Ngày 6/10/2022, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đã họp đánh giá, nghiệm thu dự án sự nghiệp kinh tế “Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về các hình thức đối tác công - tư (PPP) và áp dụng thí điểm một số nội dung phù hợp vào một chương trình đào tạo chính quy tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội”. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Lê Đông Thành - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Trình bày lý do, sự cần thiết thực hiện dự án, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Trần Hải Nam (trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết: hiện nay, nhu cầu đa dạng hóa nguồn tài chính và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển đất nước nói chung, trong xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nói riêng là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, PPP được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77/CP về Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (B.O.T) áp dụng cho đầu tư trong nước, cùng với loạt các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động thực tiễn liên quan tới các dự án PPP. Gần đây nhất, để hoàn thiện khung pháp lý đối với đầu tư theo hình thức PPP, Luật 64/2020/QH14 về Đầu tư theo phương thức PPP đã được ban hành và áp dụng vào thực tiễn.
Quá trình thực hiện các dự án PPP trong những năm qua đã cho thấy những nội dung như mô hình hợp tác công - tư hiệu quả, phương pháp quản lý rủi ro, quản lý hợp đồng và đánh giá mô hình hợp tác công ty... đóng vai trò rất quan trọng đối với toàn bộ các bên liên quan. Cán bộ trực tiếp thực hiện các dự án cần được cung cấp kiến thức lý thuyết và phương pháp luận từ cơ bản đến nâng cao, và lồng ghép áp dụng thực tế và tham quan. Do đó, việc thực hiện dự án này là rất cấn thiết.
Mục tiêu của Dự án nhằm đánh giá, phân tích thực trạng và nhu cầu đào tạo về hình thức PPP trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam; xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng về hình thức PPP trong lĩnh vực xây dựng; đề xuất áp dụng một số nội dung phù hợp vào chương trình đào tạo tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tế của các dự án PPP. Kết quả của dự án sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng trong việc đánh giá và xây dựng cơ chế, chính sách nhằm xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, huy động hiệu quả nguồn vốn tư nhân trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam.
Để thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã tham khảo các tài liệu trong nước và quốc tế có liên quan, áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học như khảo sát, thu thập, xử lý thông tin; phân tích, đánh giá; phương pháp thống kê; tổ chức hội thảo tổng hợp ý kiến chuyên gia...Xác định được nhu cầu về số lượng, chất lượng kỹ sư quản lý dự án PPP tại các đơn vị xây dựng, nhóm đã xây dựng nội dung chương trình đào tạo về hình thức PPP trong lĩnh vực xây dựng bậc đại học. Nội dung chương trình đào tạo đảm bảo tuân thủ các quy định về xây dựng khung chương trình bậc đại học; đáp ứng tối đa các yêu cầu về chất lượng kỹ sư quản lý dự án nói chung và kỹ sư quản lý dự án PPP nói riêng; phát huy những lợi thế và khắc phục các hạn chế của chương trình đào tạo kỹ sư quản lý dự án hiện nay.
Để nội dung đào tạo về hình thức PPP trong xây dựng sớm được đưa vào chương trình giảng dạy tại Đại học Kiến Trúc Hà Nội, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất đối với các cơ quan nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đối với các đơn vị sử dụng kỹ sư quản lý dự án; kiến nghị cần nghiên cứu chi tiết về nội dung giảng dạy từng bộ môn, đặc biệt là các môn chuyên ngành quản lý dự án xây dựng nói chung và dự án PPP nói riêng; nghiên cứu hình thức thực tập để việc vận dụng các kiến thức đã học trong trường vào thực tế đạt hiệu quả nhất.
Tại cuộc họp, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá, trong khuôn khổ thời hạn được giao, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ những yêu cầu, sản phẩm theo hợp đồng; hồ sơ nghiệm thu đảm bảo tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm của dự án, các tác giả cần tổng quan rõ hơn thực trạng triển khai các dự án PPP ở Việt Nam hiện nay; xác định rõ yêu cầu đào tạo ngắn hạn và dài hạn đối với kỹ sư quản lý dự án PPP và cần thiết đào tạo ở cấp học nào là hợp lý. Ngoài ra, cần làm rõ hình thức đào tạo riêng hay kết hợp với các ngành học khác.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Lê Đông Thành tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên Hội đồng và bổ sung một số ý kiến, để nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ, sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm của dự án để trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét theo quy định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu dự án, với kết quả xếp loại Khá.