Tham dự Hội thảo có đông đảo các chuyên gia trong nước, các tổ chức quốc tế, đại diện các Bộ ngành, các Sở Xây dựng và các doanh nghiệp cấp nước các địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Mai Thị Liên Hương cho biết, Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2147 ngày 24/11/2010 nhằm tập trung, huy động các nguồn lực cho hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch, với mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân xuống dưới 15% vào năm 2025. Triển khai Chương trình này, Bộ Xây dựng đã xây dựng các kế hoạch, các chương trình hành động theo từng giai đoạn. Đến nay, so với năm 2010, tổng công suất các nhà máy nước đã tăng từ 6,2 triệu m3/ngđ lên gần 9 triệu m3/ngđ, tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch tăng từ gần 76% lên 86% trong bối cảnh tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30% lên 37%, tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch đã giảm 13% xuống 21,5% bình quân cả nước. Bên cạnh những thành tựu về cải thiện công tác quản lý, vận hành, áp dụng công nghệ tiên tiến có mức độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường, đảm bảo cấp nước an toàn thì các công ty cấp nước cũng đạt được những tiến bộ đáng khích lệ về giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch, tiêu biểu như các công ty cấp nước Bình Dương, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Theo Bà Mai Thị Liên Hương, ngành nước là ngành có đặc trưng là quy trình sản xuất đòi hỏi tiêu tốn nhiều năng lượng, do đó việc cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm thất thoát nước sạch sẽ giúp các công ty cấp nước tăng cường được hiệu quả tài chính.
Chuyên gia của WB báo cáo tại Hội thảo
Tại Hội thảo này, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới đã báo cáo về kết quả thực hiện việc khảo sát, đánh giá và chia sẻ dữ liệu về hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực cấp nước, đặc biệt tập trung vào 15 công ty cấp nước của các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi Dự án hỗ trợ kỹ thuật của WB. Cùng với đó, là các báo cáo của các công ty cấp nước về kinh nghiệm, mô hình và các thành tựu trong triển khai chống thất thoát, thất thu nước và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất.
Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu của WB đối với các công ty cấp nước thuộc Dự án cho thấy còn có nhiều tiềm năng cả trong việc chống thất thoát, thất thu nước sạch và nâng cao hiệu quả năng lượng. Hiệu quả năng lượng mang lại lợi ích lớn và dễ thực hiện, trong khi tỷ lệ giảm thất thoát nước sạch nhìn chung có vẻ tốt nhưng thất thoát có thể vẫn cao nếu tính trên đấu nối hoặc km đường ống. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, các chuyên gia WB đã đề xuất và giới thiệu về mô hình Hợp đồng chống thất thoát nước sạch dựa trên hiệu quả (NRW PBC) - các công ty cấp nước ký hợp đồng với các nhà thầu tư nhân về giảm thất thoát, thất thu nước sạch. Khi đó nhà thầu tư nhân sẽ cấp vốn cho dự án, thực hiện việc chống thất thoát, thất thu nước sạch, và được công ty nước trả tiền cho phần nước tiết kiệm được.
Minh Tuấn