Theo báo cáo của ThS. Lê Văn Quang - chủ nhiệm đề tài, trong những năm qua, ngành sản xuất bê tông của Việt Nam, nhất là khu vực phía Nam, đang đối mặt với tình trạng khan hiếm cát đạt chất lượng. Trong khi đó, nguồn cát mịn tập trung nhiều ở Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre với trữ lượng rất dồi dào (hơn 850 triệu m3) chủ yếu chỉ dành cho san lấp; cát sử dụng cho bê tông còn hạn chế bởi độ bẩn cao, hàm lượng sét lớn, đặc biệt module độ lớn chủ yếu tập trung từ 0,7 – 2,0. Điều này dẫn đến sự lãng phí lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, việc nghiên cứu sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL cho chế tạo bê tông là hết sức cần thiết, nhằm đơn giản hóa khâu thiết kế cấp phối và sử dụng nguyên vật liệu đầu vào sẵn có tại địa phương, góp phần giải quyết khó khăn về khan hiếm cát hạt thô trong xây dựng hiện nay và trong tương lai không xa.
Với mục tiêu của đề tài là nghiên cứu sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL làm cốt liệu chế tạo bê tông tới mác 60MPa và vữa xây dựng; xây dựng hướng dẫn sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL để chế tạo bê tông và vữa xây dựng; lập quy trình xử lý cát nhiễm mặn, lẫn nhiều tạp chất; nhóm đề tài đã tiến hành khảo sát sự phân bố và trữ lượng cát vùng ĐBSCL, nghiên cứu các tính chất cơ lý hóa của cát, nghiên cứu sửdụng các loại phụ gia dùng trong bê tông có sử dụng cát mịn, lựa chọn thành phần cấp phối bê tông và vữa sử dụng cát mịn trong vùng có / không phối trộn với cát nghiền. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đề tài đã áp dụng các phương pháp hóa lý tiêu chuẩn và phi tiêu chuẩn; các phương pháp thí nghiệm cơ lý tiêu chuẩn để khảo sát các tính chất của nguyên vật liệu sử dụng, bê tông và hỗn hợp bê tông. Ngoài ra, nhóm đề tài còn ứng dụng phương pháp quy hoạch thực nghiệm nghiên cứu để khảo sát tỷ lệ phối hợp các vật liệu thành phần (xi măng Holcim PCB 40, cát nghiền, cát mịn, phụ gia siêu dẻo gốc polycacboxylat, nước), cũng như một số yếu tố ảnh hưởng đến các tính chất của hỗn hợp bê tông và bê tông có sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL.
Đề tài đã đưa ra được quy trình xử lý sàng rửa để loại bỏ các tạp chất có hại trong cát. Cát sau khi sàng rửa có các tính chất cơ lý đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn hiện hành. Đề tài đã sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL để chế tạo bê tông cho một số cấu kiện tại nhà máy bê tông ly tâm Thủ Đức. Kết quả thí nghiệm trên cấu kiện cho thấy các tính chất bê tông sử dụng cát mịn tương đương với cát hạt thô tại nhà máy đang sản xuất. Nhóm đề tài cũng xây dựng thành công hướng dẫn sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL để chế tạo bê tông và vữa xây dựng; đồng thời đưa ra đề xuất về nâng cao khả năng chống thấm ion clo cho bê tông sử dụng cát mịn bằng các phương pháp như thêm các loại phụ gia khoáng hoạt tính để có thể mở rộng phạm vi ứng dụng của loại bê tông này.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá rất cao tính thực tiễn, ý nghĩa kinh tế - kỹ thuật to lớn của đề tài. Để hoàn chỉnh đề tài, các thành viên Hội đồng đã cho ý kiến về một số nội dung cần đi sâu nghiên cứu thêm (phương pháp phối cát hạt thô và hạt mịn; vật liệu đầu vào và đầu ra; điều chỉnh độ sụt tương ứng với độ phân tầng tách nước…); số liệu đề tài cần rà soát lại cho chuẩn xác.
Tổng hợp các ý kiến của Hội đồng, TS. Nguyễn Trung Hòa - Chủ tịch HĐNT nhất trí: đây là một đề tài được thực hiện rất tốt, và sẽ thể hiện hiệu quả lớn hơn khi được nâng cấp thành TCXD (TCXD 127 hiện hành “Cát mịn để làm bê tông và vữa xây dựng - Hướng dẫn sử dụng” ban hành từ năm 1985 đã thể hiện nhiều bất cập). Theo định hướng này, TS. Hòa lưu ý nhóm đề tài tập trung biên soạn lại sản phẩm cho đúng yêu cầu một văn bản tiêu chuẩn; chú ý bổ sung nghiên cứu đặc điểm cát vùng ĐBSCL, các yêu cầu về thành phần hạt sau khi rửa, phương pháp cấp phối, yêu cầu về vữa) theo các ý kiến phản biện và của toàn Hội đồng, hoàn thiện đề tài trình Bộ Xây dựng xem xét trong khoảng giữa tháng 8/2014, để Bộ có cơ sở đề nghị Bộ Khoa học & Công nghệ sớm ban hành và ứng dụng đề tài vào thực tế.
Đề tài được nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc.
Phòng TT-TL