Hướng dẫn Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định số 23/2009/NĐ-CP và thông tư số 24/2009/TT-BXD

Thứ sáu, 10/12/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 09/12, Bộ Xây dựng đã có công văn 16/BXD-TTr hướng dẫn Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định số 23/2009/NĐ-CP và thông tư số 24/2009/TT-BXD như sau:

1. Thông tư số 24/2009/TT-BXD

a) Về xử phạt hành vi vi phạm các quy định về trật tự xây dựng

- Đối với nhà ở riêng lẻ, nếu việc thay đổi kiến trúc bên trong công trình xây dựng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính thì không xử phạt về hành vi xây dựng sai Giấy phép xây dựng (tham khảo điểm a khoản 4 Điều 4 Thông tư số 24/2009/TT-BXD);

Đối với công trình xây dựng không phải là nhà ở riêng lẻ, nếu xây dựng sai thiết kế được duyệt thì xử phạt theo một trong hai trường hợp: nếu công trình được miễn Giấy phép xây dựng thì áp dụng khoản 2 Điều 4 Thông tư số 24/2009/TT-BXD; nếu công trình phải có Giấy phép xây dựng thì áp dụng Điều 8 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP để xử phạt chủ đầu tư hoặc xử phạt các nhà thầu theo quy định tại Mục II, Mục III Chương II Nghị định số 23/2009/NĐ-CP.

- Trường hợp chủ đầu tư xây dựng đúng số tầng, có phát sinh thêm tầng lửng nhưng không vượt quá chiều cao công trình theo Giấy phép xây dựng thì không xử phạt về hành vi xây dựng sai Giấy phép xây dựng (tham khảo khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Thông tư số 24/2009/TT-BXD).

- Trường hợp chủ đầu tư lấp ô thông tầng tại tầng lửng để tạo thêm một tầng trong công trình xây dựng thuộc loại công trình dân dụng, công trình công nghiệp và nhà ở riêng lẻ trong đô thị thì bị coi là xây dựng vượt quá số tầng quy định trong Giấy phép xây dựng (tham khảo điểm e khoản 1 Điều 4 Thông tư số 24/2009/TT-BXD).

- Việc xây dựng công trình có diện tích nhỏ hơn Giấy phép xây dựng chỉ được coi là không vi phạm trong trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại những nơi chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được phê duyệt nhưng nằm trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chủ nhà, không gây khiếu kiện, không lấn chiếm chỉ giới đường đỏ hoặc chỉ giới xây dựng, không vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ Hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng (tham khảo điểm a khoản 3 Thông tư số 24/2009/TT-BXD).

b) Về xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được xử lý trước ngày Nghị định số 23/2009/NĐ-CP có hiệu lực nhưng chưa xử lý dứt điểm

- Về việc áp dụng Điều 15 Thông tư số 24/2009/TT-BXD: những hành vi vi phạm trật tự xây dựng đã bị xử lý vi phạm trước thời điểm Nghị định số 23/2009/NĐ-CP có hiệu lực nhưng chưa dứt điểm thì áp dụng quy định tại Điều 15 Thông tư số 24/2009/TT-BXD để xử lý triệt để.

Đối với những hành vi vi phạm trật tự xây dựng xảy ra trước thời điểm Nghị định số 23/2009/NĐ-CP có hiệu lực nhưng được phát hiện ra sau thời điểm Nghị định số 23/2009/NĐ-CP có hiệu lực thì không áp dụng Nghị định số 23/2009/NĐ-CP để xử lý, vì Nghị định số 23/2009/NĐ-CP không quy định hiệu lực hồi tố, mà áp dụng Điều 15 Thông tư số 24/2009/NĐ-CP để xử lý.

- Công trình xây dựng không phép đã bị xử lý trước ngày Nghị định số 23/2009/NĐ-CP có hiệu lực nhưng chưa xử lý dứt điểm, nay tiếp tục xử lý như sau: nếu công trình vi phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 15 Thông tư số 24/2009/TT-BXD thì xử lý theo quy định tại các khoản này; nếu công trình vi phạm nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định, việc xây dựng không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì tiếp tục áp dụng quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP để xử lý.

- Việc áp dụng khoản 1 và khoản 3 Điều 15 Thông tư số 24/2009/TT-BXD cụ thể như sau:

Tuy đều là công trình xây dựng vi phạm nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định, nhưng nếu hành vi vi phạm là sai phép về số tâng, diện tích thì áp dụng quy định tại khoản 1 để xử lý, nếu hành vi vi phạm là lấn chiếm chỉ giới xây dựng thì áp dụng quy định tại khoản 3 để xử lý.

2. Nghị định số 23/2009/NĐ-CP

- Điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP không quy định chức danh chủ trì thẩm định thiết kế công trình. Theo quy định hiện hành, việc xử lý cán bộ, công chức có vi phạm liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao được xử lý theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước... chưa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với cán bộ, công chức.

- Công trình xây dựng tuy không che chắn nhưng không để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh vẫn bị coi là hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP.

- Việc tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề của Chánh thanh tra Sở Xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 9 Thông tư số 24/2009/TT-BXD.

Đối với một số ý kiến, đề xuất của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét và cân nhắc việc điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn.

 
Trung tâm Thông tin

Nguồn: Công văn 16/BXD-TTr.

Tài liệu đính kèm bài viết
Cong van 16_1291974934467.docTải về
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)