Ngày 23/2/2023, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu về điều kiện địa chất và sức chịu tải của cọc khoan nhồi, cọc ép, cọc đóng tại các đô thị lớn Việt Nam”, do nhóm nghiên cứu Viện Khoa học công nghệ xây dựng thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Lê Minh Long - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Trình bày với Hội đồng, TS. Trần Toàn Thắng cho biết, đề tài nhằm xây dựng phần mềm có chức năng quản lý cơ sở địa chất công trình phục vụ công tác tính toán sức chịu tải cọc; quản lý các số liệu thí nghiệm xác định sức chịu tải cọc tại hiện trường; tính toán sức chịu tải cọc theo đất nền và theo kết quả thí nghiệm nén tĩnh cọc tại hiện trường; lập cơ sở dữ liệu ban đầu về địa chất công trình và thí nghiệm xác định sức chịu tải cọc tại hiện trường khu vực Hà Nội.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tích cực sưu tầm, tham khảo nhiều tài liệu trong nước và quốc tế có liên quan đồng thời áp dụng nhiều phương pháp khoa học khác nhau để hoàn thành các sản phẩm theo hợp đồng, bao gồm: Báo cáo tổng kết; Phần mềm quản lý cơ sở địa chất công trình; Lập cơ sở dữ liệu ban đầu về địa chất công trình và thí nghiệm xác định sức chịu tải cọc tại hiện trường cho khu vực Hà Nội.
Theo báo cáo, phần mềm quản lý cơ sở địa chất công trình có thể cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu công trình, địa chất công trình và cọc; tính toán nhanh sức chịu tải của cọc trên cơ sở dữ liệu địa chất công trình và thí nghiệm nén tĩnh cọc đã có tại hiện trường; lưu giữ lượng dữ liệu lớn nhưng thời gian truy vấn dữ liệu nhanh; tra cứu số liệu công trình, địa chất công trình và cọc, cho phép nhiều người có thể tra cứu dữ liệu tại mọi nơi. Số liệu trong cơ sở dữ liệu được số hóa giúp kỹ sư nhanh chóng tham khảo, thiết kế nền móng nói chung, thậm chí thiết kế các phần mềm tính toán nền móng trên cấu trúc dữ liệu này.
TS. Trần Toàn Thắng cho biết, sản phẩm của đề tài sau khi được nghiệm thu và áp dụng trong thực tiễn sẽ là cơ sở để xây dựng khái toán giá trị công trình khi chưa có số liệu khảo sát, thí nghiệm chính thức. Khi giá trị tham khảo gần giống giá trị thực tế thì thời gian thực hiện dự án và chi phí xây dựng được giảm thiểu, loại bỏ được thời gian/chi phí phát sinh do các điều kiện địa chất không thể lường trước; giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt các rủi ro, có các biện pháp quản lý chất lượng công trình, quy hoạch phù hợp cho từng khu vực cụ thể.
Để kết quả của đề tài sớm phát huy giá trị trong thực tiễn, nhóm nghiên cứu kiến nghị Bộ Xây dưng giao cho đơn vị chuyên trách việc quản lý, duy trì hoạt động của trang web và server dữ liệu có liên quan, cũng như có đơn vị thực hiện việc thu thập và nhập số liệu liên tục; phát triển cơ sở dữ liệu không chỉ trong phạm vi Hà Nội mà còn ở các tỉnh và thành phố khác; hoàn thiện các chức năng phần mềm, xây dựng các mô đun tính toán, thiết kế nền móng, dữ liệu mới, đáp ứng các nhu cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như cơ sở dữ liệu về hệ thống thông tin địa lý GIS, quản lý không gian ngầm.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng nhất trí với lý do, sự cần thiết thực hiện đề tài, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nói chung, Bộ Xây dựng nói riêng đang tích cực áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để thực hiện mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số trong toàn ngành, trên toàn quốc và đang tiến tới quản lý, phát triển không gian ngầm trong các đô thị.
Hội đồng đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nội dung, yêu cầu theo đề cương đã được phê duyệt. Báo cáo tổng kết được thực hiện công phu, đã trình bày tổng quát được toàn bộ khối lượng công việc và cách thức tổng hợp, thu thập, xử lý số liệu; đề xuất nhiều nội dung mang tính khả thi cao; phần mềm cho phép lưu giữ số liệu sau khi được thu thập, đồng thời trích xuất dữ liệu khi được yêu cầu, hoạt động tốt. Bên cạnh đó, Hội đồng góp ý nhóm nghiên cứu cần làm rõ hơn các nội dung liên quan đến công tác cập nhật dữ liệu, duy trì dữ liệu và đề xuất đơn vị quản lý vận hành; rà soát, sử dụng thống nhất thuật ngữ chuyên ngành; biên tập một số lỗi trình bày, chế bản.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Lê Minh Long tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết thu thập số liệu công trình ở các đô thị lớn trên toàn quốc nhằm nâng cao hơn nữa độ tin cậy và sức thuyết phục của sản phẩm đề tài.
Hội đồng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu đề tài, với kết quả đạt loại Khá.