Ngày 22/3/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2045. Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, hội, hiệp hội chuyên ngành xây dựng, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp. Bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc chủ trì hội nghị.
Vụ trưởng Trần Thu Hằng phát biểu tại hội nghị
Trình bày tóm tắt thuyết minh Nhiệm vụ tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn nêu sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích 31.936 ha, thời hạn lập quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp trở thành khu kinh tế tổng hợp gồm: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị; đẩy nhanh tiến độ, triển khai đầu tư các dự án hạ tầng đã được duyệt; tiếp tục rà soát các hạng mục hạ tầng thiết yếu cần triển khai trong giai đoạn tiếp theo; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến cao tốc; cảng biển, các trung tâm đầu mối giao thông, du lịch, logistics; lồng ghép kinh tế tuần hoàn nhằm xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu phát triển theo hướng kinh tế xanh, bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới, hiện đại; tổ chức không gian kiến trúc, quy hoạch sử dụng đất với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động của khu kinh tế, tạo sinh kế cho người dân, góp phần bố trí, ổn định dân cư các xã biên giới giữa Việt Nam và Campuchia; làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp được điều chỉnh quy hoạch với tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt là trong quan hệ với Campuchia; là khu vực đô thị biên giới có ảnh hưởng và lan tỏa thúc đẩy sự phát triển vùng phía Bắc tỉnh Đồng Tháp; có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng.
Tại hội nghi, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá đơn vi tư vấn đã có nhiều nỗ lực trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ được thực hiện công phu, đa dạng thông tin trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp rà soát cơ sở pháp lý; làm rõ hơn vai trò, vị trí của khu kinh tế cũng như cơ sở khoa học và tính khả thi của dự báo về dân số, chỉ tiêu sử dụng đất; cần tập trung đánh giá hiện trạng khu kinh tế từ đó làm rõ các điểm nghẽn về quy hoạch, hạ tầng, chính sách… trong quá trình triển khai quy hoạch đã được phê duyệt thời gian qua, từ đó đề xuất định hướng tổ chức không gian, định hướng xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị phù hợp với điều kiện thực tiễn và tạo động lực phát triển khu kinh tế thời gian tới.
Toàn cảnh hội nghị
Kết luận hội nghị, bà Trần Thu Hằng đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đối với phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Tháp và khu vực Đồng Tháp Mười, đồng thời cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2045 sẽ giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời tạo động lực mới để Khu kinh tế của khẩu tỉnh Đồng Tháp phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.