Ngày 28/11/2023, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo khoa học “Sử dụng đá vôi chất lượng thấp để sản xuất clinker xi măng”, với sự tham dự của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu, các hội, hiệp hội chuyên ngành vật liệu xây dựng, đại diện các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Nguyễn Văn Huynh chủ trì hội thảo.
Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Nguyễn Văn Huynh chủ trì hội thảo
Đây là hội thảo thuộc đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu sử dụng đá vôi chất lượng thấp (có hàm lượng CaO nhỏ hơn 49% và hàm lượng MgCO3 lớn hơn 5%) để sản xuất clinker xi măng”, Mã số RD26-22.
Tham dự hội thảo, TS. Hoàng Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) trình bày những định hướng trọng tâm trong phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2050. Theo đó, giai đoạn từ nay đến 2030 chỉ đầu tư mới nhà máy sản xuất clinker xi măng có công suất một dây chuyền không nhỏ hơn 5.000 tấn clinhker/ngày, gắn với vùng nguyên liệu và đầu tư đồng thời hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường.
ThS. Hà Văn Lân phát biểu tại hội thảo
Trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu sử dụng đá vôi chất lượng thấp (có hàm lượng CaO nhỏ hơn 49% và hàm lượng MgCO3 lớn hơn 5%) để sản xuất clinker xi măng”, ThS. Hà Văn Lân – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng cho biết, có thể sử dụng đá vôi có hàm lượng MgCO3 lên đến 8,9% và hàm lượng CaCO3 lớn hơn 80% để sản xuất clinker xi măng mà không cần sử dụng phụ gia khoáng hóa. Tuy nhiên, cường độ nén của mẫu xi măng tạo ra từ clinker này không đạt mác 50Mpa. Trong trường hợp sử dụng phụ gia khoáng hóa CaF2, có thể sử dụng đá vôi có hàm lượng MgCO3 lên đến 11,4% và hàm lượng CaCO3 lớn hơn 78,2% để sản xuất clinker xi măng, song cũng ảnh hưởng nhiều đến môi trường.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo
Mặt khác, có thể sử dụng phụ gia khoáng hóa CaSO4.2H2O trong khi dùng đá vôi chất lượng thấp (hàm lượng MgCO3 lên đến 8,9%) để hạn chế một phần độ nở autoclave và tăng cường độ của mẫu xi măng. Tuy nhiên, cần chú ý đến tỷ lệ SO3/kiềm theo khuyến cáo của nhà cung cấp thiết bị, công nghệ để đảm bảo quá trình vận hành (giá trị khuyến cáo tỷ lệ SO3/kiềm của clinker trong khoảng 0,8 - 1,1). Từ đây, nhóm tác giả kết luận không xây dựng tiêu chuẩn mới về đá vôi chất lượng thấp làm nguyên liệu sản xuất xi măng, mà tổ chức soát sét tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6072:2013 về đá vôi để sản xuất clinker xi măng poóc lăng. Bên cạnh đó, cần tổ chức soát sét Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7024:2013 về clinker xi măng pooclăng để đảm bảo việc sử dụng nguyên liệu đá vôi hiệu quả cũng như sử dụng được các phế thải công nghiệp có lẫn hàm lượng MgO cao để sản xuất clinker xi măng.
Quang cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo, các chuyên gia, đại biểu, khách mời đã tích cực trao đổi, thảo luận xung quanh chủ đề hội thảo. Theo đại diện Công ty xi măng Hoàng Thạch, sử dụng đá vôi có hàm lượng MgO cao chưa mang lại nhiều hiệu quả về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, do nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, nhất là các vùng nguyên liệu cho các nhà máy xi măng, cùng với việc phải cạnh tranh khốc liệt về giá thành sản phẩm, buộc các nhà máy phải tìm mọi biện pháp để giảm chi phí sản xuất. Vì vậy, hiện nay việc tăng cường sử dụng đá vôi có hàm lượng MgO cao được VICEM Hoàng Thạch ưu tiên hàng đầu nhằm tận dụng tối đa tài nguyên, chi phí khai thác mỏ ở mức tối thiểu (không phải mất nhiều chi phí bóc tách, bốc xúc vận chuyển đổ ra nơi khác để lấy mặt bằng tiếp tục khai thác các tầng mới). Các chuyên gia cũng đồng tình với việc không xây dựng tiêu chuẩn mới về đá vôi chất lượng thấp làm nguyên liệu sản xuất xi măng, mà cần thiết tổ chức soát sét TCVN 6072:2013 về đá vôi để sản xuất clinker xi măng poóc lăng và soát xét TCVN 7024:2013 về clinker xi măng pooclăng, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.