Theo kết quả khảo sát, kiểm định chất lượng hiện trạng nhà C8 Giảng Võ của Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội vào đầu tháng 7, đơn nguyên III của chung cư C8 Giảng Võ bị lệch, lún theo cả hai phương với mức độ lớn. Đặc biệt, mức độ nghiêng lệch theo phương dọc của khối nhà bên phải cầu thang đã vượt quá giới hạn cho phép, do bị lún lệch nên các liên kết của khu vực cầu thang (dầm, sàn chiếu tới, chiếu nghỉ, sàn mái) vào các tường ngang đã bị phá hoại. Các tấm sàn mái và một số cấu kiện ở tầng 4-5 đã tụt khỏi gối đỡ tường ngang; những cấu kiện khác đã bị dịch chuyển và có xu hướng tụt khỏi gối đỡ nên toàn bộ khu vực cầu thang và khối nhà bên phải đang trong tình trạng rất nguy hiểm. Sự cố sập khu vực cầu thang có thể xảy ra, đặc biệt trong mùa mưa bão, do đó, cần tổ chức di dời ngay toàn bộ số dân đang ở trong đơn nguyên này. Sở Xây dựng Hà Nội đã gửi báo cáo tới UBND thành phố để xin ý kiến chỉ đạo.
Khi được Bộ trưởng hỏi về tình hình cuộc sống, một số chủ nhà sinh sống tại đây cho hay, họ không muốn di dời đi chỗ khác vì đã định cư ổn định tại khu nhà này nhiều năm, nếu di dời đi nơi khác sẽ ảnh hưởng đến sinh hoat, việc học hành của con cái. Họ cũng cho rằng, nhà C8 vẫn còn khá kiên cố, không bị lún nứt, không bị thấm dột khi trời mưa. Những ý kiến, tâm tư và nguyện vọng của nhiều người dân chung cư cũ C8 Giảng Võ đã được Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo và các sở, ngành liên quan tại cuộc họp trong chiều cùng ngày để bàn về pháp đẩy nhanh việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cải tạo chung cư cũ, gắn với cải tạo, chỉnh trang các khu vực dân cư cũ của đô thị.
Theo báo cáo của UBND thành phố, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.155 nhà chung cư cao 4- 6 tầng và 10 khu thấp tầng (1-3 tầng). Các nhà chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội đa phần được xây dựng theo các tiểu khu nhà ở, một nhóm nhà được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước bằng vốn ngân sách. Trong quá trình sử dụng, các hộ dân đã tự cơi nới, phát triển trên diện tích đất trống, sân chung. Đến nay, đa số diện tích xây dựng cũng như dân số tại các khu chung cư cũ này đã tăng hơn 1,5 lần so với thiết kế ban đầu. Dù có hàng nghìn nhà chung cư cũ ở mức độ nguy hiểm, nhưng thực tế gần 10 năm qua, mới có 14 chung cư cũ được xây dựng lại. Rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ cải tạo xây dựng lại chung cư cũ là những vướng mắc về quy hoạch kiến trúc, chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư, quỹ nhà tạm cư, tình hình kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, để nhà cũ nát bị sập, chết người thì trách nhiệm sẽ thuộc lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, khi thành phố quyết định di dời thì người dân không thực hiện. Thậm chí, người dân không tin cơ quan kiểm định chất lượng nhà của thành phố. Chủ tịch cũng nhấn mạnh, ngoài việc phải thay đổi chính sách, xóa bỏ những rào cản, cần phải xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước và người dân thì việc cải tạo xây dựng lại chung cư cũ mới đẩy nhanh được tiến độ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Chính sách cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ chưa sát thực tiễn, chưa phù hợp với các quy định của pháp luật. Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép thay đổi một số cơ chế, chính sách nhằm huy động được nhiều nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên tinh thần đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Bộ Trưởng khẳng định sẽ cùng Hà Nội nghiên cứu cơ chế đầu tư nhà chung cư cũ, như Nhà nước đứng ra cải tạo nhà chung cư bằng cách thuê doanh nghiệp làm hoặc Nhà nước giao cho doanh nghiệp làm theo hình thức BT, vì hiện nay doanh nghiệp trực tiếp thỏa thuận với người dân khi cải tạo nhà rất vất vả. Đồng thời, cũng đề nghị UBND thành phố phải có biện phải kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo sự an toàn cho những người dân đang sống ở những chung cư cũ chưa được cải tạo xây dựng lại. Phải đặt sự an toàn cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất./.
Bích ngọc