Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ chủ trì Hội thảo.
Kết quả tổng hợp của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tổ chức khoảng 28.014 hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 15 triệu lượt ý kiến đóng góp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân về nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tính đến ngày 25/3, Bộ Tư pháp, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã nhận được 29/30 báo cáo kết quả lấy ý kiến của các Bộ, ngành, 59/63 báo cáo kết quả lấy ý kiến của các địa phương với 5.000 trang.
Các ý kiến tham gia xây dựng công phu, tâm huyết, thể hiện trách nhiệm lớn của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp toàn diện với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung vào chế định Chính phủ và chính quyền địa phương. Theo đó, nhiều ý kiến tán thành việc quy định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và đề nghị bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn tương xứng.
Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh cho rằng việc bỏ quy định này là khoa học, hợp lý bởi ngay quy định “Chính phủ là cơ quan hành pháp” đã nói rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chế định Chính phủ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cần được quy định rõ ràng, trong đó cần đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, Bộ trưởng.
Bên cạnh đó, cần bổ sung một số thẩm quyền cho Chính phủ để thực hiện việc kiểm soát quyền lực trong mối quan hệ với các cơ quan khác.
Ảnh: VGP
Về chế định chính quyền địa phương, tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm chính quyền địa phương và mô hình tổ chức các cấp chính quyền địa phương, bổ sung quy định nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ chế kiểm soát của Trung ương đối với chính quyền địa phương, bỏ quy định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực ở địa phương, đề nghị đổi Uỷ ban nhân dân thành Uỷ ban hành chính nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu Uỷ ban hành chính.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần có quy định mang tính mở để dự liệu việc thành lập các đơn vị hành chính lãnh thổ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các đặc thù của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ, trên tinh thần xây dựng của các nhà quản lý, nhà khoa học đối với Dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo quan trọng này. Các ý kiến đều được tổng hợp đầy đủ nhằm hoàn thiện Dự thảo báo cáo để Ban Chỉ đạo trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại phiên họp toàn thể ngày 28/3 và gửi Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đúng tiến độ.
Qua đợt lấy ý kiến này khẳng định mạnh mẽ và rõ ràng chủ trương của Đảng và Nhà nước là sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới, phục vụ cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Đồng thời cũng phê phán, không chấp nhận việc lợi dụng việc sửa đổi Hiến pháp để chống phá chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc đóng góp ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, trí tuệ, tâm huyết của toàn dân. Qua đó chung tay hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bảo đảm chất lượng cao nhất.
Đối với các kiến nghị cụ thể của các đại biểu, Phó Thủ tướng đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh theo chỉ đạo, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo : chinhphu.vn