Đô thị Hồi giáo

Thứ sáu, 05/06/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Khoảng thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XIV, ảnh hưởng của văn minh Hồi giáo đối với thế giới lớn hơn bất kỳ thời kỳ nào. Lãnh thổ Hồi giáo đã mở rộng nhanh chóng, chủ yếu bằng con đường xâm chiếm và chinh phục. Vào những thế kỷ sau thì việc bành trướng của đạo Hồi là qua con đường buôn bán và truyền giáo để cải đạo cho dân chúng.

Kết quả của sự bành trướng đạo Hồi là người dân của nhiều chủng tộc khác nhau, nói nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau đã hoà trộn vào nhau. Tiếng Arập trở thành ngôn ngữ chung trong buôn bán và giao tiếp. Nhiều vùng ở Trung Đông, dân chúng được Arập hoá, tức là ngôn ngữ và văn hoá của họ trở thành của Arập. Ở những vùng khác nhau, người dân vẫn giữ ngôn ngữ và văn hoá của mình, nhưng họ sử dụng chữ Arập trong văn bản và trong cầu nguyện. Toán học, các khoa học tự nhiên, văn học và nghệ thuật phát triển rực rỡ trong các đế quốc Hồi giáo. Văn minh Hồi giáo cũng có ảnh hưởng nhiều mặt đến nền văn hoá châu Âu (như việc dùng thủy lợi, những loại cây trồng mới và hệ thống chữ số Arập). Người Hồi giáo đã dịch nhiều cuốn sách của Hy Lạp cổ đại, họ đã có công bảo tồn, truyền bá những thành tựu tư tưởng của Hy Lạp cổ đại và châu Âu.

Nền văn minh Hồi giáo phát triển rực rỡ nhất ở các vùng đô thị, đặc biệt vào thời hoàng kim của đạo Hồi, như các thành phố Baghdad ở Irăc hay Granada ở Tây Ban Nha, đó là những trung tâm văn hoá rực rỡ và cũng là các trung tâm chính trị, thương mại phát đạt. Một đặc điểm quan trọng của nền văn minh Hồi giáo là mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo và chính trị, cũng như vai trò của những tín đồ Hồi giáo như là những người đi chinh phục và sau đó là cai trị các vùng đó. Triều đình các quốc vương Hồi giáo trở thành những trung tâm có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự sáng tạo văn hoá. Sự giàu có, hùng mạnh và huyền ảo của Baghdad và Granada vào thời cực thịnh làm cả thế giới phải kinh ngạc. Triều đình bảo trợ cho các nhà thơ, nghệ sỹ, nhạc sỹ, các triết gia, các nhà thần học và thu hút những nhân vật văn hoá nổi tiếng vào quỹ đạo của họ. Con đường buôn bán và giao thông toả đi từ các kinh đô như Baghdad, Cairo, Istambul đến những nơi xa xôi của thế giới Hồi giáo làm cho những thành phố này, đóng vai trò như trung tâm truyền bá văn hoá.

Khoa học vào thời đại hoàng kim của nền văn minh Hồi giáo hết sức rực rỡ. Những học giả Arập ở các đô thị như Baghdad và Cordova (Tây Ban Nha) đã bảo tồn các tác phẩm kinh điển của Hy lạp và La Mã cổ đại và đã chuyến giao cho châu Âu nhiều thành tựu khoa học quan trọng của phương Đông (như khái niệm về số 0 trong toán học vốn được phát minh ở Ấn Độ). Họ cũng đạt được những tiến bộ quan trọng trong các lĩnh vực như thiên văn học, quang học, địa lý và hoá học. Những thành tựu này diễn ra trong thời kỳ "đêm trường trung cổ" ở châu Âu; nếu thế giới Hồi giáo không tạo ra được những thành tựu khoa học vào thời này thì nền học vấn trung đại của nhân loại chắc bị hạn hẹp hơn rất nhiều. Trong lĩnh vực thần học và triết học, người Hồi giáo cũng đạt được những thành tựu rất quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của hệ tư tưởng phương Tây. Lĩnh vực khoa học quan trọng nhất của người Hồi giáo chính là khoa thần học, tìm hiểu sự bí ẩn và uy nghiêm của Thượng đế và cách thức áp dụng những luật lệ đó. Thế giới đánh giá cao thái độ cởi mở của người Arập đối với những gì mà khoa học tự nhiên Hy Lạp để lại tại các nước Trung Đông.

Những thành phố Hồi giáo

Thành phố Hồi giáo điển hình thường là những trung tâm thương mại cổ xưa dân cư sống chen chúc và mỗi lần mở rộng lại phát triển thêm những khu phố mới bên cạnh các khu cũ. Các thành phố thường có 3 khu rõ rệt: khu dân cư cổ (được gọi là medina), khu phố hiện đại và những khu chợ (gọi là souk).

Khu dân cư kiểu Arập, thường xây dựng từ thời Trung cổ, với các đường phố chật hẹp quanh co, uốn  khúc như mê cung và những vỉa hè với các cửa hiệu, xưởng thủ công nhỏ cùng những ngôi nhà giản dị của người nghèo. Nhiều khu phố cổ có tường bao quanh, bên trong là cả một cuộc sống sôi động mặc dù thường thiếu những tiện ích cơ bản. Đường phố ở đây luôn náo nhiệt chen chúc người, xe, rộn ràng tiếng chuyện trò bàn tán, tiếng hò hét quảng cáo hàng hoá... Có những khu riêng dành cho nghề thủ công như: giầy thêu, đồ trang sức, bình trà, khay đồ gỗ chạm trổ, thảm len và thuốc các loại.

Các souk, tức khu phố chợ, nơi bán thịt hoa quả, rau và thực phẩm khác cũng như đồ gia dụng, gia vị, hương liệu, mỹ phẩm, nước hoa, bùa chú và lá bạc hà để pha trà. Các khu dân cư có vai trò như là một cộng đồng nhỏ bên trong cộng đồng lớn. Khu dân cư có thánh đường riêng, cửa hàng cửa hiệu, quán cà phê, nơi những người đàn ông thích đến tụ họp và cũng thường có một ông trưởng khu, đại diện cho cộng đồng giao dịch với thế giới bên ngoài. Những gia đình giàu có ít khi ở lại khu dân cư cổ, mà thường dời đến sống ở những khu vực hiện đại và sang trọng. Nơi đây lối sống của dân cư mang nhiều nét Tây phương. Ở các khu phố hiện đại, các tầng lớp dân cư được phân chia theo những tiêu chí về kinh tế hơn là theo tôn giáo hay dân tộc.

Thánh đường chính là nơi thể hiện nổi bật nhất lối sống cộng đồng của người Hồi giáo. Các sân trong thánh đường không chỉ là nơi cầu nguyện mà còn là nơi tụ tập ưa thích của người Hồi giáo. Người ta đến đây lúc rảnh rỗi, ngồi dưới các mái vòm hay bên các bể nước để trò chuyện, trao đổi các vấn đề hàng ngày với nhau. Trẻ em thường đến đây đọc kinh Koran và nếu cộng đồng không có trường học, thì thánh đường chính là trường học của chúng. Thánh đường còn được sử dụng cho nhiều chức năng công cộng khác ngoài cầu nguyện và giáo dục, đó cũng là nơi hội họp của cộng đồng. Thánh đường có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tôn giáo của cộng đồng, những người nông dân Hồi giáo cũng mong muốn sống quy tụ trong những làng xóm có thánh đường. Có điều kiện sống và làm việc ngay tại đất nước Hồi giáo ở Bắc phi là Algerie, tôi đã đến thăm nhiều thành phố trên đất nước này và trong tôi còn lưu lại những hình ảnh rất đặc sắc về những nét văn hoá, lối sống, cũng như những ảnh hưởng rất ấn tượng về các thành phố và làng mạc của xứ sở này. Algerie có hai vùng rõ rệt, phía bắc giáp Địa Trung Hải dễ thông thương với thị trường châu Âu nên có điều kiện phát triển nhanh về kinh tế và xã hội, trong khi vùng phía Nam giáp sa mạc Sahara mênh mông cát trắng thì điều kiện phát triển khó khăn hơn. Những chính tình hình chậm phát triển lại là điều kiện thuận lợi cho người dân duy trì lối sống truyền thống của mình, cũng với những nét văn hoá bản địa, dấu ấn đặc sắc trong việc đô thị và làng xóm.

Chính trong bối cảnh đó, một quần thế 5 làng mạc và thị trấn thuộc vùng thung lũng Mzab ở gần sa mạc Sahara, cách Thủ đô Algerie 600km đã được xếp hạng vào Di sản văn hoá thế giới từ năm 1982. Vốn là những bộ lạc sống trên sa mạc nóng bỏng, vùng thung lũng Mzab có một số điều kiện thuận lợi cho việc định cư theo kiểu ốc đảo, có cây xanh, giếng nước. Điều kiện khí hậu nóng khô nên nhà cửa không mở thoáng như ở vùng nóng ẩm, mà trái lại tường ngoài thường đóng kín, nơi ở vây chung quanh và hướng vào một sân đóng kín bên trong. Lưng nhà quay ra ngoài rất cần thiết cho việc chống chọi với những trận bão cát vàng trời và nóng bỏng. Nhà dân gian chủ yếu dùng đất đắp. Một số nhà nửa chìm, nửa nổi, mái cũng đắp bằng đất trên những cành cây được đan dày bắc qua các bức tường. Trong số 5 làng mạc và thị trấn đó thì thị trấn Ghardaia là phát triển hơn cả, nay đã trở thành một thành phố du lịch có sức hấp dẫn rất lớn về một cộng đồng dân cư còn giữ được nét văn hoá truyền thống rõ rệt. Khu dân cư nằm trên một quả đồi, nơi cao nhất là toà thánh đường với một tháp cao vút và việc tạo dựng dựa trên đất đắp, kỹ thuật gia cố rất tốt để có thể chịu đựng nắng mưa và tồn tại với thời gian. Nhà ở của cư dân xếp thành hàng theo các đừơng tròn đồng tâm, bao bọc chung quanh thánh đường. Nhà cửa san sát gắn kết với nhau, các khoảng rỗng chính là các sân trong và một số là quảng trường công cộng hoặc nơi sinh hoạt chợ búa.

Khi phân tích về giá trị của quần thể kiến trúc này để đưa vào xếp hạng di sản văn hoá thế giới, UNESCO đã nhấn mạnh tính thuần nhất của tổng thể kiến trúc, những nét văn hoá đặc thù của một cộng đồng ở một giai đoạn phát triển nhất định. Đồng thời cũng cảnh báo rằng, xu hướng khai thác du lịch ở địa phương có thể làm mất đi tính thuần nhất này do việc xen cấy những kiến trúc mới và điều đó sẽ là một mất mát về văn hoá rất đáng tiếc.

 

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 4/2009
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)