Hội thảo đề tài nghiên cứu khoa học Hướng dẫn quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở nông thôn đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 13/11/2006 tại Hà Nội Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo đề tài nghiên cứu khoa học Hướng dẫn quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở nông thôn đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, mã số RD-17-04.
Tới dự Hội thảo có đại diện Vụ Quản lý Kiến trúc - Quy hoạch và Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng Hà Nam, Hà Tây và Hải Dương cùng nhiều viện nghiên cứu khoa học, các cán bộ lãnh đạo, nghiên cứu của Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn.
Đề tài do Trung tâm Quy hoạch phát triển nông thông thuộc Viện thực hiện trong thời gian 2 năm từ năm 2004, với sự phối hợp của các cán bộ nghiên cứu thuộc một số cơ quan khác.
Hiện nay việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở khu vực nông thôn nước ta thực sự trở thành một vấn đề được quan tâm khi tốc độ phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực này có sự thay đổi nhanh theo chiều hướng tăng, đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình này, tốc độ đô thị hoá ở nông thôn diễn ra khá nhanh, mật độ dân số tăng nhanh ở nhiều vùng so với thời điểm vài năm trước đó, việc sử dụng đất đai cho các không gian chức năng khu vực nông thôn cần phải xem xét một cách hợp lý hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững về lâu dài, trong đó có không gian chức năng an táng ở nông thôn.
Cho đến nay, việc xây dựng nghĩa trang ở nông thôn mới được chú trọng đến loại hình nghĩa trang liệt sĩ. Nghĩa trang nhân dân hầu như chưa có mà chỉ tồn tại khu vực nghĩa địa. Các nghĩa địa còn trong tình trạng xây dựng mang nặng tính tự phát từ lựa chọn địa điểm cho đến việc xây dựng bên trong nghĩa địa.
Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng mang tính đặc thù và cấp thiết về nhu cầu quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở nông thôn. Hai vùng này còn mang các đặc điểm chung cho khu vực nông thôn, về chừng mực nào đó cơ sở lý luận cho việc xây dựng nghĩa trang trong hai vùng này có thể áp dụng cho các vùng khác ở khu vực nông thôn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu dự thảo hướng dẫn quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là việc cần làm ngay trước hết.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xây dựng hoàn chỉnh mô hình thiết kế nghĩa trang cho các cụm dân cư nông thôn Việt Nam hiện nay, tạo công cụ cho quá trình thiết kế, quản lý và xét duyệt các dự án xây dựng nghĩa trang.
Đề tài cũng nêu ra phạm vi và giới hạn nghiên cứu như sau:
- Tập trung nghiên cứu đề xuất hướng dẫn quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở nông thôn đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
- Tập trung nghiên cứu đề xuất hướng dẫn quy hoạch chủ yếu cho nghĩa trang nhân dân và nghĩa trang liệt sĩ.
- Về khía cạnh xã hội có liên quan đến xây dựng nghĩa trang, đề tài chủ yếu đề cập đến các dân tộc, tôn giáo chính trong các vùng được nghiên cứu.
Cấu trúc của đề tài như sau:
1. Phần mở đầu
2. Phần thứ nhất: Xây dựng cơ sở khoa học xây dựng nghĩa trang ở nông thôn đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Phần này gồm những chương sau:
- Chương I: Một số nét khái quát về xây dựng nghĩa trang ở nông thôn
- Chương II: Thực tại phát triển nghĩa trang nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long
- Chương III: Cơ sở khoa học xây dựng nghĩa trang nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long
2. Phần thứ hai: Dự thảo hướng dẫn quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở nông thôn đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long
Phần này sẽ bao gồm dự thảo hướng dẫn quy hoạch xây dựng và một số mô hình.
3. Phần phụ lục: Các bài tham luận, biểu bảng, sơ đồ, hình ảnh và các tài liệu tham khảo.
H. Phước