Trình bày Báo cáo thuyết minh tóm tắt Dự án trước Hội đồng, Chủ nhiệm Dự án - ThS.KTS. Đỗ Thị Thu Vân cho biết, Dự án là sự tiếp nối đề tài nghiên cứu về loại hình kiến trúc nhà thờ Công giáo tại Việt Nam, nhằm bổ sung cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về kiến trúc công trình nhà thờ Công giáo, qua đó đánh giá đầy đủ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử nhà thờ công giáo - thể loại công trình đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu của Dự án là khu vực Trung Bộ và Nam Bộ, với 5 Giáo phận là: Nha Trang, Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang, Sài Gòn. Dự án tiến hành khảo sát và nghiên cứu các nhà thờ Công giáo có kiến trúc, văn hóa, lịch sử tiêu biểu được xây dựng trước năm 1954 ở các cấp độ được phân chia theo tổ chức Công giáo là nhà thờ chính tòa và nhà thờ giáo xứ, về quy hoạch xây dựng tổng thể và kiến trúc công trình.
Để thực hiện Dự án, nhóm nghiên cứu Viện Kiến trúc quốc gia đã áp dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành: Lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật; khai thác tài liệu liên quan đến Dự án; điều tra, khảo sát và lập danh mục nhà thờ Công giáo thuộc phạm vi nghiên cứu của Dự án; phân tích, đánh giá giá trị kiến trúc của công trình; xây dựng và hoàn thiện Báo cáo tổng kết Dự án.
Sản phẩm của Dự án bao gồm: Danh mục thống kê, thông tin cơ bản của 362 nhà thờ Công giáo ở Trung Bộ, Nam Bộ; Hồ sơ hiện trạng 22 công trình nhà thờ; Báo cáo tổng kết Dự án. Trong Báo cáo tổng kết Dự án, nhóm nghiên cứu nêu tổng quan về kiến trúc nhà thờ Công giáo ở Trung Bộ và Nam Bộ, đồng thời đánh giá hiện trạng, xác định giá trị, định hướng bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị công trình nhà thờ Công giáo ở Nam Bộ, Trung Bộ.
Theo đánh giá của Dự án, số lượng công trình nhà thờ Công giáo ở Trung Bộ và Nam Bộ tuy không nhiều như ở Bắc Bộ, song lại đóng vai trò quan trọng đối với quỹ di sản kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. Tuy cùng nằm trong 2 thể loại chính giống như nhà thờ Công giáo ở Bắc Bộ, là: Nhà thờ có hệ kết cấu chịu lực bằng gỗ và nhà thờ có kết cấu chịu lực sử dụng các loại vật liệu khác (gạch đá, bê tông, sắt thép… ) song về tổng thể và đặc điểm kiến trúc, công trình nhà thờ Công giáo ở Trung Bộ và Nam Bộ có sự khác biệt nhất định, như: Khuôn viên nhà thờ thường nhỏ hơn, nội thất trang trí ít cầu kỳ, các chi tiết trang trí trên mặt đứng công trình đơn giản hơn…
Để đánh giá tổng thể và sâu sắc hơn về kiến trúc nhà thờ Công giáo ở Việt Nam, Dự án kiến nghị cần tiến hành điều tra, khảo sát riêng từng thể loại nhà thờ Công giáo và theo từng thời kỳ ở mỗi vùng, đồng thời lập bản đồ phân bố công trình để đưa ra định hướng gìn giữ và phát huy giá trị các công trình nhà thờ Công giáo ở Việt Nam phù hợp cho từng vùng.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đánh giá cao kết quả của Dự án. Dự án được thực hiện đúng tiến độ, đầy đủ sản phẩm và đảm bảo chất lượng, tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần xem xét, chỉnh sửa bố cục Báo cáo thuyết minh tổng hợp đảm bảo ngắn gọn, súc tích hơn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn tổng hợp các ý kiến đóng góp của Hội đồng và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu, trong đó tập trung xem lại bố cục Báo cáo, bổ sung sơ đồ nghiên cứu tổng quát, đánh giá kiến trúc cảnh quan không gian các công trình nhà thờ Công giáo thuộc phạm vi nghiên cứu của Dự án, sớm hoàn chỉnh Báo cáo trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu Dự án SNKT “Điều tra, khảo sát, đánh giá giá trị nhà thờ Công giáo ở Trung Bộ, Nam Bộ”, với kết quả xếp loại Khá.
Trần Đình Hà