Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện nay, việc quản lý sự chuyển đổi đô thị là một nhiệm vụ rất quan trọng và khó khăn đối với các quốc gia trong vùng, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và dưới tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế, các kỳ họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đã thảo luận và thông qua các nội dung quan trọng về các vấn đề phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu như: Tăng trưởng toàn diện, bền vững và sáng tạo, đưa các chủ đề về đô thị hóa vào chương trình làm việc, xây dựng mục tiêu phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững.
Năm 2017, Chính phủ Việt Nam tổ chức Đối thoại APEC 2017 về đô thị hóa bền vững để thảo luận các vấn đề quan trọng của đô thị hóa bền vững nhằm đề xuất các khuyến nghị, chính sách hỗ trợ “Các thành phố trở nên an toàn, vững chắc và bền vững”, đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong giai đoạn 2016 - 2030.
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung vào các nội dung: Liên kết vùng trong phát triển đô thị hướng tới sự bền vững; phát triển nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình phát triển năng lượng hiệu quả và tăng trưởng xanh; phát triển các thành phố có khả năng chống chịu và thích ứng biến đổi khí hậu; nghèo đa chiều… Thông qua kết quả đối thoại, các khuyến nghị chính sách sẽ được xây dựng chặt chẽ từ các bài trình bày và thảo luận từ các nền kinh tế phát triển của APEC.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị đối thoại APEC 2017 về đô thị hóa bền vững. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra những thách thức đòi hỏi các nước APEC phải xây dựng chiến lược phát triển các thành phố thông minh, sinh thái. Theo đó, vấn đề quy mô và tính phức hợp bền vững của những đô thị cần có sự đối thoại tốt trên quy mô toàn cầu.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã gắn kết quá trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và trong cả nước.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải tập trung giải quyết trong quá trình đô thị hóa, như: Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt qua khả năng điều hành của chính quyền địa phương, phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, dịch cư thiếu kiểm soát, chênh lệch giàu nghèo, liên kết đô thị - nông thôn, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên... và các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao.
Trong khi đó, ông Achim Fock nhấn mạnh những yếu tố cần thiết để đạt được đô thị hóa bền vững, đó là: Chúng ta phải có chính sách quản lý đô thị một cách phù hợp, quy hoạch đô thị đa ngành và hiệu quả, tư duy tổng hợp về mặt không gian, chức năng ngành, chú trọng vai trò lãnh đạo của các địa phương.
Trần Đình Hà