Ngày 3/11/2021, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Xây dựng, bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Xây dựng) chủ trì hội nghị.
Bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc hội nghị
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp); lãnh đạo; công chức; viên chức các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Tống Thị Hạnh cho biết, ngày 18/6/2020, Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Tiếp đó, ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản này quy định nhiều điểm mới quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới, đồng thời khắc phục những tồn tại vướng mắc trong các quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động phổ biến, cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức Bộ Xây dựng, bà Tống Thị Hạnh cũng cho biết, đây là một trong những sự kiện của ngành Xây dựng hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày 9/11), được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật ngành Xây dựng.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) trình bày tại hội nghị
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, qua hơn 3 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (ban hành ngày 22/6/2015), công tác xây dựng pháp luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn một số tồn tại, và một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm tính đầy đủ, hợp lý, sát thực tiễn của các quy định.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới, việc ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là rất cần thiết.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung 68 điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gồm 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau: cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng văn bản pháp luật; phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; hình thức, thẩm quyền, nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật liên tịch; quy trình xây dựng, ban hành một số loại văn bản quy phạm pháp luật; quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động thẩm tra, xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế văn bản quy phạm pháp luật; một số vấn đề khác về thời gian, thời hạn gửi hồ sơ, tài liệu; thời hạn đăng tải và đưa tin văn bản quy phạm pháp luật; các trường hợp một văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản; việc ngưng hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật.
Về Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, Nghị định này sửa đổi, bổ sung 52 điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, trong đó có 45 điều về nội dung và 7 điều về kỹ thuật, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính: sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với những quy định mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc hoặc cản trở công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Toàn cảnh hội nghị
Kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Tống Thị Hạnh cám ơn ông Nguyễn Hồng Tuyến đã dành thời gian tham dự và truyền đạt những nội dung trọng tâm của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tới tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức thuộc Bộ Xây dựng, giúp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật ngành Xây dựng nói riêng, pháp luật nói chung.