Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2014

Thứ hai, 01/06/2015 15:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 10/4, Bộ Xây dựng đã có công văn 20/BC-BXD gửi Bộ Kế hoạch về việc báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2014. Sau khi tổng hợp từ đơn vị, Bộ Xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2014 như sau:

1. Về tình hình phổ biến pháp luật về đấu thầu:

- Việc phổ biến kiến thức pháp luật về đấu thầu, cụ thể là Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 26/11/2013; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thấu về lựa chọn nhà thầu có hiệu lực ngày 15/08/2014 thay thế nghị định số 85/2009/NĐ - CP ngày 15/10/2009 và văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành đã được Bộ Xây dựng liên tục cập nhập thông qua Website của Bộ Xây dựng.

Công tác giáo dục kiến thức pháp luật về đấu thầu và nghiệp vụ đấu thầu đã được các trường đại học, cao đẳng và các Ban quản lý dự án đặc biệt quan tâm nhất là với các cán bộ trực tiếp liên quan đến công tác đấu thầu. Ngoài ra, Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị, Viện Kinh tế xây dựng và một số đơn vị thuộc Bộ Xây dựng cũng thường xuyên tổ chức các lớp học về nghiệp vụ đấu thầu cho các cán bộ thuộc các đơn vị của Bộ Xây dựng và các đơn vị ngoài. Riêng năm 2014, Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị đã đào tạo và cấp chứng chỉ được 605 học viên thông qua 19 lớp đào tạo ngắn hạn về quản lý đấu thầu, Viện Kinh tế Xây dựng tổ chức 02 khoá đào tạo, cấp chứng chỉ cho 31 học viên.

2. Tình hình thực hiện phân cấp trong đấu thầu

Trong năm 2014, kết quả, sự kiện nổi bật là Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thành, trình và được Quốc hội thông qua 03 dự án Luật: Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 (thay thế cho Luật Xây dựng số 13/2003/QH11 và có hiệu lực từ 01/01/2015); Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 (thay thế cho Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 và có hiệu lực từ 01/7/2015); Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 (thay thế cho Luật Kinh doanh bất động sản số 63/2006/QH11 và có hiệu lực từ 01/7/2015). Việc Quốc hội thông qua 03 Luật nêu trên đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật ngành Xây dựng, qua đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ngành, tăng cường quản lý chất lượng công trình, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Thêm vào đó, quán triệt theo tinh thần của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13; Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã tổ chức phân cấp, phân quyền triệt để trong đấu thầu nhưng vẫn tuân thủ Luật và các Nghị định về đấu thầu. Bộ chỉ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác đấu thầu, thực hiện hợp đồng; các bước còn lại như phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và xử lý các tình huống phát sinh trong đấu thầu giao chủ đầu tư quyết định theo quy định.

3. Tình hình thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 và Chỉ thị 734/CT-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước. Bộ Xây dựng đã quán triệt các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện tinh thần của Chỉ thị nêu trên, cụ thể như:

- Các gói thầu được phân chia với quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện năng lực của nhà thầu trong nước, đảm bảo các điều kiện cạnh tranh tối đa cho các doanh nghiệp trong nước, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước;

- Các vật tư, thiết bị đều được sản xuất trong nước, chỉ mua sắm từ nước ngoài khi trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu hoặc trong nước chưa đủ khả năng sản xuất. Ngoài ra, các đơn vị cũng chủ động ưu tiên sử dụng vật tư, vật liệu do các đơn vị thuộc Bộ sản xuất nhằm tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các đơn vị thành viên, tối đa hóa hiệu quả nội lực của các đơn vị;

- Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, trong hồ sơ mời thầu và hồ sơ yêu cầu đều đưa ra quy định chào thầu bằng đồng Việt nam đối với các chi phí trong nước;

- Khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không cho phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu thực hiện gói thầu.

Thực hiện Chỉ thị 734/CT-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC, Bộ Xây dựng đã thực hiện các nội dung sau:

- Thực hiện chức năng quản lý ngành của Bộ Xây dựng, Bộ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về quản lý đầu tư xây dựng, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan về chế tài xử lý vi phạm hợp đồng, quản lý nhà thầu nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam như: Trình Chính phủ ban hành Nghị định 207/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 07/05/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; Đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, đầu tư hiệu quả quản lý nhà nước và định hướng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011-2020;

- Bộ Xây dựng đã Chỉ đạo các Ban quản lý/Chủ đầu tư, các Tổng công ty thuộc Bộ, bên mời thầu nghiêm túc quán triệt tinh thần của Chỉ thị này để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các dự án, công trình quan trọng của ngành, của đất nước. Cụ thể như sau:

+ Khi lập kế hoạch đấu thầu, các gói thầu được tách riêng thành gói thầu tư vấn, cung cấp thiết bị vật tư và xây lắp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có khả năng tham gia đấu thầu và thực hiện gói thầu;

+ Đối với phần thiết bị, công nghệ trong nước không sản xuất được thì được tách riêng thành một gói thầu độc lập để tổ chức đấu thầu;

+ Nghiêm chỉnh thực hiện việc sử dụng và quản lý lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về lao động;

+ Sử dụng các tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động đấu thầu, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín thực hiện gói thầu.

4. Về đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động đấu thầu

Đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động đấu thầu của các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng về cơ bản đã qua các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ đấu thầu và được cấp chứng nhận theo quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Tại các Ban quản lý dự án do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, công tác đấu thầu được giao cho các bộ phận chuyên môn thuộc các phòng Đầu tư hoặc Kế hoạch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc các Ban quản lý dự án. Các cán bộ tham gia, liên quan đến công tác đấu thầu 100% có chứng chỉ tham gia khoá học đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

5. Tình hình triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra về đấu thầu

Thực hiện quy định về công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác đấu thầu, một mặt hàng năm Bộ Xây dựng đều có văn bản chỉ đạo các đơn vị phải thường xuyên tự rà soát, kiểm tra công tác đấu thầu; mặt khác Bộ cũng tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị có dự án nhằm chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, thiết sót xảy ra trong đấu thầu đồng thời qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng giúp các đơn vị hoàn thiện và đưa công tác đấu thầu được thực hiện đúng quy định và đi vào nề nếp. Công tác thanh tra, kiểm tra được giao cho Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ chuyên môn thực hiện.

Năm 2014, theo Quyết định số 1186/QĐ-BXD ngày 22/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai thành lập 64 Đoàn thanh tra, trong đó: đoàn thanh tra theo kế hoạch 47 đoàn thanh tra theo kế hoạch; 17 đoàn thanh tra đột xuất (trong đó đấu thầu là một nội dung trong công tác thanh quản lý dự án đầu tư xây dựng) kết quả các đoàn thanh tra, kiểm tra, ngoài kiến nghị xử lý về kinh tế. Sai phạm chủ yếu về công tác đấu thầu phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào những nội dung:

- Công tác khảo sát: còn một số sai sót như áp sai đơn giá khảo sát địa chất công trình, chi phí nhân công và máy, đơn giá thí nghiệm (không nhân với hệ số tiêu chuẩn, thí nghiệm 17 chỉ tiêu của mẫu đất để tính cho công tác thí nghiệm xác định 9 chỉ tiêu thông thường của mẫu đất là chưa hợp lý)...

- Công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế - dự toán xây dựng công trình, lựa chọn nhà thầu xây dựng: dự toán áp định mức chưa phù hợp với thành phần, tính chất công việc và một số nguyên nhân khác dẫn tới làm tăng giá gói thầu và kết quả đấu thầu. Hồ sơ yêu cầu thiếu quy định cụ thể về yêu cầu năng lực thiết bị thi công để đáp ứng chất lượng và tiến độ thi công, thiếu các tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu; khối lượng trong hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với dự toán được phê duyệt, hồ sơ dự thầu chưa đúng quy định, nhà thầu thành lập tổ chuyên gia xét thầu không có chuyên gia đánh giá về mặt tài chính, pháp lý, công tác chấm thầu bỏ sót một số. Hồ sơ mời thầu nêu một số tiêu chuẩn áp dụng đã hết hiệu lực.

- Thực hiện công tác mua sắm khi chưa có văn bản giao nhiệm vụ, áp dụng chưa đúng hoặc áp dụng các Nghị định hướng dẫn Luật đấu thầu 2005 đã hết hiệu lực; Đăng báo mời thầu chưa đầy đủ theo quy định Luật Đấu thầu; một số thành viên tổ xét thầu chưa có chứng chỉ về đấu thầu.

Thanh tra Bộ đã kết luận và yêu cầu các đơn vị này kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm và bổ sung hoàn thiện đầy đủ trình tự thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

6. Cập nhập tên và chức danh lãnh đạo phụ trách về công tác đấu thầu trong phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng

Tại Công văn số 65/BXD-VP ngày 25/3/2010 của Bộ Xây dựng về việc cử lãnh đạo Bộ phụ trách công tác đấu thầu, Bộ Xây dựng đã cử đồng chí Bùi Phạm Khánh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng phụ trách công tác đấu thầu.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 20/BC-BXD.
 

Tài liệu đính kèm bài viết
Bao cao 20 BC-BXD 10042015.signed.pdfTải về
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)