Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch khu cụm công nghiệp:
1. Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt khu – cụm công nghiệp :
Đối với quy hoạch chung xây dựng khu đô thị – công nghiệp: Theo quy định theo khoản 1 Điều 16 của Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11/8/2010 về thực hiện chuyển tiếp đối với nhiệm vụ, đồ án quy hoạch triển khai trước ngày 25/5/2010 thì quy hoạch chung xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước và Khu dân cư công nghiệp Lê Minh Xuân đã được phê duyệt nhiệm vụ tiếp tục lập đồ án quy hoạch theo Luật Xây dựng và Nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch xây dựng. Việc thẩm định và phê duyệt thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định 37/2010/NĐ-CP.
Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp được thực hiện theo quy định tại Thông tư 19/2008/TT-BXD ngày 20/11/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế.
- Nội dung thông tin liên lạc đã được quy định tại điểm e mục 4.2 khoản 4 Phần II của Thông tư 19/2008/TT-BXD;
- Đối với khu công nghiệp, việc đánh giá tác động môi trường đã được quy định lập trong quá trình lập dự án, do đó trong bước lập quy hoạch chi tiết xây dựng không quy định nội dung đánh giá môi trường chiến lược.
2. Về quản lý quy hoạch xây dựng khu công nghiệp: được thực hiện theo quy định tại Phần III của Thông tư 19/2008/TT-BXD.
Về chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình theo Nghị định 37/2010/NĐ-CP: Theo quy định khoản 4 Điều 14 Nghị định 37/2010/NĐ-CP, bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật đối dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư) là một nội dung của thiết kế cơ sở. Trong quá trình thẩm định dự án, cơ quan đầu mối có trách nhiệm gửi các cơ quan có liên quan góp ý thiết kế cơ sở, trong đó có nội dung về giải pháp tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phù hợp với giấy phép quy hoạch đã được cấp. Việc quy định trình tự, hình thức, cơ quan góp ý do Uỷ ban nhân dân Thành phố quyết định phù hợp với điều kiện đặc thù quản lý của địa phương, trên nguyên tắc phù hợp với quy định pháp luật, không phát sinh thủ tục hành chính.
Về công tác cấp giấy phép quy hoạch :
1. Về gia hạn và điều chỉnh giấy phép quy hoạch: Theo Chương IV Nghị định 37/2010/NĐ-CP về Giấy phép quy hoạch, không quy định việc gia hạn và điều chỉnh giấy phép quy hoạch. Do đó, đối với trường hợp không hoàn thành thủ tục về lập dự án đầu tư hoặc có những điều chỉnh nội dung về quy mô, chỉ tiêu sử dụng đất...thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét cấp lại giấy phép quy hoạch.
2. Về pháp nhân cấp giấy phép quy hoạch: Theo Điều 38 Nghị định 37/2010/NĐ-CP có quy định về thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy hoạch, bao gồm Báo cáo pháp nhân và năng lực tài chính để triển khai dự án. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh và pháp luật liên quan về chuyên ngành kinh doanh đó.
Về cấp chứng chỉ quy hoạch: Căn cứ Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, việc cấp chứng chỉ quy hoạch là một hình thức cung cấp thông tin bằng văn bản khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Chứng chỉ quy hoạch bao gồm những thông tin của đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt (Điều 55 Luật Quy hoạch đô thị; Điều 33 Luật Xây dựng). Luật không quy định yêu cầu có giấy tờ pháp lý liên quan đến nhà, đất khi có nhu cầu cấp chứng chỉ quy hoạch. Việc tổ chức, cá nhân sử dụng chứng chỉ quy hoạch sai mục đích, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu sẽ được xử lý theo quy định pháp luật có liên quan.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 54/BXD-KTQH.