Báo cáo tóm tắt nội dung đề tài và quá trình thực hiện, KS. Đỗ Quốc Trung – chủ nhiệm đề tài cho biết: Đối với lĩnh vực công nghệ xây dựng, Việt Nam hiện nay có khoảng 108 tiêu chuẩn bao gồm tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn ngành (TCXD, TCXDVN, TCN). Các tiêu chuẩn phần lớn được biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn các nước Nga, Nhật, Trung Quốc, ISO) nên mang tính thời sự, ít cập nhật, tính đồng bộ chưa cao. Nhằm các mục tiêu nghiên cứu, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong cùng lĩnh vực; đề xuất danh mục các quy chuẩn, tiêu chuẩn cần xây dựng mới/ soát xét; xây dựng kế hoạch thực hiện đến năm 2030, nhóm tác giả đã tiến hành thu thập tài liệu, phân tích đánh giá và lấy ý kiến các chuyên gia, trên cơ sở đó lựa chọn tiêu chí để quy hoạch hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn đối với lĩnh vực liên quan. Sản phẩm của đề tài gồm báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt; các phụ lục danh mục các quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước mà nhóm thu hoạch được; tài liệu tham khảo trong và ngoài nước.
Nhận xét về đề tài, các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá cao nỗ lực của nhóm tác giả để hoàn thành khối lượng lớn công việc, cách tiếp cận khoa học. Để đề tài có tính thực tiễn cao, Hội đồng đã đóng góp thêm một số ý kiến: cần nhấn mạnh tính dự báo của quy hoạch; bổ sung thêm một số tiêu chuẩn thiết kế vào hệ thống; xem xét lại lộ trình rà soát một số tiêu chuẩn hoặc chỉ dẫn kỹ thuật cho phù hợp hơn với thực tế áp dụng…
Kết luận cuộc họp, TS. Nguyễn Trung Hòa nhất trí với các nhận xét và đánh giá của toàn Hội đồng; lưu ý nhóm tác giả giải trình cụ thể các ý kiến phản biện và ý kiến của Hội đồng; lưu ý nhóm đánh giá phân tích kỹ tính đồng bộ của từng nội dung trong toàn hệ thống, đồng thời bổ sung một số nội dung (máy móc thiết bị thi công, công trình hạ tầng kỹ thuật, công tác bảo trì, một số công nghệ mới…). Thời hạn để nhóm tác giả hoàn thiện báo cáo trình Bộ xem xét là trước tháng 4/2015.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.
Phòng TT-TL