Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Khu vực duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, là khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lụt. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thiên tai xảy ra với tần suất dày hơn, cường độ mạnh hơn, với diễn biến khó lường, không theo quy luật. Vào mùa mưa, bão, tình trạng lũ, lụt liên tiếp xảy ra trên diện rộng, trong thời gian dài; hiện tượng "lũ chồng lên lũ" xảy ra thường xuyên hơn. Bão, lụt khu vực miền Trung trong những năm qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân, đồng thời gây trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, công sức lao động, tiết kiệm để kiến thiết, xây dựng nhà ở của người dân trong nhiều năm có thể bị hủy hoại hoặc hư hỏng nặng chỉ sau một trận lũ. Hàng năm, Nhà nước và chính quyền địa phương đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của để thực hiện cứu trợ cho người dân bị thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra. Sau mỗi trận lũ, lụt lớn, tiền cứu trợ từ ngân sách có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Sau thành công việc triển khai thí điểm việc hỗ trợ 700 hộ gia đình nghèo của 7 tỉnh miền Trung, các Bộ, ngành liên quan và địa phương khu vực miền Trung thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho triển khai nhân rộng tại 14 tỉnh/thành phố khu vực miền Trung và sẽ có 40 nghìn hộ nghèo ở khu vực bão lũ miền Trung được hỗ trợ về nhà ở trong thời gian tới.
Đây là một chủ trương được các bộ, ngành, các tỉnh đánh giá cao. Ông Trần Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Việt Nam, đơn vị cho người nghèo vay thêm kinh phí để sửa chữa nhà, khẳng định: Đây là chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, mang lại lợi ích cho người dân nghèo... Về phía Ngân hàng, chúng tôi sẽ thực hiện tốt nhất cho người dân. Đối với các chương trình cho người nghèo vay để sửa chữa nhà tại ngân hàng chính sách đều được giải ngân nhanh và thu hồi nợ tốt. Tôi hi vọng chương trình này sẽ được hoành thành nhanh nhất, tốt nhất.
Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết thêm: Quảng Nam có 22 nghìn hộ nghèo. Trong thời gian qua các chủ trương chính sách của nhà nước đã thực sự hiệu quả đối với nhiều đối tượng. Việc triển khai hỗ trợ cho người nghèo trong xây dựng, sửa chữa nhà chống lũ theo Quyết định 716 tại Quảng Nam đã được người dân đánh giá cao và nhiều hộ gia đình nghèo mong muốn được nhận sự hỗ trợ này. Hiện nay Quảng Nam có trên 3.000 hộ dân có nhà ngập lũ trên 1,5m được đưa vào chương trình theo Quyết định 48. Việc triển khai thực hiện chính sách sẽ tạo điều kiện cho các hộ nghèo khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai bão, lụt xây dựng được nhà ở an toàn, ổn định, từ đó yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo của Chính phủ.
Quyết định 48 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/10 sắp tới, để triển khai thực hiện theo lộ trình đề ra, Bộ Tài chính sẽ có các Thông tư hướng dẫn thực hiện. Liên quan đến vấn đề này, Ông Trần Văn Dinh, Vụ Ngân sách Nhà nước - Bộ Tài Chính cho biết: Từ Quyết định này, Bộ Tài chính sẽ có Thông tư hướng dẫn các địa phương về một số vấn đề chủ yếu như bình xét đối tượng, lập dự án… Phân bổ dự toán sẽ được thực hiện theo mục tiêu cho cấp tỉnh, tỉnh phân bổ cho huyện và huyện phân bổ đến xã và được thực hiện tại Kho bạc Nhà nước. Nguồn vốn triển khai được thực hiện từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn cụ thể cho các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời các địa phương cần lưu ý một số nội dung tại Quyết định 48 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính để triển khai thực hiện cho đúng và hiệu quả.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đến thăm gia đình bà Lê Thị Xuân ở thôn 3 xã Điện Hồng, Quảng Nam - một trong những gia đình đã được địa phương đưa vào danh sách hỗ trợ đợt tới theo Quyết định 48.
Để khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị lãnh đạo các địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo giảm nghèo của địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng; thiết kế mẫu nhà phòng tránh bão, lụt phù hợp với điều kiện của từng vùng, tập quán sinh hoạt của người dân; tổ chức tập huấn chính sách đến từng thôn, xã thuộc vùng được thụ hưởng chính sách. Đồng thời các Bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.
Chia sẽ với các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Với phương châm huy động từ nhiều nguồn lực, Nhà nước, cộng đồng và người dân thông qua việc triển khai thực hiện Chính sách sẽ khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc người nghèo, giúp đỡ người có công, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tình cảm gắn bó, đoàn kết anh em, dòng họ, “tình làng, nghĩa xóm” trong cộng đồng dân cư và tình đoàn kết quân - dân. Việc vận động, hướng dẫn người nghèo tích cực tham gia cùng Nhà nước và cộng đồng trong việc xây dựng nhà ở còn tạo cho họ có sự chủ động, tự tin để vươn lên thoát nghèo và từng bước có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Hàng năm, những cơn lũ miền Trung cướp đi biết bao sinh mạng, làm tang thương bao gia đình. Chương trình này giúp cho giấc mơ của người dân nghèo về một ngôi nhà vững chãi trong bão lũ trở thành hiện thực. Đó cũng đồng thời thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Xây dựng đối với người nghèo có được một mái nhà để che mưa, che nắng và tránh được lũ, bão.
Theo : Báo Xây dựng điện tử