Ngày 5/6/2014, tại cơ quan Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành của Bộ đã họp nghiệm thu đề tài “Điều tra, khảo sát, đề xuất phương án và công nghệ thích hợp xử lý bùn cặn từ hệ thống thoát nước (HTTN) đô thị” - mã số MT 13-09 do Hội Môi trường Xây dựng thực hiện. TS. Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.
TS.Nguyễn Trung Hòa kết luận cuộc họp
Thay mặt nhóm tác giả, PGS. TS Trần Đức Hạ (chủ nhiệm đề tài) đã báo cáo tóm tắt lý do, sự cần thiết và quá trình thực hiện đề tài, Theo báo cáo, Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 256/2003/QĐ-TTg ngày 2/12/2003 đã nêu rõ những yêu cầu cấp bách và nội dung cần thực hiện để giải quyết vấn đề thoát nước đô thị, trong đó có thu gom và xử lý bùn cặn. Hầu hết các đô thị Việt Nam đều có hệ thống thoát nước chung với lượng bùn cặn, nước thải tương đối lớn. Do có một số đặc điểm đặc thù, bùn cặn nước thải rất dễ gây ô nhiễm môi trường đô thị khi được thu gom và vận chuyển không đúng quy cách. Việc xử lý bùn cặn không hợp vệ sinh cũng sẽ gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và môi trường không khí trong khu vực. Tuy đã được đề cập tới trong một số dự án và chương trình nghiên cứu khoa học, song cho tới nay nước ta vẫn chưa có một nghiên cứu hoàn chỉnh nào về đặc điểm các loại bùn cặn trong HTTN đô thị. Các biện pháp thu gom, vận chuyển và xử lý bùn cặn chưa hợp lý, thiếu tính kinh tế, làm mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường đô thị. Thực trạng trên đây đã khẳng định tính cấp thiết của đề tài.
Với mục tiêu đánh giá sự hình thành, số lượng và tính chất các loại bùn cặn sơ cấp trong HTTN đô thị; đề xuất công nghệ xử lý và tái sử dụng bùn cặn sơ cấp tại một số đô thị lớn, nhóm tác giả đã xác định rõ nội dung nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu (là HTTN các đô thị loại đặc biệt và loại 1 như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh). Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm đã tiến hành nghiên cứu sự hình thành, số lượng cũng như tính chất HTTN các đô thị; nguồn gốc bùn thải từ HTTN; phương pháp xử lý bùn thải (nạo vét thủ công và cơ giới); đề xuất nội dung xử lý bùn cặn HTTN (công nghệ ủ bùn cặn trên bãi và xử lý nước bùn). Ngay sau khi nạo vét, bùn cặn cần được xử lý tách nước sơ bộ. Nhóm tác giả đã nghiên cứu trên mô hình hiện trường thiết bị xiclon thủy lực để tách nước sơ bộ tại chỗ. Nhóm cũng đã triển khai nghiên cứu mô hình ủ bùn cặn cống thoát nước tại phòng thí nghiệm; đề xuất phương pháp tách nước sơ bộ bùn cặn, các biện pháp xử lý bùn cặn HTTN, bao gồm xử lý riêng biệt từng loại bùn cặn hoặc xử lý kết hợp.
Nhận xét về đề tài, các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá cao tính thực tế của đề tài, cũng như nỗ lực của nhóm tác giả để hoàn thành nhiệm vụ, đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra. Bên cạnh đó, để đề tài được hoàn thiện, các thành viên Hội đồng đã đóng góp ý kiến về một số nội dung cần bổ sung (tổng quan tình hình nạo vét bùn cặn trong và ngoài nước, phương pháp thu gom – vận chuyển bùn, phân loại tạp chất trước khi tách nước…). Đặc biệt, Hội đồng lưu ý nhóm tác giả chú trọng điều kiện mặt bằng, điều kiện vệ sinh môi trường tại hiện trường, để đề tài có tính khả thi cao, hiệu quả kinh tế lớn. Các đề xuất chỉnh sửa bố cục mạch lạc, gọn nhẹ hơn, cập nhật số liệu…cũng được Hội đồng đưa ra cho nhóm tác giả.
Kết luận cuộc họp, TS. Nguyễn Trung Hòa nhất trí với Hội đồng, đề nghị nhóm tác giả tiếp thu, nghiên cứu và chỉnh sửa đề tài theo các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, hoàn chỉnh báo cáo trước tháng 8/2014 để trình Bộ xem xét.
Đề tài được nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.
Phòng TT-TL