Nghiệm thu Nhiệm vụ: Điều tra đánh giá hiện trạng và đề xuất chương trình phát triển tái chế chất thải rắn sinh hoạt nông thôn

Thứ sáu, 08/08/2014 15:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 7/8/2014, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu đề tài “Điều tra đánh giá hiện trạng và đề xuất chương trình phát triển tái chế chất thải rắn sinh hoạt nông thôn (CTRSHNT)”do Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam thực hiện. TS. Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

Chủ tich Hội đồng Nghiệm thu – TS. Nguyễn Trung Hòa chủ trì cuộc họp

Theo báo cáo của nhóm tác giả, tính đến tháng 7/2012, tổng lượng CTRSH phát sinh tại các khu dân cư nông thôn ước tính xấp xỉ 30 tấn/ngày. Sự gia tăng CTRSHNT đang tiềm ẩn các mối đe dọa đến môi trường. Một trong những phương pháp xử lý CTR ưu việt là tái chế, vì tái chế chất thải góp phần tạo ra các giá trị có ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội và môi trường. Tại Việt Nam, cùng với các chính sách xây dựng nông thôn mới, hoạt động tái chế CTRSHNT trong thời gian gần đây đã nhận được sự quan tâm lớn từ các Bộ ngành, các đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động này mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ, kém bền vững; nhiều vướng mắc về nguyên liệu, công nghệ, nhân lực, tài chính, đầu ra cho sản phẩm còn tồn tại; đặc biệt, hệ thống cơ chế chính sách hiện hành chưa thực sự tạo động lực và sức bật phát triển lĩnh vực này. Tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nêu trên thực sự là một nhiệm vụ cấp thiết và hết sức ý nghĩa.

Với mục tiêu đánh giá hiện trạng tái chế CTRSHNT và nhận diện các bất cập trong các hoạt động có liên quan, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, chính sách và chương trình phát triển tái chế CTRSHNT, góp phần vào sự phát triển bền vững nông thôn Việt Nam; nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu trên phạm vi 10 tỉnh thành cả nước theo 03 nội dung cơ bản: tổng quan chung về tái chế CTRSHNT; đánh giá hiện trạng tái chế CTRSHNT Việt Nam và đề xuất các chương trình tái chế CTRSHNT. Các kiến nghị đề xuất đưa ra trong Nhiệm vụ được kỳ vọng phần nào hỗ trợ các cơ quan quản lý đưa ra những quyết định và hành động phù hợp về mặt quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tái chế chất thải nói chung và CTRSHNT nói riêng; qua đó giải quyết nguồn tài nguyên chất thải gây ô nhiễm môi trường, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp/đơn vị tái chế.

Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá cao tính thực tiễn và hàm lượng khoa học của Nhiệm vụ. Các thành viên Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến về bố cục (nên cô đọng hơn); về các nội dung - nhất là phần điều tra đánh giá hiện trạng về tái chế CTRSHNT; về từ ngữ chuyên môn; nguồn trích dẫn của tài liệu, số liệu viện dẫn để tăng độ tin cậy của thông tin…và nhất trí nhận xét: đề tài sau khi bổ sung, chỉnh sửa sẽ hoàn toàn phù hợp mục tiêu đề ra, có giá trị và tính khả thi cao.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng – TS. Nguyễn Trung Hòa hoàn toàn nhất trí với các ý kiến phản biện và những ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng; lưu ý nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến, tập trung hơn vào các phần phân tích thành phần CTR, số lượng phát sinh, phương pháp thu gom và xử lý, từ đó các kiến nghị mô hình thu gom xử lý đưa ra sẽ thuyết phục hơn; bổ sung thêm nghiên cứu đặc điểm các vùng nông thôn (vùng nông thôn ven biển, đồng bằng, khu vực nông thôn miền núi…) để đưa ra các mô hình và giải pháp phù hợp; tập trung nghiên cứu đánh giá những vấn đề liên quan tới phí và chi phí, đóng góp của người dân, các cơ chế chính sách đối với công tác thu gom và xử lý CTRSHNT…để báo cáo hoàn chỉnh.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.

Phòng TT-TL
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)