Nghiệm thu Dự án SNKT “Điều tra, khảo sát, đánh giá giá trị nhà ở truyền thống của một số dân tộc khu vực miền Trung”

Thứ năm, 08/01/2015 15:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng ngày 8/01/2015, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu các kết quả của Dự án Sự nghiệp kinh tế “Điều tra, khảo sát, đánh giá giá trị nhà ở truyền thống của một số dân tộc khu vực miền Trung” do Viện Kiến trúc quốc gia thực hiện. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn phát biểu kết luận Hội nghị

Báo cáo về những nội dung chính của Dự án, Chủ nhiệm Dự án – ThS. KTS. Đỗ Thị Thu Vân đã khái quát quá trình triển khai thực hiện Dự án, những kết quả nghiên cứu và một số đề xuất về việc bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống.

Theo ThS. KTS Đỗ Thị Thu Vân, trong quá trình khảo sát về nhà ở truyền thống của một số tộc người thiểu số tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, nhóm nghiên cứu nhận thấy, số lượng nhà ở truyền thống của các tộc người thiểu số dần dần bị suy giảm và có nguy cơ bị xóa sổ do rất nhiều nguyên nhân. Trong phạm vi của Dự án, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát 38 công trình nhà ở truyền thống của các dân tộc Bru- Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, C Ho, Raglai và Chăm trên địa bàn 05 tỉnh nói trên. Thông qua việc thu thập và kế thừa các nghiên cứu trước đây trong cùng lĩnh vực, kết hợp với khảo sát, chụp ảnh, đo vẽ thực tế, phỏng vấn người dân, và phối hợp với các Sở, ngành liên quan của các địa phương có công trình được đưa vào dự án nghiên cứu, nhóm dự án đã hoàn thành Báo cáo tổng hợp và Báo cáo tóm tắt Dự án đề trình Hội đồng xem xét và cho ý kiến đóng góp.

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh nhận xét chung các loại nhà truyền thống phổ biến của đồng bào dân tộc thường là nhà sàn dài, nhà sàn ngắn, nhà trệt, với hệ kết cấu cột - xà đơn giản, sàn nhiều lớp, vách bao che bằng nứa, gỗ; mái hình mai rùa hoặc 4 mái lợp lá hoặc ngói xi măng, cách phân chia không gian sinh hoạt, trang trí trong nhà, sử dụng các loại vật liệu sẵn có ở địa phương, nhóm nghiên cứu còn đi sâu phân tích và mô tả các chi tiết kiến trúc của từng loại nhà ứng với các dân tộc khác nhau, thông qua hệ thống bản vẽ trên máy, vẽ ký họa và ảnh chụp hiện trạng…

Đánh giá cao những nỗ lực của nhóm thực hiện Dự án, các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng đều cho rằng, đề tài nghiên cứu nhà ở truyền thống của các dân tộc thiểu số là một đề tài khó, đòi hỏi phải am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc, có kiến thức sâu về dân tộc học kiến trúc, lịch sử kiến trúc… thì mới chỉ ra được đâu là cái bản sắc cốt lõi cần phải duy trì, kế thừa và bảo tồn.

Các thành viên Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho nhóm Dự án: thay các ảnh chụp chi tiết cấu tạo của nhà ở bằng bản vẽ tay, tăng cường mô tả bằng hình vẽ, thay thế một số hình ảnh không rõ ràng, làm rõ hơn các tiêu chí khảo sát, bổ sung các phân tích để làm nổi bật hơn giá trị kiến trúc của các công trình được khảo sát…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng - Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cũng chỉ ra một số hạn chế của đề tài này như phương pháp nghiên cứu chưa thực sự khoa học, thiếu các hội thảo khoa học để xin ý kiến chuyên gia, các nghiên cứu về văn hóa, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số trong đề tài này còn sơ sài…

Đồng tình với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đề nghị nhóm tác giả tiếp thu để hoàn thiện Báo cáo.

Dự án đã được Hội đồng bỏ phiếu thông qua với kết quả xếp loại Khá.


Minh Tuấn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)