Ngày 4/8/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn 2015 - 2020 và đề xuất các sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ”. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Lê Đông Thành - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Chủ tịch Hội đồng Lê Đông Thành kết luận cuộc họp
Báo cáo với Hội đồng, Chủ nhiệm Nhiệm vụ Hà Văn Lân cho biết: mục tiêu của Nhiệm vụ nhằm nêu lên bức tranh tổng thể về tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới, tình hình áp dụng khoa học công nghệ trong nước; cơ chế khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp 4.0 và tác động của đại dịch Covid-19. Phạm vi thực hiện điều tra, khảo sát trên địa bàn toàn quốc, với các ngành sản xuất vật liệu xây dựng: xi măng, gốm sứ thủy tinh và kính xây dựng, vật liệu xây, vật liệu ốp lát, vật liệu lợp.
Để thực hiện Nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã sưu tầm, tổng hợp tài liệu trong nước và quốc tế có liên quan, đồng thời tiến hành khảo sát thực tiễn tại nhiều địa phương đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thuộc phạm vi nghiên cứu của Nhiệm vụ; điều tra, khảo sát tại 11 nhà máy sản xuất xi măng, 6 nhà máy sản xuất gốm sứ thủy tinh và kính xây dựng, 8 nhà máy sản xuất vật liệu ốp lát, 2 nhà máy sản xuất vật liệu lợp.
Qua kết quả tổng hợp các phiếu điều tra khảo sát, nhóm nhận thấy: hiện nay các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đã tiếp cận những khoa học công nghệ hàng đầu của thế giới, tuy nhiên để áp dụng trong nước vẫn còn một số vướng mắc: việc áp dụng khoa học công nghệ cần nguồn vốn lớn, điều này rất khó khăn đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; các doanh nghiệp đã tính toán, sử dụng các phế thải công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt để làm nguyên, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng nhưng lại gặp vướng mắc bởi điều kiện vận chuyển và xử lý các loại phế thải này của Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu các tiêu chuẩn và quy chuẩn hướng dẫn sử dụng phế thải công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; việc ứng dụng và vận hành những dây chuyền máy móc hiện đại trong sản xuất vật liệu xây dựng đòi hỏi doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân lực trình độ kỹ thuật cao; các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ.
Dựa vào các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đề xuất: cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến sản phẩm khoa học công nghệ; không nên tiêu chuẩn hóa các loại phế thải cho mục đích sản xuất vật liệu xây dựng, vì mỗi chủng loại vật liệu xây dựng hoặc phế thải, rác thải cần có tiêu chuẩn riêng, điều này gây tốn kém về nguồn lực, hơn nữa mỗi khi có loại phế thải mới lại cần có thêm thời gian để xây dựng tiêu chuẩn trước khi doanh nghiệp được sử dụng. Do đó, chỉ nên tiêu chuẩn hóa những quy định về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời coi các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng có sử dụng phế thải, rác thải như cơ sở xử lý chất thải và có những chính sách phù hợp.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng đánh giá cao công sức, sự cố gắng của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện Nhiệm vụ. Theo Hội đồng, nhóm đã thực hiện đầy đủ các nội dung, yêu cầu bám sát đề cương được phê duyệt. Báo cáo tổng kết có nhiều thông tin, tổng quan được tình hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn 2015 - 2020 đồng thời đưa ra một số đề xuất cần thiết. Tuy nhiên, Hội đồng cũng góp ý nhóm nghiên cứu cần cập nhật, bổ sung thông tin thực tiễn hoạt động áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng, đảm bảo phong phú hơn; biên tập Báo cáo tổng kết ngắn gọn và bố cục hợp lý; nêu rõ hiệu quả áp dụng chính sách phát triển khoa học công nghệ trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời làm rõ những tồn tại, bất cập của cơ chế, chính sách làm cơ sở cho việc đề xuất các sửa đổi, bổ sung, nhằm khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Lê Đông Thành tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, trong đó chú trọng đề xuất cụ thể các sửa đổi bổ sung, xây dựng mới các chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất vật liệu xây dựng, hướng đến các mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên không tái tạo; bảo vệ môi trường; tiết kiệm năng lượng.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng thống nhất nghiệm thu Nhiệm vụ với kết quả đạt loại Khá.