Nội dung các đồ án về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu
Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian vừa qua, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự chỉ đạo sát sao của Chính quyền địa phương, cộng với sự tham gia vào cuộc của nhân dân, công tác lập QHXD NTM đã đạt được kết quả khá cao. Tính đến hết tháng 5/2013, trong tổng số 10 nghìn xã của cả nước có 74,6% số xã đã hoàn thành việc phê duyệt QHXD xã NTM. Trong đó, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai, Đắc Nông, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang và Sóc Trăng đã hoàn thành công tác lập QHXD xã NTM. Một số tỉnh, thành khác như Hà Nội, Hưng Yên, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cũng đã hoàn thành trên 85% QHXD NTM trên địa bàn…
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhận định: Kết quả nói trên rất đáng khích lệ bởi Chương trình MTQG XDNTM được triển khai trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm còn khác nhau giữa các vùng, nguồn vốn lập quy hoạch ở một số địa phương còn hạn chế. Số lượng đồ án đã hoàn thành rất lớn. Điều này cho thấy, công tác QHXD NTM đã có sự quan tâm lớn của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Nhìn chung đồ án QHXD NTM cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 193/QĐ-TTg, bước đầu đã đi vào cuộc sống và đáp ứng cơ bản với các mục tiêu của Chương trình MTQG XDNTM.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong cả nước vẫn còn một số tỉnh ở khu vực miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La..., tỷ lệ hoàn thành QHXD NTM còn kiêm tốn.
Vẫn còn những vướng mắc
Phân tích các nguyên nhân, vướng mắc trong công tác QHXD NTM, theo Bộ Xây dựng, trước tiên là sự thay đổi của các văn bản pháp quy. Trước đây thực hiện theo Thông tư 09/2010/TT-BXD ngày 04/8/2010 của Bộ Xây dựng, nay thực hiện theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28/10/2011 (lồng ghép 3 nội dung QH xây dựng, QH sử dụng đất và QH sản xuất trong một đồ án QHXD NTM), dẫn tới việc phải điều chỉnh đồ án trong quá trình nghiên cứu, gây mất thời gian và khó khăn cho các địa phương. Hơn thế, cơ chế, chính sách tại một số địa phương còn rườm rà. Việc thực hiện trình tự thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt QHXD NTM còn chưa hợp lý, đôi khi cứng nhắc. Cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về QHXD cấp huyện, xã còn chưa được cải thiện kịp thời.
Sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp còn hạn chế. Tại một số địa phương, các đơn vị tư vấn chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với UBND xã, huyện trong việc triển khai lập đồ án QHXD NTM. Bản thân địa phương cũng thiếu cán bộ có chuyên môn thực hiện công tác thẩm định đồ án. Sự phối kết hợp giữa các cấp thẩm định, phê duyệt đồ án QH tại một số nơi còn thiếu tính chặt chẽ...
Số lượng các tổ chức tư vấn tham gia lập QHXD NTM còn ít, chưa đủ mạnh, tính chuyên nghiệp chưa cao...
Kinh phí cho công tác lập QHXD nông thôn tại các địa phương trên cả nước còn rất hạn chế. Chi phí để lập đồ án QHXD thấp (khoảng 150 triệu/xã) nên các đơn vị tư vấn gặp khó khăn trong việc tổ chức triển khai, nhất là các xã tại vùng sâu, vùng xa và xã có diện tích lớn. Một số địa phương chưa bố trí đủ vốn (mới tạm ứng một phần kinh phí lập QH) do đó đồ án lập QH bị kéo dài.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nên công tác lập QHXD NTM gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc định hướng QH phát triển sản xuất phù hợp với tốc độ phát triển đô thị của địa phương. Hầu hết các xã chỉ có bản đồ địa chính (mới nhất là của năm 2007), chưa có bản đồ nền địa hình nên việc thể hiện tình hình hiện trạng, xác định cao độ xây dựng, thiết kế mạng lưới hạ tầng kỹ thuật… chưa thể thực hiện một cách sâu sát, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong quá trình lập QH, hệ thống tài liệu, số liệu, bản đồ phục vụ cho công tác lập QH còn thiếu và không thống nhất. Một số xã phải dùng bản đồ giải thửa để lập QHXD...
Quyết tâm phủ kín QHXD NTM
Việc phủ kín QHXD NTM trên cả nước có vai trò tiền đề, tạo điều kiện khai thác hợp lý, phát huy được những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội, tạo sự liên kết trong vùng, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất... một cách bền vững, đồng thời từng bước nâng cao điều kiện sống, dân trí của người dân, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại ở khu vực NT. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản bản hướng dẫn các địa phương, tăng cường kiểm tra, thường xuyên rà soát, đánh giá việc lập và thực hiện QH để kịp thời khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác QHXD NTM.
Bộ đã và đang ban hành thiết kế mẫu nhà ở NT phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc vùng miền theo hướng văn minh, hiện đại đồng thời tiếp tục triển khai việc đào tạo nâng cao năng lực của địa phương trong công tác lập, thẩm định và quản lý QHXD NTM.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ trực tiếp hỗ trợ các địa phương khó khăn trong việc triển khai QHXD NTM nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các cấp tiếp tục và quyết liệt trong việc chỉ đạo và thực hiện công tác lập QH trên địa bàn do mình quản lý cũng như tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chương trình QHXD NTM, về các chính sách có liên quan nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực NT để người dân hiểu rõ hơn về nội dung QHXD và chủ động tham gia vào công tác QHXD cũng như đầu tư phát triển theo QH. Các Bộ, ngành liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý, tháo gỡ các vướng mắc cho các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, kinh phí, tổ chức bộ máy, nhân sự...
Hội nghị do Bộ Xây dựng tổ chức lần này tiếp tục tập trung thảo luận một số vấn đề như các giải pháp khắc phục những vướng mắc trong công tác QHXD NTM nhằm đẩy nhanh tiến độ lập QH và nâng cao chất lượng đồ án; Vai trò của người dân và các tổ chức, DN trong việc tham gia QH NTM; Cơ chế chính sách đối với cán bộ, người dân tham gia xây dựng QH NTM...
Theo : Báo Xây dựng điện tử