Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo việc lập, điều chỉnh quy hoạch chung; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đảm bảo kịp thời về tiến độ và chất lượng, làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã nhận được một số ý kiến của các địa phương đề nghị làm rõ việc cấp giấy phép quy hoạch. Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung cụ thể để giải quyết những vướng mắc của các địa phương như sau:
1. Về khái niệm:
a) Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung là dự án đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực dự án, ví dụ như khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở, khu công nghiệp, khu thương mại, khu thể dục thể thao, khu du lịch, khu đại học…
b) Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ là dự án đầu tư xây dựng một công trình kiến trúc (bao gồm cả chung cư).
c) Nhà ở quy định tại điểm c khoản 1 Điều 71 của Luật Quy hoạch đô thị là nhà ở riêng lẻ. Theo giải thích từ ngữ tại khoản 27 Điều 3 Luật Xây dựng thì nhà ở riêng lẻ là nhà ở biệt thự và nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân. Việc quản lý xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ này thông qua hình thức cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
d) Cộng đồng dân cư liên quan là những người dân đang sinh sống trong và ngoài phạm vi khu vực dự kiến cấp giấy phép quy hoạch bị ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện dự án về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường.
Đại diện cộng đồng dân cư là người đại diện hợp pháp của cộng đồng dân cư để tập hợp các ý kiến của người dân trong khu vực và làm việc với cơ quan quản lý quy hoạch các cấp về nội dung giấy phép quy hoạch, gồm tổ trưởng, tổ phó dân phố; trưởng, phó thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc…; trưởng các tổ chức đoàn thể: mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... các cấp có liên quan trong khu vực được lấy ý kiến.
2. Về quy định các trường hợp cấp giấy phép quy hoạch tại Điều 36:
a) Khi thực hiện cấp giấy phép quy hoạch đối với dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết thì cơ quan quản lý quy hoạch các cấp phải phải căn cứ vào đồ án quy hoạch chung đô thị, Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, yêu cầu quản lý, kiểm soát phát triển của đô thị, để xác định phạm vi, quy mô đất đai, dân số; chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch cho toàn bộ khu vực dự án; các yêu cầu về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường; hạ tầng kỹ thuật quy định tại khoản 1 Điều 39 để làm cơ sở chủ đầu tư lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết và làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng.
b) Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị có quy hoạch phân khu, nhưng chưa đủ các căn cứ để lập quy hoạch chi tiết là các dự án mà trong đồ án quy hoạch phân khu chưa xác định cụ thể ranh giới, quy mô, các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị và các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật liên quan.
Khi thực hiện cấp giấy phép quy hoạch cho trường hợp này thì cơ quan quản lý quy hoạch các cấp phải căn cứ vào đồ án quy hoạch phân khu, Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, tình hình thực tế về không gian, kiến trúc, cảnh quan và điều kiện hạ tầng kỹ thuật, môi trường của khu vực để xác định phạm vi, quy mô đất đai, dân số; chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch cho toàn bộ khu vực dự án; các yêu cầu về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường; hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại khoản 1 Điều 39 để làm cơ sở chủ đầu tư lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết và làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng.
c) Khi thực hiện việc cấp giấy phép quy hoạch đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị thì cơ quan quản lý quy hoạch các cấp phải căn cứ vào đồ án quy hoạch phân khu, Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, tình hình thực tế về không gian, kiến trúc, cảnh quan và điều kiện hạ tầng kỹ thuật, môi trường của khu vực để xác định phạm vi, ranh giới, diện tích đất; các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch cho khu đất xây dựng công trình; yêu cầu về kiến trúc công trình, môi trường, hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại khoản 2 Điều 39 để làm cơ sở chủ đầu tư lập dự án và cơ quan có thẩm quyền góp ý thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình.
d) Khi thực hiện cấp giấy phép quy hoạch đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết được duyệt, nhưng cần điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị đối với một lô đất là dự án đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện thì cơ quan quản lý quy hoạch các cấp phải căn cứ vào Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; tình hình thực tế về không gian, kiến trúc, cảnh quan và điều kiện hạ tầng kỹ thuật, môi trường của khu vực; Quy chuẩn quy hoạch đô thị để xác định phạm vi, ranh giới, quy mô đất đai; các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch; các yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan, môi trường; hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại khoản 2 Điều 39 làm cơ sở để chủ đầu tư lập dự án đầu tư xây dựng và cơ quan có thẩm quyền góp ý thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình.
3. Về thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch tại Điều 40:
Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định thẩm quyền của các cấp trong việc cấp Giấy phép quy hoạch cho 4 trường hợp. Trên cơ sở quy định trên, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể được quy định cụ thể hơn nhưng không được trái với các quy định của các Văn bản pháp luật trên.
Tuy nhiên, ngoài các trường hợp thuộc thẩm quyền quy định tại Luật và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể thực hiện việc cấp Giấy phép quy hoạch đối với các dự án có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, văn hoá, lịch sử tại các đô thị và các khu vực khác trong phạm vi địa giới hành chính của thành phố theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP.
4. Về điều chỉnh và gia hạn giấy phép quy hoạch:
Giấy phép quy hoạch là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư làm căn cứ lập quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Trong trường hợp cần thay đổi nội dung trong giấy phép quy hoạch về các chỉ tiêu quy hoạch, thời hạn..., cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, cấp lại giấy phép quy hoạch. Không điều chỉnh và gia hạn giấy phép quy hoạch.
5. Về lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư về nội dung cấp phép tại Điều 37:
Đối với dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 3 và 4 Điều 36 của Nghị định số 37/2020/NĐ-CP, trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp giấy phép quy hoạch, cơ quan quản lý quy hoạch các cấp phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư có liên quan về nội dung cấp phép quy định tại Điều 39 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP.
Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến người dân theo quy chế dân chủ cơ sở để làm việc với cơ quan có chức năng.
Cơ quan quản lý quy hoạch các cấp có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để quyết định việc cấp giấy phép quy hoạch.
Thời gian lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư không quá 15 ngày.
6. Màu quy định mẫu Giấy phép quy hoạch: Màu xanh lá cây nhạt.
Căn cứ vào các quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP và hướng dẫn trên của Bộ Xây dựng về một số nội dung về cấp giấy phép quy hoạch, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành; Uỷ ban nhân dân các cấp có liên quan tổ chức thực hiện việc cấp giấy phép quy hoạch (Giấy phép quy hoạch thay thế các văn bản thoả thuận quy hoạch kiến trúc trong phạm vi đô thị).
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1277/BXD-KTQH.