Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hôi 5 năm 2011-2015 và để xác định các mục tiêu, định hướng cũng như các nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016-2020 của ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng yêu cầu các Sở, các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ triển khai xây dựng Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 với những công việc như sau:
I. ĐỐI VỚI CÁC SỞ:
1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015: Đánh giá tình hình triển khai các chiến lược, định hướng và các nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng trên địa bàn; kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng trên địa bàn; đánh giá những mặt đã làm được và chưa làm được trong việc thực hiện kế hoạch đồng thời làm rõ các kết quả đạt được so với mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ đề ra; nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm.
2. Xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020: Thực hiện xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020, trong đó nêu rõ những khó khăn, thuận lợi và những tác động, thách thức ảnh hưởng tới việc phát triển ngành; mục tiêu, định hướng phát triển và các nhiệm vụ cụ thể đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 cũng như các nhóm giải pháp để thực hiện.
Các nội dung nêu trên đồng thời cũng là nội dung các Sở sẽ chuẩn bị để phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm 2016-2020 của địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ.
Báo cáo kèm theo các biểu số liệu về các chỉ tiêu thuộc ngành Xây dựng ước đạt được trong 5 năm giai đoạn 2011-2015 của địa phương và kế hoạch phấn đấu đạt được đến năm 2020 (theo biểu mẫu quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BXD ngày 10/10/2012 của Bộ Xây dựng về Quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp ngành Xây dựng).
ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP:
1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015: Thực hiện đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2011-2016, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
- Tình hình hoạt động của đơn vị trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật;
- Tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển (bằng nguồn vốn ngân sách, đầu tư bằng nguồn vốn huy động), tình hình thực hiện các đề tài, dự án sự nghiệp kinh tế, khoa học, môi trường, dự án ODA, Chương trình mục tiêu quốc gia,… và các nhiệm vụ thường xuyên được giao;
- Tình hình thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; cũng như các quy định khác của Bộ.
2. Xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020: Thực hiện xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển 5 năm 2016-2020 của đơn vị; riêng đối với lĩnh vực đầu tư phải xác định cụ thể danh mục các dự án dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2016-2020 bằng các nguồn vốn khác nhau (ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…).
Phần số liệu báo cáo thực hiện theo biểu mẫu kèm theo văn bản này.
III. ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP:
1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015: Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung:
- Những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới, trong nước tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh 5 năm của doanh nghiệp; những khó khăn, thách thức và những kết quả chủ yếu đạt được;
- Phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh trong từng lĩnh vực: xây lắp, sản xuất công nghiệp, tư vấn, thương mại…;
- Tình hình tài chính của công ty mẹ và các đơn vị trực thuộc;
- Tình hình đầu tư vốn của công ty mẹ vào các công ty con, công ty liên kết và ra ngoài doanh nghiệp; việc góp vốn vào các công ty liên doanh, dự án…;
- Kết quả việc tăng vốn điều lệ, điều chỉnh vốn nhà nước trong các công ty cổ phần và việc thoái vốn tại các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả;
- Kết quả công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp;
- Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư 5 năm (tổng số dự án, quy mô các dự án, tình hình huy động vốn để thực hiện dự án, số lượng dự án hoàn thành và đưa vào vận hành sử dụng, số lượng các dự án đầu tư mới, công tác quản lý, báo cáo, đánh giá giám sát đầu tư…). Đánh giá chung về tiến độ, tình hình sử dụng vốn và hiệu quả đầu tư của các dự án theo từng lĩnh vực.
- Báo cáo tình hình thực hiện các Nghị định của Chính phủ: số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 về việc ban hành quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước; số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
2. Xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020: Thực hiện xây dựng mục tiêu, định hướng phát triển và nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016-2020:
- Để đảm bảo tính khả thi, việc xây dựng mục tiêu, định hướng phát triển và nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016-2020 phải được xác định trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2011-2015, dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực cũng như yêu cầu phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới. Phấn đấu có tăng trưởng hợp lý từng năm đối với từng chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch 5 năm.
- Báo cáo rõ những định hướng, nhóm giải pháp nhằm thực hiện được kế hoạch 2016-2020 cho từng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Đề xuất, kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về cơ chế chính sách nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc và các tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch.
Riêng về kế hoạch đầu tư, ngoài việc lập danh mục các dự án cần lập kế hoạch sử dụng vốn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó xem xét những dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc có gốc ngân sách (ODA, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư phát triển, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…).
Phần số liệu thực hiện theo biểu mẫu kèm theo văn bản này.
Báo cáo về Bộ Xây dựng (Vụ Kế hoạch – Tài chính) trước ngày 15/10/2014, đồng thời gửi theo địa chỉ email: Vukhtc@moc.gov.vn, theo số fax: 043.9742066, 043.9762153./.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2163/BXD-KHTC.