Nhân ngày Kiến trúc Việt Nam, Chi hội Kiến trúc sư Cơ quan Bộ Xây dựng đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật với các Kiến trúc sư đang công tác tại các đơn vị trong cơ quan Bộ Xây dựng.
TS.KTS Hồ Chí Quang - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cơ quan Bộ Xây dựng phát biểu tại buổi gặp mặt.
Theo TS.KTS Hồ Chí Quang - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cơ quan Bộ Xây dựng, do đặc thù công tác tại cơ quan Bộ Xây dựng, các kiến trúc sư hội viên đều tham gia hoạt động quản lý Nhà nước hoặc làm nghề hỗ trợ quản lý Nhà nước, với các nội dung công tác khá phức tạp, phân tán trong các lĩnh vực khác nhau, không tập trung trong sản xuất, thiết kế như các Chi hội khác.
Tuy vậy, các kiến trúc sư của Chi hội từ cán bộ lãnh đạo Bộ, đơn vị cho đến các chuyên viên, viên chức đều hoàn thành tốt các công việc được giao, nhất là trong công tác xây dựng thể chế, quản lý nhà nước, với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần không nhỏ trong thành tích chung của Bộ Xây dựng.
Thành tích nổi bật trong công tác xây dựng thể chế pháp luật là Bộ Xây dựng tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020, tạo nền tảng quản lý Nhà nước kiến trúc và hành nghề kiến trúc trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định 85/NĐ-CP ngày 17/7/2020 Quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc và chủ động ban hành Thông tư 03/2020/TT-BXD ngày 28/7/2020 quy định về hồ sơ thiết kế kiến trúc và mẫu chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Thông tư 08/2021/TT-BXD ngày 2/8/2021 hướng dẫn phương pháp xác định chi phí lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.
Đây là những quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quản lý phát triển kiến trúc thống nhất và đồng bộ; là công cụ quản lý Nhà nước yêu cầu và quy định về kiến trúc, kết hợp chặt chẽ với Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị từ quá trình hình thành công trình kiến trúc, thẩm định, cấp phép và sau khi công trình đưa vào khai thác, sử dụng thông qua hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng cho đến các nội dung liên quan đến thẩm mỹ kiến trúc, cảnh quan đô thị, nông thôn…
Hiện nay, Việt Nam cơ bản đầy đủ các quy định, công cụ quản lý Nhà nước để quản lý toàn diện việc phát triển kiến trúc, cảnh quan đô thị và nông thôn, bảo vệ di sản kiến trúc truyền thống Việt Nam và môi trường thiên nhiên; hành lang pháp lý cho công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc thực thi pháp luật. Cổng thông tin điện tử quốc gia về công khai minh bạch quy hoạch xây dựng và đô thị toàn quốc đã vận hành từ 8/2019.
Ông Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt.
Đối với công tác Hội, Chủ tịch Chi hội Hồ Chí Quang cho biết: Các thành viên kiến trúc sư của Chi hội tham gia nhiệt tình các hoạt động do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức, nhất là các hoạt động kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, phát triển đô thị bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, giải Loa Thành, giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, các diễn đàn chuyên môn, hỗ trợ và giao lưu với các Hội Kiến trúc sư các Sở địa phương…
Về tài chính, dù còn rất khó khăn nhưng với sự hỗ trợ của các đơn vị trong Bộ Xây dựng, các viện và các Công ty tư vấn của Bộ, Chi hội đã tạo dựng bước đầu nguồn kinh phí hoạt động. Các kiến trúc sư hội viên Chi hội đều là công chức, viên chức thuộc Bộ nên bị chi phối bởi công vụ thường xuyên, việc tham gia các sự kiện lớn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam gặp khó khăn về thời gian và nguồn lực, kinh phí.
Trong thời gian tới công tác, Ban chấp hành Chi hội Kiến trúc sư Cơ quan Bộ cùng với các kiến trúc sư thực hiện tốt các nhiệm vụ, Chương trình hành động của Bộ Xây dựng, gồm Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 16/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc và các pháp luật liên quan; Quyết định 1120/QĐ-BXD ngày 08/10/2021của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Kế hoạch triển khai Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chi hội kết hợp chặt chẽ Hội Kiến trúc sư Việt Nam triển khai thi hành Luật Kiến trúc; thực hiện tốt định hướng kiến trúc Việt Nam, công tác phản biện kiến trúc.
Ban chấp hành Chi hội cần tổ chức Hội đồng chuyên ngành Quy hoạch – Kiến trúc (hoạt động độc lập với công tác quản lý Nhà nước) để ghi nhận, kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng những phản ánh từ dư luận xã hội, các ý kiến phản biện của các tổ chức, cá nhân đối với lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc trên cả nước và kiến nghị, đề xuất giải pháp. Đồng thời, tiếp tục thực tốt các công tác chuyên môn công vụ, đảm bảo ứng xử đúng quy định công chức viên chức.
Đánh giá cao những nỗ lực trong hoạt động nghề nghiệp và công tác hội của Chi hội kiến trúc sư Cơ quan Bộ Xây dựng, ông Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: Thời gian qua, Chi hội Kiến trúc sư Cơ quan Bộ Xây dựng đã làm rất tốt các công việc của Hội.
Chủ tịch đề nghị: Thời gian tới, Chi hội cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, phản biện, góp phần xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để kiến trúc nói riêng, văn hóa nghệ thuật, kinh tế - xã hội nói chung phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng. Đồng thời, Chi hội Kiến trúc sư Cơ quan Bộ Xây dựng cũng cần tích cực giao lưu với các Chi hội khác ở các tỉnh thành để học tập kinh nghiệm lẫn nhau…