Quy định độ dốc cho phép đối với các phương tiện giao thông (ôtô, xe máy) lên xuống tầng hầm?
Tại dự thảo tiêu chuẩn “Nhà cao tầng- Tiêu chuẩn thiết kế”, do Viện Nghiên cứu Kiến trúc đang biên soạn, có quy định đối với tầng hầm dùng làm gara xe (bãi để xe) như sau: “Độ dốc của các lối ra vào tầng hầm không lớn hơn 15%”. Quy định trên được biên soạn trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn của một số nước như:
- Tiêu chuẩn của Liên Bang Nga- SNiP 21-02:1999 - Bãi đỗ xe tại mục 5.28 quy định: “ .... độ dốc đối với đường thẳng tối đa 18% và đối với đường cong tối đa là 13% (đối với bãi đỗ dưới tầng hầm)”;
- Tiêu chuẩn Trung Quốc CJJ 15-1987- Bãi đỗ xe tại mục 3.10.10 quy định: “….độ dốc dọc đối với đường dốc thẳng nên nhỏ hơn 12%, độ dốc dọc đối với đường cong nên nhỏ hơn 9% (đối với bãi đỗ dưới tầng hầm)”;
- Điều luật sửa đổi bổ sung số 6655 về bãi đỗ xe của Thành phố Seoul năm 2002 tại điều 6- d) quy định : “...Các đường dốc không được lớn hơn 14% đối với đường cong và không được lớn hơn 17% đối với đường thẳng”;
- Cơ sở dữ liệu thiết kế Neufert quy định: “Đường dốc thẳng tối đa là 1: 7 (≈14%) đối với chiều dài đường dốc 19,8m và 1:9 (≈ 11%) đối với chiều dài đường dốc lớn hơn 19,8m” và “Độ dốc của đường cong tối đa là 1: 12( ≈ 8.5%)”.
Như vậy đây sẽ là các cơ sở khoa học để Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC) có thể tham khảo áp dụng trong dự án của mình.
TCXDVN 276: 2003 có quy định về đường dốc trong các công trình cộng áp dụng cho xe lăn có áp dụng cho tất cả các loại xe khác không?
- TCXDVN 276: 2003 quy định tại mục 5.7, chỉáp dụng cho loại xe lăn của những người khuyết tật và cũng chỉ quy định cho đường dốc ở những nơi có sự thay đổi độ cao nhằm đảm bảo cho người khuyết tật đi xe lăn có thể di chuyển dễ dàng.
- Quy định này không áp dụng cho đường dốc xuống tầng hầm và cho các loại phương tiện cơ giới khác.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 94/BXD-KHCN