trong năm 2016, Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo 14 đề án, văn bản; đến nay đã trình 11 văn bản, đề án (đạt gần 80%), đang gấp rút hoàn thiện để trình 01 văn bản , đề xuất điều chỉnh tiến độ trình 01 đề án và rút khỏi chương trình 01 văn bản .
(ii) Các nhiệm vụ được giao trên mạng cơ sở dữ liệu theo dõi của Văn phòng Chính phủ: 182 nhiệm vụ; đã hoàn thành 143 nhiệm vụ, đang thực hiện 39 nhiệm vụ (trong đó trong hạn là 37 nhiệm vụ, quá hạn là 02 nhiệm vụ);
(iii) Các nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết của Chính phủ: có 106 nhiệm vụ, đều đã hoàn thành bảo đảm tiến độ.
(iv) Các nhiệm vụ được giao tại các Thông báo kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ: có 48 nhiệm vụ; đã hoàn thành 33 nhiệm vụ, đang thực hiện 15 nhiệm vụ trong hạn, không có nhiệm vụ quá hạn.
Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, trong năm 2016, Bộ Xây dựng đã thực hiện kết nối, tiếp nhận, xử lý trả lời trên 100 lượt câu hỏi của người dân thông qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
7. Công tác quản lý phát triển doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp
7.1. Môi trường sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng tiếp tục được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng sản xuất khá cao. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc.
Môi trường sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng năm 2016 tiếp tục được cải thiện: mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm dần, giá vật liệu xây dựng ổn định, thị trường bất động sản duy trì sự tăng trưởng, nhu cầu về đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà ở còn lớn... đã tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, nhất là khối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng...
Tại thời điểm 01/01/2016, tổng số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng (bao gồm: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, tư vấn xây dựng và kinh doanh bất động sản) khoảng 86.710 doanh nghiệp, tăng 8.960 doanh nghiệp (tăng 11,52% so với thời điểm 01/01/2015) .
Giá trị sản xuất ngành Xây dựng năm 2016 (chưa bao gồm sản xuất VLXD) theo giá hiện hành ước đạt 1.089,3 nghìn tỷ đồng (tăng 10,4% so với năm 2015), bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 83,3 nghìn tỷ đồng (tăng 2,6%), chiếm 7,7%; khu vực ngoài Nhà nước 952,4 nghìn tỷ đồng (tăng 12,7%), chiếm 87,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 53,6 nghìn tỷ đồng (giảm 11,9%), chiếm 4,9%. Trong tổng giá trị sản xuất: công trình nhà ở đạt 428,6 nghìn tỷ đồng (tăng 14,1%); công trình nhà không để ở đạt 188,1 nghìn tỷ đồng (giảm 1,8%); công trình kỹ thuật dân dụng đạt 344,3 nghìn tỷ đồng (tăng 12,7%), hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 128,3 nghìn tỷ đồng (tăng 12,1%).
Giá trị sản xuất xây dựng năm 2016 theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 862,5 nghìn tỷ đồng (tăng 10,1% so với năm 2015), bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 66,9 nghìn tỷ đồng (tăng 1,7%); khu vực ngoài Nhà nước đạt 752,1 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,4 nghìn tỷ đồng (giảm 10,9%). Trong tổng giá trị sản xuất: công trình nhà ở đạt 336,7 nghìn tỷ đồng (tăng 13,6%); công trình nhà không để ở đạt 149,1 nghìn tỷ đồng (giảm 2,5%); công trình kỹ thuật dân dụng đạt 272,9 nghìn tỷ đồng (tăng 13,1%), hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 103,6 nghìn tỷ đồng (tăng 11,8%).
Giá trị tăng thêm ngành Xây dựng theo giá so sánh năm 2016 ước đạt 189,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 6,19% GDP cả nước (năm 2015 chiếm 5,97% GDP).
7.2. Các Tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn tại các khoản đầu tư ngoài ngành
Đến hết năm 2016, Bộ đã cơ bản hoàn thành cổ phần hóa thêm 05 Tổng công ty (LILAMA, CC1, FiCO, VNCC và COMA), nâng tổng số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là 12/16 Tổng công ty ; hiện đang tiến hành cổ phần hóa 04 Tổng công ty còn lại , dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017, trong đó đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp, đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Tổng công ty HUD, Tổng công ty IDICO. Đã hoàn thành quyết toán bàn giao vốn từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần đối với 03 Tổng công ty , đang tiếp tục triển khai đối với 09 Tổng công ty đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Công tác thoái vốn được thực hiện nghiêm túc theo danh mục đã được phê duyệt. Trong năm, các Tổng công ty đã tiến hành thoái vốn thành công 17 danh mục với tổng giá trị 1.299 tỷ đồng, giá trị thu về 1.351 tỷ đồng, bằng khoảng 104% giá trị đầu tư; tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng 04 Công ty mẹ Tổng công ty (gồm VNCC, COMA, CC1, FICO) với giá trị vốn nhà nước chào bán thành công 1.004,9 tỷ đồng, thu về 1.128,2 tỷ đồng, bằng khoảng 112,3% theo giá trị chào bán . Tổng số tiền thu được từ cổ phần hóa 1.770,8 tỷ đồng, chuyển về Quỹ Hỗ trợ, sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp 1.196 tỷ đồng .
Công tác tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Các Tổng công ty đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; hoàn thành 100% việc phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động; xây dựng và ban hành Quy chế tài chính, quy chế quản lý nợ, Quy chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của viên chức quản lý, Quy chế kiểm soát viên, Quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền.
Tổng giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng ước đạt 157.896 tỷ đồng, đạt kế hoạch và bằng 104% so với cùng kỳ năm 2015 ; Tổng giá trị đầu tư ước đạt 18.305 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ; Doanh thu ước đạt 143.874 tỷ đồng, bằng 107,6% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.368 tỷ đồng, bằng 106,4% so với cùng kỳ; Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt trung bình 9,52%; Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt trung bình 3,73%.
Nhìn chung hoạt động kinh doanh, đầu tư của các Tổng công ty vẫn duy trì được sự ổn định, có hiệu quả, các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2016 cơ bản hoàn thành, đảm bảo tốc độ tăng trưởng so với năm 2015. Trong đó, một số đơn vị hoàn thành tốt kế hoạch như Vicem, Viglacera, DIC; một số đơn vị đẩy mạnh hoạt động đầu tư, với nhiều dự án được khởi công mới ; một số dự án hoàn thành, đưa vào khai thác hiệu quả ; tình hình tài chính hầu hết các Công ty mẹ lành mạnh, ổn định.
7.3. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tiếp tục triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ đều đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện cơ chế đặt hàng, giao khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ; đang tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng quản lý tài sản để tiến tới giao tài sản cho các đơn vị quản lý theo cơ chế như doanh nghiệp.
Các đơn vị khối đào tạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên môn, công nhân kỹ thuật ngành Xây dựng. Trong năm 2016, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã tổ chức được 273 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng với số lượng trên 17 nghìn học viên, vượt kế hoạch đề ra , trong đó riêng lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn các cấp theo Đề án 1961 đã thực hiện được 46 lớp với 1.673 học viên; các trường đào tạo khác thuộc Bộ đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo 56.782 chỉ tiêu học sinh, sinh viên theo các cấp học .
Các Viện nghiên cứu khoa học đã tổ chức thực hiện 275 nhiệm vụ, dự án, đề tài khoa học công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước và sự phát triển ngành Xây dựng như: Soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật; biên soạn tiêu chuẩn, quy chuẩn; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá; lập các đồ án quy hoạch ; triển khai các chương trình, dự án khoa học công nghệ trọng điểm, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của Ngành ... Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, để thực hiện cơ chế tự chủ. Năm 2016 giá trị sản xuất kinh doanh của các Viện đạt 836,9 tỷ đồng, đạt 116,3% kế hoạch .
Các đơn vị thuộc khối y tế đã thực hiện tốt chức năng y tế dự phòng, tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện lao động, phân loại sức khoẻ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân viên chức, người lao động trong Ngành; đồng thời tham gia khám chữa bệnh cho nhân dân, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, kết quả đều đạt và vượt kế hoạch năm 2016. Bệnh viện Xây dựng đã chủ động mở các lớp tập huấn về chuyên môn y tế, y học lao động tại các công trình trọng điểm, đồng thời chủ trì việc bổ túc nghiệp vụ quản lý sức khoẻ đối với cán bộ y tế tại các đơn vị thuộc Bộ. Các Trung tâm Điều dưỡng, phục hồi chức năng thực hiện tốt công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ công nhân viên trong Ngành.
Các đơn vị sự nghiệp thông tin đã thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, cơ chế chính sách quản lý nhà nước, thông tin về các hoạt động của ngành Xây dựng và các đơn vị trong Ngành; Trung tâm Thông tin tích cực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ trưởng.
8. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Công tác thanh tra chuyên ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2016, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 92 đoàn thanh tra trên tất các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (đạt 110% kế hoạch), ban hành 88 kết luận thanh tra. Qua hoạt động thanh tra, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; phát hiện nhiều trường hợp sai sót, vi phạm ; kiến nghị xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân có sai phạm ; kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 3.191 tỷ đồng (chiếm 3,81% tổng mức đầu tư các dự án được thanh tra); yêu cầu nộp bổ sung số tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân 23,7 tỷ đồng; nộp cổ tức về Tổng công ty và quỹ sắp xếp doanh nghiệp 1.443 tỷ đồng; tiến hành xử phạt 34 tổ chức với tổng số tiền 6,2 tỷ đồng.
Thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo. Năm 2016, Lãnh đạo Bộ và Thanh tra Bộ đã thực hiện 370 lượt tiếp công dân với 517 lượt người, liên quan đến 145 vụ việc ; tiếp nhận 511 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo ; thành lập 04 đoàn kiểm tra giải quyết khiếu nại về nhà đất; ban hành 215 văn bản giải quyết, xử lý khiếu nại, tố cáo .
9. Phát triển khoa học công nghệ
Đã xây dựng Đề án đổi mới, điều chỉnh bổ sung hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng theo hướng đồng bộ, hội nhập, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ xây dựng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý . Ban hành theo thẩm quyền Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật (QCVN 07:2016/BXD), đang nghiên cứu, rà soát 06 Quy chuẩn khác ; tổ chức thẩm định, công bố 96 Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) trong các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng .
Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý các nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, sự nghiệp kinh tế do Bộ quản lý. Triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng, trong đó trọng tâm là nghiên cứu chiến lược, chính sách vĩ mô phục vụ quản lý nhà nước; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề lớn của Ngành và các vấn đề bức thiết của xã hội .
10. Công tác hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế
Thực hiện tốt vai trò điều phối các Ủy ban liên chính phủ (UBLCP) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch phân ban với các nước Cuba, Angieri và Libi. Chủ động rà soát pháp luật, đánh giá tác động, đề xuất các giải pháp chủ động hội nhập của ngành Xây dựng khi các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà Việt Nam tham gia có hiệu lực thi hành.
Quản lý thực hiện và điều phối hiệu quả các chương trình, dự án ODA của ngành Xây dựng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công; duy trì mối quan hệ tốt với các nhà tài trợ như WB, ADB, JICA, KOICA, USAID, OECD để vận động hỗ trợ cho các dự án liên quan đến phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội... hiện đang cần hỗ trợ nguồn vốn và công nghệ để triển khai thực hiện.
11. Công tác thi đua khen thưởng
Ngay từ đầu năm, Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ đã phát động thi đua trong toàn Ngành nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Trong năm 2016, các đơn vị trong Ngành đã tổ chức 448 đợt, chiến dịch thi đua trên mọi lĩnh vực công tác, các phong trào thi đua được tổ chức sâu rộng, bám sát thực tiễn, gắn với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và các cơ quan, đơn vị trong Ngành. Nhiều phong trào thi đua tại các công trình trọng điểm quốc gia đã có tác động sâu sắc, lan tỏa rộng rãi trong toàn Ngành.
Đã có trên 6.500 tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý như: Huân chương các loại: 08 tập thể, 67 cá nhân; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc: 01 cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 09 tập thể, 78 cá nhân; Cờ thi đua của Chính phủ: 36 tập thể; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng: 2.593 tập thể, cá nhân; Danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc: 1.040 tập thể; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Xây dựng: 789 cá nhân; kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng”: 1.730 cá nhân; cờ thi đua của Bộ Xây dựng: 165 tập thể.
12. Tình hình triển khai các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước
Các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước được triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ và tốc độ giải ngân.
Trong kế hoạch ngân sách năm 2016, Bộ Xây dựng được giao quản lý 927,9 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện 34 dự án, trong đó: Có 02 dự án trọng điểm , Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, được phân bổ 490 tỷ đồng; có 32 dự án theo ngành, lĩnh vực do các đơn vị thuộc Bộ làm chủ đầu tư , được phân bổ 437,9 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho đầu tư mới cơ sở vật chất của các đơn vị sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế.
Đến nay, các dự án đều được triển khai đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng, tiến độ thực hiện cơ bản theo đúng kế hoạch, kết quả giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn; trong năm đã có 14 dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng hiệu quả.
Đồng thời, trong năm Bộ đã tổ chức quản lý thực hiện và điều phối 18 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi với tổng vốn ODA là 936,8 triệu USD, gồm 15 dự án hỗ trợ kỹ thuật và 03 dự án đầu tư .
Bộ đã hoàn thành việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017 theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công. Dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2.105,5 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 1.677,9 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 427,6 tỷ đồng, dự kiến phân bổ cho 44 dự án.
Công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư tiếp tục được tập trung thực hiện và có những chuyển biến tích cực. Qua kiểm tra cho thấy các chủ đầu tư, nhà thầu đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện các dự án, công trình có tiến độ khá nhanh, chất lượng thi công cơ bản đáp ứng yêu cầu thiết kế. Tuy nhiên, còn một số ít dự án chậm tiến độ, chất lượng thi công chưa cao do trình độ, năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế; công tác quản lý hồ sơ chất lượng công trình, giám sát thi công còn bất cập, tư vấn lập dự án, thiết kế còn sai sót, quá trình thi công phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế.
IV. MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm so với tiến độ, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thi hành các luật chuyên ngành.
2. Chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp, tập trung chủ yếu ở công trình có quy mô nhỏ, hoặc các công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách do tư nhân quản lý; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, công bố một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật còn chậm. Ở một số địa phương, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng chưa giảm; việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm túc.
3. Công tác lập, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại một số đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ; công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị còn hạn chế; tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gây lãng phí lớn và giảm chất lượng phát triển đô thị.
4. Thị trường bất động sản phát triển chưa thực sự bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro; đã xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu ở một số phân khúc sản phẩm, có biểu hiện dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng… trong khi nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá trung bình và thấp còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu; lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn (đến hết tháng 11/2016 còn khoảng 31.842 tỷ đồng), chủ yếu tồn kho tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ, thiếu các dịch vụ thiết yếu.
5. Công tác phát triển nhà ở xã hội tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn chậm so với kế hoạch; chưa huy động được nhiều thành phần kinh tế và nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
6. Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại một số địa phương triển khai chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.
7. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại một số Tổng công ty thuộc Bộ còn chậm so với kế hoạch.
8. Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ đã có nhiều đổi mới tích cực, tuy nhiên một số nhiệm vụ quản lý nhà nước triển khai còn chậm; một số Sở Xây dựng chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê ngành Xây dựng theo quy định, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên đó là:
- Một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm do có nhiều nội dung đổi mới, phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều đối tượng, trong đó có những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần có thời gian để lấy ý kiến, tiếp thu, hoàn chỉnh.
- Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình xây dựng thấp, vi phạm trật tự xây dựng là do thiếu vai trò, trách nhiệm quản lý, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, do hạn chế về năng lực hoặc thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu.
- Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong triển khai công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; kinh phí dành cho công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa đa dạng hóa, xã hội hóa được các nguồn lực để thực hiện; nhiều địa phương còn biểu hiện dễ dãi trong việc điều chỉnh quy hoạch, rà soát và cấp phép đầu tư các dự án bất động sản.
- Nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế dẫn đến việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của pháp luật nhà ở thực hiện chưa kịp thời, dứt điểm. Bên cạnh đó, chưa có đủ cơ chế chính sách cần thiết để thu hút các nguồn lực xã hội, tạo nguồn vốn ổn định cho thị trường bất động sản; thông tin thị trường chưa đầy đủ, minh bạch; việc khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn khó khăn do lợi nhuận thấp, chưa đủ quỹ đất sạch và thuận lợi về vị trí.
- Thị trường vật liệu xây không nung chưa phát triển mạnh do chất lượng chưa cao, chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, quy trình kỹ thuật sử dụng chưa hoàn thiện, nhiều chủ đầu tư vẫn có thói quen sử dụng liệu xây truyền thống.
- Một số Tổng công ty thực hiện cổ phần hóa chậm do nguyên nhân khách quan doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, nên việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn vướng mắc, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chính, do chưa quyết liệt, chủ động.
- Biên chế công chức cơ quan Bộ còn thiếu so với nhu cầu; năng lực, tinh thần trách nhiệm, khả năng nắm bắt, phản ứng chính sách của một số cán bộ, công chức còn hạn chế.
B. CHỈ TIÊU CHỦ YẾU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2017
I. CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH CHỦ YẾU NĂM 2017
- Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành (theo giá hiện hành) tăng khoảng 10% so với năm 2016.
- Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5%.
- Tỷ lệ quy hoạch vùng tỉnh đạt 100%, quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 78%, quy hoạch chi tiết 1/500 đạt khoảng trên 38%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%.
- Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 84-85%.
- Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống còn 23%.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 85,5-86%.
- Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2 sàn/người.
- Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ dự kiến khoảng 78-80 triệu tấn.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng tham mưu về hoàn thiện thể chế, kịp thời tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động và nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng
- Xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017, trong đó trọng tâm là xây dựng dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và tác động của luật pháp, chính sách mới được ban hành, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
2. Về quản lý đầu tư xây dựng
- Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn; nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
- Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng công trình, an toàn trong thi công xây dựng; hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị theo Chỉ thị số 05/2016/CT-TTg ngày 15/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ; kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình trọng điểm.
- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án “Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và giá trong lĩnh vực xây dựng”; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với công nghệ mới, vật liệu mới, đáp ứng yêu cầu quản lý và hội nhập quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu về giá xây dựng, thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng trên phạm vi cả nước.
- Nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên môn về xây dựng và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc thành lập, sắp xếp lại các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành theo quy định của Luật Xây dựng.
- Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt công trình Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân đối với các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2017; tập trung quyết toán vốn đầu tư đối với các công trình, dự án hoàn thành.
3. Về quy hoạch, kiến trúc
- Hoàn thành việc lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù cấp quốc gia, các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp vùng.
- Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, làm cơ sở để quản lý trật tự xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn. Triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, kiến trúc.
- Tổ chức kiểm tra, rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, nhất là tại các thành phố lớn; chủ trì phối hợp với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là việc quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng các khu đô thị mới, chung cư cao tầng.
- Nghiên cứu các mô hình kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, nhà ở ứng phó với biến đổi khí hậu; các mẫu kiến trúc nhà ở, công trình công cộng khu vực nông thôn phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đặc điểm của từng địa phương.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung bảo vệ môi trường trong các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực xây dựng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Về phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật
- Nghiên cứu, xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và các công cụ để quản lý, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất điều chỉnh các định hướng, chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2020-2030.
- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch theo đúng quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án cấp quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các địa phương trong việc huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến dịch vụ tiện ích đô thị; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, dịch vụ nghĩa trang và hỏa táng, giá nước sạch.
5. Về quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản
- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh”; kiên trì thực hiện các giải pháp kiểm soát sự phát triển của thị trường bất động sản theo quy hoạch và kế hoạch; tổ chức kiểm tra một số dự án bất động sản cao cấp có quy mô lớn, chiếm nhiều diện tích đất tại các địa phương.
- Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa bất động sản nhà ở; đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội cho thuê.
- Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trọng điểm ; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội theo quy định.
- Đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ xuống cấp, gây nguy hiểm, quá hạn sử dụng tại các đô thị, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản trên phạm vi toàn quốc; kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung của các địa phương.
- Triển khai xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá bán thấp.
6. Về quản lý phát triển vật liệu xây dựng
- Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu, Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng, Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của các địa phương.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng, nhất là xi măng và các vật liệu xây dựng chủ yếu, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
- Tổ chức sơ kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; thực hiện đúng lộ trình xóa bỏ lò gạch, lò vôi thủ công tại các địa phương.
7. Về thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng
- Tổ chức triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017, trong đó tập trung vào việc thanh tra trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và việc chấp hành chính sách, pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, nhất là trong việc xây dựng, quản lý quy hoạch đô thị, phát triển bất động sản; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.
- Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế tối đa tồn đọng, kéo dài, nhất là khiếu nại trong lĩnh vực nhà, đất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hành chính và công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; triển khai xây dựng Đề án phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
8. Về quản lý, phát triển doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ
- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng, trọng tâm là hoàn thành công tác cổ phần hóa 04 Tổng công ty thuộc Bộ và tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại các Tổng công ty theo lộ trình hợp lý ; xây dựng các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Ngành.
- Xây dựng phương án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Tổ chức triển khai Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Xây dựng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, giao quản lý tài sản đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015; thực hiện hạch toán như doanh nghiệp đối với các đơn vị công lập có đủ điều kiện; rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ đủ điều kiện chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định.
9. Về khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế
- Nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành Xây dựng; tập trung thực hiện các Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ đã được phê duyệt. Đổi mới cơ chế, phương thức thực hiện các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng cụ thể, thiết thực, lượng hóa được kết quả, đẩy mạnh đặt hàng nghiên cứu khoa học.
- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, công chức, viên chức ngành Xây dựng. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo các cấp bậc nghề nghiệp, ưu tiên đầu tư hình thành mạng lưới các trường đào tạo nghề chất lượng cao, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.
- Chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình cam kết của Chính phủ và của Ngành; mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tìm kiếm cơ hội, mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Tích cực vận động tài trợ ODA và vốn vay ưu đãi cho các dự án, chương trình thuộc các lĩnh vực ưu tiên của ngành Xây dựng như: các chương trình phát triển nhà ở xã hội, cấp thoát nước, quản lý chất thải rắn đô thị, chương trình phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Rà soát, bổ sung nhiệm vụ hợp tác quốc tế của Bộ Xây dựng với các tổ chức quốc tế và một số nước trong giai đoạn 2017-2020.
III. MỘT SỐ NHÓM GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHỦ YẾU
1. Tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trong Ngành; rà soát điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ; nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành Xây dựng, bảo đảm đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thực hiện các TTHC.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử; triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trong các lĩnh vực: cấp giấy phép xây dựng; cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề xây dựng, chứng chỉ môi giới bất động sản; đăng ký và công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Rà soát, xây dựng và công bố công khai các TTHC, quy chế, quy trình giải quyết công việc; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy dân chủ, nguyên tắc tập trung dân chủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoàn thành nhiệm vụ.
- Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ theo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng sau khi được Chính phủ ban hành.
- Phối hợp với Bộ Nội vụ để rà soát, hướng dẫn thực hiện về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn giúp UBND các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng.
2. Chủ động, tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ.
3. Đổi mới cách thức và thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ và đề xuất tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các địa phương, đơn vị liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành. Duy trì và nâng cao hiệu quả các hình thức giao ban, trao đổi giữa Bộ với các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc các địa phương.
Trên đây là Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 của Ngành Xây dựng./.
Trung tâm Thông tin.
Nguồn: Báo cáo tổng kết 2016/BC - BXD.