Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thứ ba, 29/11/2022 17:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 29/11/2022, Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã diễn ra trên toàn quốc, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chủ trì Hội nghị.


Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu chính (Ảnh: Baochinhphu.vn)

Cùng dự và chủ trì Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Tham dự hội Hội nghị tại điểm cầu chính có các đồng Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương. Tại điểm cầu Cơ quan Bộ Xây dựng có Thứ trưởng Lê Quang Hùng, các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Xây dựng, lãnh đạo cấp ủy các cấp thuộc Đảng ủy Bộ Xây dựng.

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trình bày Báo cáo về một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 30-NQ/TW; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trình bày Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc đồng bằng sông Hồng (đồng thời cũng là Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng, gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây luôn được coi là địa bàn có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Hồng; đồng thời nêu lên những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này. Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX nêu 3 quan điểm chỉ đạo rất ngắn gọn; Nghị quyết lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển thành 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng, phù hợp với tình hình mới; đưa ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.


Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Cơ quan Bộ Xây dựng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngay sau Hội nghị, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các Ban Đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp uỷ và tổ chức Đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị ở các địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong Vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm phù hợp với từng địa phương trong Vùng và tiểu vùng.

Các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng cần cụ thể hoá Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)