Sau đây là một số công việc cụ thể Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016:
1.1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành: Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2016, trong 4 tháng đầu năm 2016 Bộ Xây dựng đã triển khai được một số nội dung sau:
- Đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 văn bản (gồm 02 Nghị định, 02 Quyết định, 01 Chỉ thị).
- Tiếp tục hoàn thiện 04 văn bản QPPL đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (01 Nghị quyết, 01 Nghị định, 02 Quyết định).
- Đã ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng: (1) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật; (2) Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư; (3) Xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng; (4) Lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; (5) Điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng; (6) Một số nội dung về hợp đồng tư vấn xây dựng; (7) Hợp đồng thi công xây dựng công trình; (8) Cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng; (9) quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng;...
1.2. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật:
Tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng trên cả nước, đặc biệt là đối với các công trình, dự án sử dụng vốn nhà nước; trong tháng 4/2016, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã thực hiện kiểm tra tại 07 công trình trong kế hoạch và kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng tại 19 công trình của một số Bộ, ngành và địa phương. Kịp thời xử lý và chỉ đạo xử lý sự cố tai nạn lao động sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 62 Nguyễn Huy Tưởng, thành phố Hà Nội; tham gia đánh giá, cho ý kiến đối với công tác lập, thẩm định dự án và lựa chọn nhà thầu tại dự án xây dựng mới đường ống cấp nước Sông Đà số 2 theo yêu cầu của Chính phủ.
Tiếp tục triển khai công tác cấp phép xây dựng theo hướng đẩy mạnh công khai minh bạch, đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến công tác cấp giấy phép xây dựng; tiếp tục quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam; trong 4 tháng đầu năm 2016, đã thực hiện cấp 50 giấy phép cho nhà thầu nước ngoài.
Triển khai công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014, Bộ đã thực hiện thẩm định 26 dự án trên tổng số 37 dự án trình thẩm định thiết kế cơ sở, 14 dự án trên tổng số 39 dự án trình thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, 22 công trình trên tổng số 23 công trình trình thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, 01 dự án trên tổng số 01 dự án trình thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng.
Tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu xử lý các tình huống vướng mắc trong quản lý các dự án, quản lý hợp đồng xây dựng, điều chỉnh tổng mức đầu tư; hướng dẫn, xử lý các vướng mắc do biến động giá. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, dự báo về tình hình thị trường xây dựng theo từng quý, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, điều tiết và thúc đẩy sự phát triển bền vững các loại thị trường và hoàn thiện chiến lược phát triển và các cơ chế chính sách về kinh tế và thị trường ngành xây dựng.
1.3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới:
Trong 4 tháng đầu năm 2016, đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04 Đồ án quy hoạch ; Góp ý điều chỉnh 07 Đồ án quy hoạch; Tổ chức thẩm định nhiệm vụ 05 quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh, thẩm định 01 Đồ án quy hoạch chung đô thị. Tiếp tục đôn đốc thực hiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Cần Thơ, trong đó đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến 13 tỉnh trong Vùng. Tổ chức thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng 05 tỉnh (Điện Biên, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Đăk Nông, Lâm Đồng).
Tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến về các Đồ án quy hoạch, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, Quy hoạch xây dựng đô thị tại các đô thị trên cả nước, các công trình kiến trúc trọng điểm, các dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn và có yêu cầu đặc biệt tại các địa phương.
Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; chỉ đạo rà soát nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục xây dựng Điều chỉnh Định hướng Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, Hệ thống dữ liệu quốc gia về Quy chế Quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị.
1.4. Phát triển đô thị theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội; tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch:
Tiếp tục triển khai thực hiện quản lý đầu tư phát triển đô thị theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn; tiếp tục hướng dẫn các địa phương thành lập các Khu vực phát triển đô thị và các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị; tiếp tục cho ý kiến về chủ trương chấp thuận đầu tư và chuyển quyền sử dụng đất đối với khu vực đã đầu tư hạ tầng tại các dự án phát triển đô thị trong cả nước.
Tiếp tục tổ chức thẩm định công nhận loại cho các đô thị theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về Phân loại đô thị, trong 4 tháng 2016, Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định nâng loại cho 09 đô thị. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về phân loại đô thị, trong đó tập trung hoàn thành trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
Tiếp tục triển khai hoàn thành các Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật: Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tài chính đa phương ADB, WB nhằm xúc tiến đầu tư nâng cấp phát triển đô thị cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên; đề xuất vốn vay WB tài khóa 2016 – 2017 ưu tiên đầu tư nâng cấp phát triển hạ tầng đô thị vùng khó khăn khu vực Duyên hải Nam Trung trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên (cụ thể tại 07 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang) với tổng nguồn vốn vay IDA dự kiến khoảng 250 triệu USD, thời gian thực hiện 2017 – 2022.
Tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình phát triển hạ tầng, đô thị: Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, Chương trình phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, Chương trình chống thất thoát nước sạch, Chương trình quốc gia đầu tư xử lý chất thải rắn.
1.5. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng ổn định, bền vững; tập trung thực hiện các Chương trình phát triển nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội:
- Tập trung hoàn thiện khung chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản, trong đó trọng tâm là hoàn thiện để ban hành hệ thống Thông tư hướng dẫn các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được Chính phủ ban hành.
- Tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai các Chương trình phát triển nhà ở trọng điểm đạt được nhiều kết quả tích cực:
+ Chương trình nhà ở cho người có công: đã hoàn thành hỗ trợ đối với 78.456 hộ (với 43.822 hộ xây mới và 34.634 hộ sửa chữa, cải tạo), 11.029 hộ đang triển khai thực hiện (với 5.728 hộ xây mới và 5.301 hộ sửa chữa, cải tạo); hiện Bộ đang tiếp tục theo dõi và đôn đốc các địa phương thực hiện.
+ Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung: Tổng số hộ thuộc diện đối tượng hỗ trợ là 28.132 hộ. Số vốn ngân sách nhà nước tạm cấp cho việc thực hiện Chương trình đến hết năm 2015 là 233 tỷ đồng. Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ nghèo còn chậm, nhưng đến nay, các địa phương đã hỗ trợ được 9.244 hộ đạt 34% so với số đối tượng sau khi rà soát bổ sung.
+ Chương trình nhà ở sinh viên: Đến nay đã có 88/95 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng gần 200.000 sinh viên; số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 80% (phần lớn các dự án đã lấp đầy); dự kiến đến hết Quý III/2016 sẽ có thêm 02 dự án kết thúc giai đoạn xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng, đến hết năm 2016 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 05 dự án.
+ Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các Dự án đầu tư (giai đoạn 2), được Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2020: Bộ Xây dựng đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình. Dự kiến giai đoạn 2016-2020 sẽ tôn nền 86 cụm, tuyến dân cư; xây dựng 44 bờ bao khu dân cư có sẵn để đảm bảo cho các hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định cho 44.811 hộ dân; tiếp tục cho phép 11.326 hộ thuộc đối tượng giai đoạn 1 (7.824 hộ), giai đoạn 2 (dự kiến 3.502 hộ) chưa vay vốn mua nền nhà và vay vốn làm nhà ở được tiếp tục thụ hưởng chính sách giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục cho phép 13.743 hộ thuộc đối tượng giai đoạn 1 (7.824 hộ), giai đoạn 2 (dự kiến 5.919 hộ) chưa vay vốn mua nền nhà và vay vốn làm nhà ở được tiếp tục thụ hưởng chính sách giai đoạn 2016-2020.
+ Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 08/2015/TT-BXD ngày 29/12/2015 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg. Chương trình dự kiến được thực hiện từ năm 2015-2020 với phương thức hỗ trợ cho vay ưu đãi tối đa là 25 triệu đồng/hộ, thời gian vay tối đa 15 năm, 5 năm ân hạn, lãi suất 3%; với tổng số hộ nghèo thuộc đối tượng của Chương trình theo báo cáo của các địa phương là 311.215 hộ.
+ Chương trình triển khai Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp: Đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 51 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 25.850 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 9.560 tỷ đồng; Đang tiếp tục triển khai 108 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 61.290 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 31.760 tỷ đồng (bao gồm cả một số dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đã được UBND các tỉnh, thành phố chấp thuận).
+ Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: Đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng. Đang tiếp tục triển khai 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỷ đồng.
- Tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013, Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/08/2014 của Chính phủ, và các văn bản hướng dẫn khác của Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
- Thị trường bất động sản tháng 4/2016 khá ổn định: (1) Lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức ổn định; (2) Giá nhà ở có tăng nhẹ, đặc biệt là các dự án nhà ở cơ bản ổn định; (3) Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại; (4) Dư nợ tín dụng tăng.
+ Lượng giao dịch trong tháng 4/2016 vẫn duy trì ở mức ổn định: Trong tháng 4/2016, lượng giao dịch thành công khá ổn định, trong đó, lượng giao dịch trên thị trường chủ yếu từ các dự án nhà ở trung và cao cấp. Các dự án nhà ở bình dân lượng giao dịch ít hơn vì hiện tại các dự án nhà ở xã hội không còn nhiều.
+ Giá nhà ở trong tháng 4/2016 có tăng nhẹ, đặc biệt ở các dự án nhà ở khu vực Hà Nội: Tại Hà Nội, giá bán tại một số dự án nằm trong khu vực nội đô đã tăng khoảng từ 3-5% so với cùng kỳ năm trước. Tại Tp.Hồ Chí Minh, mức giá của một số dự án có vị trí thuận tiện với nhiều tiện tích và hạ tầng đầy đủ có tăng nhẹ.
+ Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại. Lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. Tính đến ngày 20/4/2016, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 41.459 tỷ đồng (so với Quý I/2013 giảm 87.089 tỷ đồng (giảm 67,75%); so với tháng 12/2013 giảm 52.999 tỷ đồng (giảm 56,11%); so với tháng 12/2014 giảm 32.430 tỷ đồng (giảm 43,89%); so với thời điểm 20/3/2016 giảm 3.398 tỷ đồng. Trong đó: Tồn kho căn hộ chung cư: 5.959 căn (tương đương 8.458 tỷ đồng); Tồn kho nhà thấp tầng: 6.179 căn (tương đương 11.509 tỷ đồng); Tồn kho đất nền nhà ở: 4.957.554 m2 (tương đương 17.625 tỷ đồng); Tồn kho đất nền thương mại: 1.343.818 m2 (tương đương 3.867 tỷ đồng).
+ Kết quả giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tính tháng 4/2016 đã tăng tăng nhẹ so với tháng trước: Tổng số tiền đã cam kết là 30.000 tỷ đồng (100%), đã giải ngân là 22.403 tỷ đồng (75%). Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân: Ký hợp đồng cam kết cho vay 49.877 hộ với số tiền là 24.227 tỷ đồng (16.252 hộ vay để mua nhà ở xã hội với số tiền là 6.780 tỷ đồng, 26.080 hộ vay để mua nhà ở thương mại với số tiền là 13.930 tỷ đồng, 7.545 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền là 3.518 tỷ). Đã giải ngân cho 49.874 với số tiền là 18.157 tỷ đồng, 16.252 hộ mua nhà ở xã hội là với số tiền là 5.031 tỷ đồng, 26.077 hộ mua nhà ở thương mại với số tiền là 10.214 tỷ đồng, 7.545 hộ vay cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền là 2.913 tỷ đồng. Đối với tổ chức: đã cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.774 tỷ đồng, đã giải ngân cho 59 dự án, dư nợ là 4.246 tỷ đồng. Để tiếp tục thực hiện giải ngân gói tín tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, Bộ cũng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam kéo dài thời hạn sau ngày 01/6/2016.
1.6. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường kiểm tra, thực hiện cân đối cung, cầu bình ổn thị trường vật liệu xây dựng:
Tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch xi măng, quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020.
Thực hiện kiểm tra tình hình quản lý vật liệu xây dựng, xử lý tro, xỉ, thạch cao, quản lý sản xuất tấm lợp amiang trên địa bàn một số tỉnh, thành phố; xây dựng chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ sản xuất nhiệt điện, phân bón hóa chất.
Các nhiệm vụ khác trong Chương trình hành động được ban hành tại Quyết định số 89/QĐ-BXD ngày 28/01/2016 của Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai theo kế hoạch, tiến độ đã đề ra.
2. Tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng
Bước sang năm 2016, ngay từ đầu năm các doanh nghiệp thuộc Bộ đã có nhiều nỗ lực, tập trung khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016 như sau:
- Giá trị sản xuất kinh doanh tháng 4 ước đạt 14.439 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 49.623 tỷ đồng, bằng 30,4% so với kế hoạch năm 2016, bằng 104,6% so với cùng kỳ năm 2015.Cụ thể như sau:
+ Giá trị xây lắp: ước thực hiện tháng 4 đạt 5.108 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm 2016 đạt 18.044 tỷ đồng, bằng 31,4% so với kế hoạch năm 2016, bằng 95,6% so với cùng kỳ năm 2015.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng (kể cả TCT CN Xi măng Việt Nam): ước thực hiện tháng 4 đạt 7.263 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm 2016 đạt 23.897 tỷ đồng, bằng 35,7% so với kế hoạch năm 2016, bằng 111,8% so với cùng kỳ năm 2015.
+ Giá trị tư vấn: ước thực hiện tháng 4 đạt 183 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm 2016 đạt 564 tỷ đồng, bằng 30,2% so kế hoạch năm 2016 và bằng 136,2% so cùng kỳ năm 2015.
+ Giá trị SXKD khác: ước thực hiện tháng 4 đạt 1.885 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm 2016 đạt 7.118 tỷ đồng, bằng 19,4% so kế hoạch năm 2016 và bằng 105,3% so cùng kỳ năm 2015.
- Nhập khẩu: ước thực hiện tháng 4 đạt 6,815 triệu USD, 4 tháng đầu năm 2016 đạt 36,893 triệu USD, bằng 9,6% so với kế hoạch năm 2016.
- Xuất khẩu: ước thực hiện tháng 4 đạt 18,329 triệu USD, 4 tháng đầu năm 2016 đạt 72,360 triệu USD, bằng 24,8% so với kế hoạch năm 2016.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Báo cáo 31/BC-BXD.