1. Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, thì các bên tham gia hợp đồng xây dựng phải thực hiện đúng nội dung trong hợp đồng về phạm vi công việc, yêu cầu về chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác trong hợp đồng. Vì vậy, các bên tham gia hợp đồng xây dựng không được phép thay đổi hình thức hợp đồng.
2. Trường hợp Nhà thầu phải dừng thi công do lỗi của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư phải bồi thường những thiệt hại (nếu có) cho Nhà thầu như thiệt hại do trượt giá nguyên vật liệu, chế độ chính sách thay đổi cho khối lượng chưa thi công,…như vậy đối với trường hợp nêu trong công văn số 133/ĐH-BDA ngày 16/7/2012 thì Nhà thầu được bù đắp những chi phí phát sinh trực tiếp từ việc gia hạn thời gian hợp đồng (do chậm giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế,…) như: chi phí trượt giá nguyên vật liệu, nhân công, máy thi công và những chi phí khác có liên quan; việc xác định các chi phí này, các bên phải căn cứ vào nội dung hợp đồng và các quy định của Nhà nước có liên quan để xác định cho phù hợp.
3. Hình thức hợp đồng nêu trong công văn số 133/ĐH-BDA ngày 16/7/2012 là hợp đồng trọn gói; vì vậy, các bên trong hợp đồng thương thảo về các nội dung sau:
- Xác định khối lượng đã thực hiện, khối lượng còn lại;
- Xác định thời gian dừng thi công của hợp đồng và thời gian tiếp tục thực hiện hợp đồng;
- Bù chi phí từ thời gian dừng đến thời gian bắt đầu thi công;
- Nếu bù bằng phương pháp trực tiếp thì:
a) Phân tích để xác định khối lượng hao phí nguyên, nhiên, vật liệu; nhân công; máy thi công của các công tác xây dựng trong hợp đồng trên cơ sở hồ sơ thiết kế và định mức áp dụng trong hợp đồng tương ứng với khối lượng thi công do kéo dài tiến độ như đã nêu trên;
b) Tính chênh lệch giá nguyên, nhiên, vật liệu (giá vật liệu xây dựng); giá nhân công; máy thi công thời điểm tiếp tục thực hiện hợp đồng so với thời điểm dừng thi công của hợp đồng.
c) Theo hướng dẫn tại mục 1.1.1 Phụ lục số 4 Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư xây dựng:
Giá vật liệu xây dựng tại thời điểm điều chỉnh được xác định theo giá vật liệu xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc theo hoá đơn chứng từ hợp lệ theo quy định Bộ Tài chính, theo hợp đồng cung cấp hoặc bảng kê hoặc chứng từ viết tay có đủ tên, địa chỉ, chữ ký của người cung cấp vật liệu phù hợp với mặt bằng giá thị trường nơi xây dựng công trình.
d, Việc tính dự toán bổ sung thực hiện theo hướng dẫn trong các Thông tư hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng tương ứng với từng thời kỳ (thời điểm lập dự toán bổ sung).
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 153/BXD-KTXD.