Công điện về việc khắc phục các thiệt hại do cơn bão Mirinae gây ra và các biện pháp phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trước ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới tiếp theo

Thứ hai, 01/08/2016 15:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 01/8/2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Công điện số 1588/CĐ-BXD gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ; Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ về việc khắc phục các thiệt hại do cơn bão Mirinae gây ra và các biện pháp phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trước ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới tiếp theo.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời thiết diễn biến phức tạp, bất thường. Cụ thể, đêm 27/7/2016 bão số 1 (tên quốc tế là Mirinae) đã đổ bộ vào đất liền với tâm bão là các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, cấp bão mạnh hơn dự báo, đây là cơn bão có đường đi phức tạp, liên tục thay đổi hướng di chuyển trước khi đổ bộ vào đất liền, gây thiệt hại cho người và tài sản. Bão đã làm sập đổ, hư hỏng và tốc mái nhiều nhà cửa, công trình xây dựng, cột điện trung và hạ thế, cây xanh; nhiều tàu thuyền bị nhấn chìm… Nguyên nhân gây thiệt hại nêu trên chủ yếu do ảnh hưởng của cơn bão với cường độ lớn (gió giật cấp 10-13), di chuyển chậm nên có sức tàn phá rất mạnh; nhiều hạng mục công trình, công trình xây dựng qua thời gian dài sử dụng chưa được bảo trì theo quy định nên đã xuống cấp và hư hỏng hoặc nhà ở của người dân chưa được thực hiện sửa chữa, gia cường đảm bảo khả năng chống được gió, bão.

Trước thực trạng trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1314/CĐ-TTg ngày 27/7/2016 về việc ứng phó với cơn bão số 1 năm 2016, Bộ Xây dựng đề nghị:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 1 (Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình) chủ động tổ chức khắc phục các hư hỏng đối với công trình xây dựng, đánh giá mức độ hư hỏng và có giải pháp xử lý phù hợp để đảm bảo an toàn cho người dân, công trình. Đối với các công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ phải có biện pháp sơ tán người và tài sản đến các công trình kiên cố, an toàn, tổ chức phá dỡ các công trình có nguy cơ sập đổ trong trường hợp cần thiết. Tổ chức đánh giá chất lượng của cột điện bê tông cốt thép đã bị gãy, đổ do ảnh hưởng của cơn bão so với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn áp dụng để có các giải pháp điều chỉnh thiết kế, lắp dựng cột điện bê tông cốt thép ở khu vực chịu ảnh hưởng của gió, bão mạnh.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ lồng ghép các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, công trình xây dựng trong kế hoạch phòng chống thiên tai của địa phương, cụ thể như sau: 

a) Đối với các công trình xây dựng đang khai thác, sử dụng, yêu cầu các chủ sở hữu, người quản lý khai thác sử dụng công trình thực hiện tổ chức kiểm tra, rà soát kịp thời phát hiện các khiếm khuyết của công trình để xử lý kịp thời. Đặc biệt lưu ý đối với một số công trình sau:

Các công trình xây dựng có sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cố (nếu cần) trước mùa mưa, bão.

Các công trình kết cấu thép dạng tháp, phải được kiểm tra, đánh giá và gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn; tháo dỡ các thiết bị, bộ phận treo trên cao không đảm bảo an toàn khi có mưa bão.

Các công trình hạ tầng kỹ thuật: kiểm tra, nạo vét hệ thống tiêu thoát nước chính tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập ứng cục bộ khi có mưa, bão; kiểm tra và có biện pháp xử lý an toàn cho cột điện bê tông cốt thép có nguy cơ gây mất an toàn khi có gió, bão.

Đối với nhà ở riêng lẻ: tổ chức kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn về nhà ở, lập danh sách và phân loại nhà bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại văn bản số 1145/BXD-KHCN ngày 28/5/2015 về việc hướng dẫn nhà an toàn theo các cấp bão để tuyên truyền, hỗ trợ, yêu cầu người dân thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn cho người dân, nhà ở trong mùa mưa, bão; tài liệu “hướng dẫn kỹ thuật xây dựng phòng và giảm thiểu thiệt hại do bão cho nhà ở” tham khảo trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng tại địa chỉ http://www.moc.gov.vn/vi/web/guest/thong-tin-tu-lieu.

b) Đối với công trình đang thi công xây dựng: cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, bản thân công trình và công trình lân cận; có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị thi công trên cao khác trước khi có gió, bão.

c) Đối với các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực có khả năng xẩy ra lũ quét, cần có đánh giá, cảnh báo cho nhân dân khi có mưa lũ; triển khai sơ tán người dân đến các địa điểm có công trình xây dựng kiên cố, an toàn khi cần thiết.

d) Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị bền vững, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu theo các giải pháp đã được Bộ Xây dựng ban hành tại văn bản số 2078/BXD-GĐ ngày 11/9/2015; yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về tính toán kết cấu, cấu tạo phòng chống gió bão, tần suất lũ trong công tác thiết kế, thi công xây dựng đảm bảo đủ điều kiện chống được gió, bão, lũ lụt trong giới hạn tính toán theo thiết kế của từng khu vực./.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công điện 1588/CĐ-BXD.

Tài liệu đính kèm bài viết
BXD_1588-CD-BXD_01082016.docTải về
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)