Mục đích của chương trình đào tạo là trang bị kiến thức cơ bản của pháp luật về thanh tra chuyên ngành Xây dựng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thừa hành công vụ, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn hoá và bổ nhiệm “Thanh tra viên ngành Xây dựng” cho học viên là các cán bộ, công chức làm công tác thanh tra xây dựng. Yêu cầu: Sau khi học xong chương trình, học viên nắm bắt một cách có hệ thống và cơ bản về chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thanh tra nói chung và công tác thanh tra trong ngành Xây dựng nói riêng, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thực thi công vụ.
Đối với nội dung đào tạo, bồi dưỡng được chia thành hai nội dung đó là: Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên, thực hiện theo Chương trình do Trường Cán bộ Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ quy định gồm 160 tiết với các nội dung: Quan điểm của Đảng, Nhà nước, Hồ Chí Minh về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng; Thanh tra viên và xây dựng đội ngũ công chức thanh tra; Kiến thức chung về pháp luật phòng, chống tham nhũng; Kiến thức chung về pháp luật thanh tra; Khiếu nại, tố cáo; Phương pháp tiến hành một cuộc thanh tra; Thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra; Thu thập, thẩm tra, xác minh tài liệu trong hoạt động thanh tra; Soạn thảo văn bản trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng; Quy trình và kỹ năng: Tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; Giải quyết khiếu nại hành chính; Giải quyết tố cáo hành chính; Thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Thanh tra, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và Luật phòng, chống tham nhũng; Giao tiếp trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Phần thanh tra viên ngành Xây dựng gồm 116 tiết được chia thành 10 nội dung: Quản lý nhà nước về xây dựng và tổ chức, hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng; Các phương pháp thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật về: Quy hoạch, kiến trúc; Hoạt động đầu tư xây dựng; Phát triển đô thị; Quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật; Phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý, sử dụng công sở; Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện; Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng theo thẩm quyền; Các phòng thí nghiệm LAB, các cơ sở đào tạo cấp các loại chứng nhận, chứng chỉ ngành Xây dựng; Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Học viên sau khi hoàn thành khóa học đủ điều kiện theo quy định được cấp chứng chỉ “Thanh tra viên” và “Thanh tra viên ngành Xây dựng”.
Bộ Xây dựng giao Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ Xây dựng, Trường Cán bộ Thanh tra, tổ chức giảng dạy theo Chương trình khung đã được phê duyệt; tổ chức các lớp bồi dưỡng theo kế hoạch, đạt hiệu quả.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 536/QĐ-BXD ngày 12/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Chương trình đào tạo bồi dưỡng thanh tra viên chuyên ngành Xây dựng.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Quyết định 544/QĐ-BXD.