Thứ trưởng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp báo.
Tại cuộc họp báo, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh đã tóm tắt tình hình thực hiện năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch năm 2022 của ngành Xây dựng.
Theo đó, trong năm 2021, toàn ngành Xây dựng đã nỗ lực cao độ để hoàn thành Kế hoạch công tác năm, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu trong kế hoạch chính.
Cụ thể, so với năm 2020, giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng dự kiến tăng 0,2 - 0,5%; Chỉ số giá xây dựng tăng 4,34%; Chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản tăng khoảng 3,1%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25 m2/người.
Về vật liệu xây dựng, so với năm 2020, xi măng tiêu thụ ước đạt khoảng 105,6 triệu tấn, tăng khoảng 2%; Kính xây dựng khoảng 186 triệu m2, tăng khoảng 24%; Sứ vệ sinh khoảng 16 triệu sản phẩm, tăng khoảng 7%; Đá ốp lát khoảng 17 triệu m2, giảm khoảng 10%; Gạch ốp lát khoảng 440 triệu m2, giảm khoảng 13%; Vôi công nghiệp khoảng 2,3 triệu tấn,giảm khoảng 8%; Tấm lợp amimăng khoảng 36 triệu m2, giảm khoảng 20%; Gạch nung 18,4 tỷ viên, giảm khoảng 26%; Gạch không nung 3,35 tỷ viên, giảm khoảng 33%.Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2021 ước đạt 40,5%.
Về dịch vụ đô thị, so với năm 2020, tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 92%, tăng 2%; Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17,2%, giảm 0,8%; Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý 15%, tăng 1%.
Năm 2022, bám sát tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ngành Xây dựng quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực, cố gắng cao độ thực hiện nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao.
Ngành Xây dựng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng ước 4,96 - 5,56%; Diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5 - 42% (chỉ tiêu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15); Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 94%; Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm dưới 16,5%; Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt 16%.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã cảm ơn các phóng viên, nhà báo đã phản ánh, đưa tin khách quan, kịp thời và hiệu quả về ngành Xây dựng trong năm 2021, đồng thời chia sẻ những mục tiêu trọng tâm của Ngành trong năm 2022.
Theo đó, trong năm 2022, ngành Xây dựng sẽ tập trung thực thiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; Đẩy mạnh công tác các quản lý đầu tư xây dựng, giám sát chất lượng công trình, quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, quản lý vật liệu xây dựng; Chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu…
Tại buổi họp báo, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng đã trực tiếp trả lời câu hỏi của phóng viên về một số vấn đề nóng của ngành Xây dựng trong thời gian qua liên quan đến sốt đất; giải pháp quản lý, kiểm soát tăng giá đất tại các địa phương; sản lượng xuất khẩu xi măng, clanke tăng đột biến so với các năm trước…
Trong đó, riêng về vấn đề sốt đất, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, thời gian vừa qua, sau khi có đấu giá đất ở Thủ Thiêm thì Thủ tướng đã có văn bản giao cho các Bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ Xây dựng có những đánh giá.
Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã triển khai và làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường. Ngoài ra, Bộ cũng có văn bản gửi các tỉnh, đề nghị các tỉnh đánh giá về giá đất có ảnh hưởng hay không? Đến nay đã có 20 tỉnh đánh giá về nguy cơ sốt đất thông qua đấu giá và ảnh hưởng đến nhà ở, giá đất. Khi có kết quả và đầy đủ thông tin, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo đến Thủ tướng.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng thấy giá đất ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như nguồn cung, giao dịch, phát triển hạ tầng và trong đó có đấu giá đất... để biết được rõ cần đánh giá kỹ lưỡng, bài bản.
Đối với vấn đề sốt đất có ảnh hưởng đến nhà ở giá thấp, theo ông Khởi, năm 2020, một số cơ chế, văn bản pháp luật như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, các Nghị định… được ban hành, tháo gỡ vướng mắc nên thị trường bất động sản phát triển hơn.
Qua tính toán, giá nhà giao dịch trên thị trường tăng so với hai năm trước ở một số trường hợp như: Căn hộ cao cấp tăng 0,5%, giá căn hộ trung cấp tăng 2 - 3%, đất nền tăng 3 - 5%, cá biệt một số nơi tăng trên 10% như Thành phố Hồ Chí Minh hay một số địa phương có xu hướng sáp nhập các đơn vị hành chính hoặc phát triển hạ tầng, trong đó giá thuê đất ở khu công nghiệp tăng từ 10 – 20%.
Như vậy, so với 2 năm trước đó, giá đất có tăng tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Xây dựng, đây là tăng do xu hướng chung.
Bởi năm 2019 - 2020, nguồn cung thị trường bất động sản bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều dự án bất động sản chưa hoàn thành sản phẩm nên chưa thể bán hàng, trong khi nhu cầu ở thật, nhu cầu đầu tư vẫn tăng, dẫn đến giá tăng và ảnh hưởng đến nhà ở giá thấp.
“Chính vì vậy, vừa qua Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng cơ chế về phát triển nhà ở thương mại giá thấp để giúp các đối tượng không thuộc diện được mua dự án nhà ở xã hội có thể tiếp cận được quỹ nhà ở này, ổn định chỗ ở”, ông Khởi cho biết thêm.
Toàn cảnh cuộc họp báo.
Trong các giải pháp đưa ra nhằm quản lý, kiểm soát sốt đất tại một số địa phương, Bộ có đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, công khai các dự án bất động sản. Ngoài ra, cũng phải quản lý môi giới để kiểm soát giá bất động sản, không để đẩy giá cao…
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022 sắp đến, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà báo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí và mong muốn các nhà báo, phóng viên chia sẻ khó khăn và tiếp tục đồng hành, sát cánh với ngành Xây dựng trong năm 2022 và những năm tới.