Tới dự và chung vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố có ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra T.Ư; ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; lãnh đạo một số tỉnh, thành khu vực đồng bằng Bắc Bộ cùng đông đảo nhân dân thành phố.
Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định, thành lập tỉnh Vĩnh Yên. Tên gọi Vĩnh Yên chính thức bắt đầu từ đây, mở ra thời kỳ phát triển của một đô thị tỉnh lỵ, là chốn đất thiêng - nơi có phong trào cách mạng sớm nhất tỉnh đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần quan trọng trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, nhất là sau hơn 9 năm là đô thị loại 3 và hơn 7 năm là thành phố trực thuộc tỉnh, Vĩnh Yên đã có những bước chuyển mạnh mẽ về mọi mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 21,89%/năm. Vĩnh Yên luôn là một trong những đơn vị duy trì tốt lĩnh vực thu ngân sách, thực hiện khá đồng bộ quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị; huy động mạnh mẽ các nguồn lực tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2014, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, GDP thành phố đạt 18,4%; tổng thu ngân sách đạt hơn 2.189 tỷ đồng; tổng giá trị sản xuất đạt 16.730 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó, dịch vụ chiếm 55%, công nghiệp – xây dựng chiếm 43,5%, nông nghiệp còn 1,5%. Trong năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho 1.600 lao động; thu nhập bình quân đầu người năm 2014 ước đạt 85,6 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 2,1 lần so với năm 2008.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, những năm gần đây, thành phố đã ưu tiên đầu tư phát triển xây dựng và thực hiện tốt các quy định về quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Hệ thống kết cấu hạ tầng được chú trọng xây dựng, cải tạo và nâng cấp; hệ thống điện, cấp thoát nước, giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị có bước phát triển vượt trội; nhiều công trình có kiến trúc hiện đại, hài hòa được hình thành. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao được duy trì và phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Bộ mặt của thành phố có nhiều đổi thay tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Với những thành tích đó, ngày 23/10/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định công nhận thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Chúc mừng những thành tựu thành phố Vĩnh Yên đạt được trong suốt 115 năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu để Vĩnh Yên trở thành đô thị kiểu mẫu, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của thành phố, của tỉnh. Tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo phát triển giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật - công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; huy động mọi nguồn lực. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phấn đấu xây dựng thành phố Vĩnh Yên thành đô thị kiểu mẫu.
Cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với thành phố Vĩnh Yên nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Vọng khẳng định, sự kiện Vĩnh Yên trở thành đô thị loại II đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố. Đồng thời cũng mở ra một chặng đường mới, với những vận hội và thách thức mới trong định hướng đưa thành phố trở thành thành phố sáng-xanh-sạch-đẹp.
Để xứng tầm với vị thế của đô thị loại II, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thời gian tới, thành phố cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức không gian kinh tế và đô thị, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân....
Theo : Báo Xây dựng điện tử.