Ngày 20/4/2023, tại Hà Nội, Hội Kết cấu và Công nghệ xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo toàn quốc lần thứ 33 với chủ đề “An toàn công trình”, với sự tham dự của lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chức năng thuộc Bộ Xây dựng; đại diện các trường đại học chuyên ngành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, xây dựng giao thông, thủy lợi.
GS.TS.Nguyễn Văn Liên - Chủ tịch Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TSKH. Nguyễn Văn Liên - Chủ tịch Hội Kết cấu và Công nghệ xây dựng Việt Nam cho biết, trong những năm qua, cùng với việc làm chủ các công nghệ xây dựng tiên tiến, vấn đề an toàn trong thiết kế, thi công và vận hành, sử dụng công trình cũng được ngành Xây dựng chú trọng nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc, liên quan đến năng lực của chủ thể xây dựng, nhất là các đơn vị thi công và giám sát. GS. Nguyễn Văn Liên bày tỏ hy vọng hội thảo lần này sẽ là dịp để các nhà quản lý, các chủ sở hữu, người sử dụng công trình cùng nhìn lại để có đánh giá tổng quan về an toàn công trình xây dựng, từ đó đưa ra những đề xuất, giải pháp góp phần nâng cao an toàn công trình xây dựng.
PGS.TS.Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) phát biểu tham luận tại hội thảo
Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nêu rõ: từ khi Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật được ban hành đã có nhiều quy định về công tác đánh giá an toàn công trình, cụ thể là Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại các đô thị trên phạm vi cả nước; Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng kèm theo Quyết định số 681/QĐ-BXD ngày 12/7/2016 của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Minh Hà, thực tế đánh giá an toàn công trình gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định chi tiết về đối tượng, nội dung, tần suất đánh giá và trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Hơn nữa, các công trình cũ đã xuống cấp, bị cơi nới, thay đổi công năng, thiếu hồ sơ, thông tin quan trọng liên quan tới các thông số đánh giá. Để khắc phục các tồn tại này, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, biên soạn, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật với các quy định chi tiết, cụ thể về đánh giá an toàn công trình (Thông tư số 10/2021/TT-BXD).
Giới thiệu nội dung chính của dự thảo các quy trình đánh giá an toàn công trình (do Cục Giám định chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn như trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng), TS. Phạm Minh Hà cho biết Quy trình này được xây dựng dựa trên các quy định, nguyên tắc và phương pháp luận của thế giới (ISO 13822, JRC 94918...), do đó đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, phù hợp với định hướng hệ thống tiêu chuẩn mới của Việt Nam và xu hướng hội nhập quốc tế.
Tại hội thảo, đề cập tới một vấn đề rất cấp thiết hiện nay - an toàn cháy cho nhà và công trình, TS.Cao Duy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng giới thiệu 2 giải pháp: sơn chống cháy cho kết cấu thép, bảo vệ chống khói cho nhà và công trình, đồng thời nhận định một số vướng mắc trong thực tiễn thiết kế, thi công và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Cho tới nay, Việt Nam chưa có các bộ cơ sở dữ liệu cần thiết phục vụ công việc này (cơ sở dữ liệu các đặc tính kỹ thuật về cháy của các vật liệu, các tải trọng cháy; các chất, phương tiện bọc bảo vệ chịu lửa, khả năng chịu lửa của các cấu kiện...). Để xây dựng những bộ cơ sở dữ liệu này, theo TS. Cao Duy Khôi, rất cần sự quan tâm sát sao của Nhà nước và cần có thời gian để tích lũy dần các thông tin.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, nhiều bài tham luận bổ ích với các nội dung: an toàn trong thi công kết cấu thép siêu trường, siêu trọng, siêu cao (CONINCO); một số góp ý sửa đổi Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước (Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam); khảo sát nguyên nhân sụp đổ của vòm thép không gian 3 lớp dưới tác động gió (trường Đại học Xây dựng Hà Nội)...đã nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu tham dự.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức hội thảo đã công bố kế hoạch phát động tổ chức Giải thưởng Kết cấu và Công nghệ Xây dựng của Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam, nhằm thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo của các cá nhân, tổ chức trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn, thi công xây dựng, sản xuất cấu kiện...Giải thưởng sẽ tạo môi trường học hỏi, sáng tạo cho các kỹ sư xây dựng nhằm tăng cường sự phối hợp, đồng kiến tạo ra các sản phẩm mới.