Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình, báo cáo về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng

Thứ ba, 11/02/2014 09:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 30/12, Bộ Xây dựng đã có công văn2814/BXD-GĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình, báo cáo về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Ngày 06/02/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng (Nghị định 15/2013/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2013. Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng (Thông tư số 10/2013/TT-BXD) để hướng dẫn thực hiện.

Đến nay, các địa phương đang triển khai thực hiện các quy định về kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng và tổng hợp, báo cáo về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng trước ngày 15/12 hằng năm theo quy định tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 10/2013/TT-BXD. Qua phản ánh của một số cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương và kiểm tra của Bộ Xây dựng cho thấy việc thực hiện các quy định nêu trên ở một số địa phương còn lúng túng và chưa thống nhất. Để triển khai tốt các quy định này, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các công việc sau:

1. Về tổ chức thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng:

1.1. Giao cho Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành rà soát các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn, lập danh mục các công trình trên địa bàn thuộc đối tượng kiểm tra quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 25 Thông tư số 10/2013/TT-BXD và gửi về Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.

1.2. Phân công cho Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra các công trình thuộc đối tượng kiểm tra quy định tại Khoản 6 Điều 25 Thông tư số 10/2013/TT-BXD; căn cứ thực tế xây dựng tại địa phương, xem xét việc phân cấp kiểm tra đối với một số công trình cấp III, IV thuộc trách nhiệm kiểm tra của Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban quản lý các khu đô thị, Ban quản lý các khu công nghiệp thực hiện.

1.3. Đối với các công trình có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), yêu cầu Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban quản lý các khu đô thị, Ban quản lý các khu công nghiệp hướng dẫn chủ đầu tư về việc kiểm tra công tác nghiệm thu và kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình xây dựng.

1.4. Chỉ đạo các Sở Xây dựng thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo trình tự và nội dung kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình dân dụng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và hạ tầng kỹ thuật theo hướng dẫn tại mục 2 văn bản này. Đối với các công trình chuyên ngành khác (giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn ... ) thì các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tham khảo, bổ sung cho phù hợp với công trình chuyên ngành do mình quản lý để thực hiện. Đối với nhà ở riêng lẻ và một số công trình có quy mô nhỏ khác sẽ có hướng dẫn riêng trên cơ sở đơn giản hóa nội dung hồ sơ hoàn thành công trình.

2. Hướng dẫn kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng (Áp dụng đối với công trình dân dụng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và hạ tầng kỹ thuật)

2.1. Trình tự kiểm tra: Trình tự kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện như sau:

a) Kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng:

- Cơ quan chuyên môn về xây dựng chủ động rà soát các công trình thuộc đối tượng kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư gửi báo cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Thông tư số 10/2013/TT-BXD (tham khảo mẫu báo cáo tại Phụ lục 1a kèm theo công văn này).

- Thông báo cho chủ đầu tư kế hoạch và nội dung kiểm tra tại một số giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng của công trình (tham khảo mẫu thông báo tại Phụ lục 1b kèm theo công văn này).

- Thực hiện kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra cho chủ đầu tư (tham khảo mẫu thông báo tại Phụ lục 1c kèm theo công văn này).

b) Kiểm tra công trình lần cuối:

- Thông báo cho chủ đầu tư kế hoạch và nội dung kiểm tra công trình lần cuối sau khi nhận được báo cáo hoàn thành thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Thông tư số 10/2013/TT-BXD (tham khảo mẫu thông báo tại phụ lục 1d kèm theo công văn này).

- Thực hiện kiểm tra, lập biên bản kiểm tra và thông báo cho chủ đầu tư kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng (mẫu thông báo theo Phụ lục 4 Thông tư số 10/2013/TT-BXD).

c) Đối với công trình cấp I trở lên, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng phối hợp với Sở Xây dựng để thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

2.2 Nội dung và phương pháp kiểm tra:

a) Kiểm tra hiện trạng các bộ phận công trình bằng trực quan và kiểm tra, đối chiếu các số liệu quan trắc, đo đạc so với yêu cầu của thiết kế.

b) Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và đánh giá sự phù hợp theo yêu cầu của thiết kế dựa trên hồ sơ hoàn thành công trình (tham khảo Phụ lục 2 kèm theo công văn này).

c) Trường hợp cần thiết, cơ quan chuyên môn về xây dựng được quyền yêu cầu chủ đầu tư ký hợp đồng với đơn vị sự nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp tham gia thực hiện việc kiểm tra hồ sơ, đánh giá sự phù hợp theo yêu cầu của thiết kế.

d) Trường hợp kiểm tra hồ sơ phát hiện thấy tổ chức thí nghiệm không đủ điều kiện năng lực theo quy định, số liệu kết quả thí nghiệm không đủ độ tin cậy; kiểm tra hiện trạng bằng trực quan, các số liệu quan trắc, đo đạc cho thấy công trình, hạng mục công trình, bộ phận công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thiết kế (nghiêng, lún, nứt, thấm ... vượt quy định cho phép) thì cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu chủ đầu tư tổ chức thực hiện thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng, thí nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình.

2.3. Chi phí kiểm tra:Chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng được lập dự toán và tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình bao gồm:

a) Chi phí kiểm tra của cơ quan chuyên môn về xây dựng bao gồm: (chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, ở, ...) được tính theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính.

b) Chi phí thuê tổ chức, cá nhân tư vấn tham gia kiểm tra được thực hiện theo quy định tại Điểm 3.5 Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 25/5/2010 của Bộ Xây dựng; giá trị căn cứ vào khối lượng công việc thực hiện được tính theo quy định tại Phụ lục hướng dẫn lập dự toán chi phí tư vấn kèm theo Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Cơ quan chuyên môn về xây dựng lập dự toán dự trù chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu và gửi cho chủ đầu tư phê duyệt.

2.4. Thông báo kết quả kiểm tra:

Kết thúc từng đợt kiểm tra, cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả kiểm tra, nêu rõ các vấn đề tồn tại (nếu có) để chủ đầu tư khắc phục.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra công trình lần cuối, nếu hiện trạng chất lượng công trình và hồ sơ hoàn thành công trình đáp ứng được yêu cầu của thiết kế và quy định của pháp luật, đảm bảo đủ điều kiện khai thác và sử dụng công trình thì cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo chấp thuận cho chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

Trường hợp công trình có biểu hiện không đảm bảo an toàn vận hành, khai thác và sử dụng (an toàn chịu lực, an toàn phòng cháy và chữa cháy, an toàn môi trường và các an toàn khác theo quy định của pháp luật có liên quan); vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình thì cơ quan chuyên môn về xây dựng không chấp thuận cho chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Việc tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng chỉ được thực hiện nếu các bên có liên quan khắc phục, giải quyết được các tồn tại và vi phạm nêu trên.

3. Về tổng hợp, báo cáo tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng:

3.1. Việc tổng hợp, báo cáo tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng thực hiện theo mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 6 Thông tư số 10/2013/TT-BXD và đảm bảo thời hạn nộp báo cáo cho Bộ Xây dựng trước 15/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3.2. Việc phân loại chất lượng công trình theo các mức độ trung bình, khá, tốt quy định tại Điểm c Khoản 2 Mục III Phụ lục số 6 và Phụ lục số 7 Thông tư số 10/2013/TT-BXD:

a) Trong năm 2013 trước mắt chỉ áp dụng đối với các đối tượng công trình sau:

- Các công trình đã được chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công xây dựng đăng ký tham dự các giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BXD ngày 31/7/2013 của Bộ Xây dựng ban hành quy định tổ chức giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng.

- Các công trình được cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ định phân loại chất lượng công trình theo các mức độ trung bình, khá, tốt thông qua kiểm tra công tác nghiệm thu sau ngày Thông tư số 10/2013/TT-BXD có hiệu lực thi hành.

b) Phương thức phân loại: vận dụng cách chấm điểm theo Thông tư số 12/2013/TT-BXD, Bộ Xây dựng đã rà soát và biên soạn Bảng các tiêu chí phân loại tại Phụ lục 3 kèm theo văn bản này để tham khảo thực hiện.

3.3. Bổ sung vào báo cáo phần đánh giá tổng quan về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng tại địa phương trên cơ sở so sánh các số liệu của năm báo cáo với năm trước đó.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, triển khai kiểm tra công tác nghiệm thu và báo cáo về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2814/BXD-GĐ.
 

Tài liệu đính kèm bài viết
Huong dan kiem tra cong tac nghiem thu dua cong trinh vao su dung.rarTải về
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)